Vừa là người giảng dạy về kinh doanh, vừa trực tiếp điều hành doanh nghiệp, ông Tô Nhật, Chủ tịch Success Business School, Tổng giám đốc Tập đoàn AMACCAO hiểu rõ những sức ép khủng khiếp của biến động kinh tế - chính trị thế giới trong 5 năm vừa qua.
Trò chuyện với PV. VietNamNet, ông Nhật bộc bạch: “5 năm trước, chúng tôi chưa có nhiều đối tác quốc tế do quy mô hoạt động chỉ giới hạn trong lĩnh vực xây lắp, một số sản phẩm chủ yếu sử dụng trong nội địa. Do đó, chúng tôi không bị ảnh hưởng nhiều bởi các biến động”.
Tuy nhiên, trong 6 năm trở lại đây, đặc biệt 5 năm vừa qua, những ông chủ doanh nghiệp như ông cảm nhận rõ rệt ảnh hưởng của tình hình thế giới lớn hơn ảnh hưởng chính trị trong nước. “Một cái hắt hơi sổ mũi”, một cú va chạm của các nước lớn cũng làm tình thế doanh nghiệp phải xoay chuyển, cả theo chiều tiêu cực lẫn tích cực.
Chiến tranh thương mại Mỹ -Trung, Anh rời EU, Mỹ rút lui khỏi TPP, WTO “lung lay”, đặc biệt là đại dịch Covid-19, kèm với những khó khăn nội tại của nền kinh tế đã khiến Việt Nam chịu nhiều ảnh hưởng. Thế giới luôn trong tình trạng mà ông Nguyễn Minh Cường, Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng ADB đánh giá là “bất bình thường”.
Tuy nhiên, vượt qua những khúc cua khó khăn ấy, nền kinh tế Việt Nam đã có được những bước phát triển mới.
Chia sẻ với phóng viên, chuyên gia kinh tế TS Trần Toàn Thắng cho rằng: Từ năm 2016-2019 chúng ta đã đạt được nhiều thành công trong việc phát triển kinh tế. Giai đoạn này, tất cả các yếu tố tích cực cũng như thuận lợi từ bên ngoài đã đẩy tăng trưởng GDP của Việt Nam đi lên. Năm 2018-2019, tăng trưởng GDP đã xoay quanh con số 7%. Nếu các chỉ số vĩ mô năm 2020 mà như các năm trước đó thì các chỉ tiêu kế hoạch giai đoạn 2016-2020 chắc chắn sẽ ổn.
Tất nhiên, điều “nếu như” ấy đã không xảy ra. Các chỉ số đo sức khỏe kinh tế Việt Nam bị tác động mạnh từ đại dịch Covid-19, tăng trưởng GDP giảm bằng gần 1 nửa năm 2019, thu ngân sách thấp hơn kế hoạch.
Dù vậy, mức tăng trưởng GDP 2,91% - cao hàng đầu thế giới của năm khép lại kế hoạch phát triển 2016-2020 vẫn được nhiều tổ chức quốc tế ghi nhận như một “kỳ tích”, bất chấp đám mây mù Covid-19 vẫn che phủ toàn thế giới.
Nhìn lại tổng kết 5 năm 2016-2020, chúng ta vẫn có thể tự hào khi nền tảng vĩ mô đã tốt hơn nhiều, sức chống chịu của người dân, doanh nghiệp với những cú sốc đã “lì” hơn.
Có nhiều con số để chứng minh, nhiều câu chuyện sinh động cho luận điểm này. 5 năm qua, quy mô nền kinh tế ước đạt 340 tỷ USD, tăng 1,4 lần, vươn lên đứng thứ 4 trong ASEAN.
Báo cáo Tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 5 năm 2016-2020 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư ngày 25/12/2020 cho thấy rõ hơn điều này. Tốc độ tăng GDP giai đoạn 2016-2019 đạt khá cao, ở mức bình quân 6,8%. Mặc dù năm 2020 kinh tế chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid-19 nhưng tốc độ tăng trưởng bình quân 5 năm 2016-2020 ước đạt khoảng 5,99% (giai đoạn 2011-2015 đạt 5,91%) và thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao nhất khu vực, thế giới.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) vốn được ví như “con ngựa bất kham”, là nỗi ám ảnh của người dân và doanh nghiệp, thì giai đoạn 2016-2020, con ngựa ấy đã chính thức được “thuần hóa”. Bình quân giai đoạn 2016-2020 CPI ước đạt 3,2%, giảm mạnh so với giai đoạn 2011-2015 (7,65%), trong phạm vi mục tiêu đề ra (dưới 4%).
Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng mạnh, vốn đăng ký đạt mức kỷ lục. Tính chung cả giai đoạn 2016-2020, tổng vốn FDI đăng ký ước đạt khoảng 173-174 tỷ USD, trong khi đó vốn thực hiện ước đạt khoảng 92-93 tỷ USD (Giai đoạn 2011-2015, tổng vốn FDI đăng ký đạt khoảng 100,3 tỷ USD, vốn thực hiện đạt gần 60 tỷ USD).
Giai đoạn 2016-2020 cũng chứng kiến Việt Nam xuất siêu liên tục, năm sau cao hơn năm trước, trái với tình trạng nhập siêu “kinh niên”. Xuất siêu năm 2020 ước đạt hơn 19 tỷ USD, cao hơn mức thặng dư năm 2019 trên 8 tỷ USD; năm 2019 xuất siêu khoảng gần 10,87 tỷ USD, cao hơn mức thặng dư năm 2018 (6,83 tỷ USD), gấp hơn 5 lần so với thặng dư năm 2017 (2,11 tỷ USD), gấp 6 lần so với thặng dư năm 2016 (1,78 tỷ USD). Dù vậy, niềm vui này chưa trọn khi đóng góp của DN “thuần Việt” còn khiêm tốn, chủ yếu vẫn dựa vào khu vực có vốn đầu tư nước ngoài.
Tuy nhiên, theo ông Trần Toàn Thắng, chúng ta cũng có những “điểm trừ”. Chẳng hạn, Việt Nam không cải thiện được nhiều các điểm nghẽn về kinh tế. Thời kỳ cuối của giai đoạn 2016-2020, chúng ta mới triển khai các công trình lớn để giải tỏa tính kết nối của nền kinh tế. Điểm nghẽn thứ hai là lao động, chúng ta không có động thái gì quá mạnh để thay đổi cách đào tạo, trình độ kỹ năng, chất lượng lao động để đón làn sóng đầu tư mới từ bên ngoài. Tỷ lệ lao động có kỹ năng không thay đổi nhanh, không có gì đột biến.
“Đầu tư và lao động là 2 điểm nghẽn lớn. Chúng ta có đẩy mạnh cách mạng công nghiệp 4.0, công nghệ số nhưng những thể chế, chính sách cho các vấn đề mới này cũng chưa có sự rõ ràng”, ông Trần Toàn Thắng nói.
Dù quy mô của nền kinh tế có tăng, nhưng mức tăng là chưa đủ để đưa Việt Nam lên nấc thang mới. Trong báo cáo đánh giá kinh tế xã hội 5 năm 2016-2020, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng thừa nhận: Tăng trưởng kinh tế thấp hơn mục tiêu kế hoạch đề ra, chưa thu hẹp được khoảng cách và bắt kịp các nước trong khu vực... Nguy cơ mắc bẫy thu nhập trung bình và khả năng tụt hậu xa hơn về kinh tế vẫn là thách thức lớn.
Việt Nam lại đang bước vào chặng đường phấn đấu mới, với một đích đến đầy tham vọng là thành nước thu nhập cao vào năm 2045. Thực tế, Việt Nam trở thành nước thu nhập trung bình từ năm 2008, tính đến nay đã hơn 12 năm. Thời gian đang không chờ đợi Việt Nam. Những nền tảng để Việt Nam thành nước thu nhập cao vẫn còn thiếu trước hụt sau.
Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh trong bài phát biểu tại Lễ khởi công dự án Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia ngày 9/1 rằng: Chúng ta phải có các quyết sách đúng đắn và kịp thời, vì thời gian luôn là vàng và cũng là kẻ thù của chúng ta.
Nghiên cứu của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) năm 2017 cho thấy, thời gian trung bình để một quốc gia chuyển từ nước thu nhập trung bình thấp lên thu nhập cao khoảng 30-40 năm. Hết “thời gian vàng” này, thu nhập không tăng lên, quốc gia đó chính thức bị coi là đang mắc bẫy thu nhập trung bình.
Vậy nên, ông Dũng nhấn mạnh “không thể một lần nữa lại đứng ngoài hoặc đi sau, đi theo một cuộc chơi mới, sân chơi mới sắp diễn ra”. Cuộc chơi mới ấy theo người đứng đầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư, là cách mạng công nghiệp 4.0, là đổi mới sáng tạo, là chuyển đổi số.
Ông Đặng Đức Anh, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế xã hội quốc gia cho rằng: Đại dịch Covid-19 tác động tiêu cực tới tăng trưởng nhưng đây cũng là cơ hội lớn để nắm bắt được các cơ hội mới, đặc biệt các xu hướng kinh tế mới như thương mại điện tử, kinh tế số… Nếu chúng ta tận dụng được cơ hội này, có thể bắt kịp xu hướng này sẽ thúc đẩy chuyển đổi mô hình tăng trưởng sang giai đoạn mới. Đó là chuyển từ mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu.
“Đây là điều chúng ta mong muốn từ lâu nhưng động lực tăng trưởng dường như chưa đủ nên chưa làm được. Giờ đây, chúng ta có thể hy vọng rút ngắn được thời gian và công sức thực hiện mục tiêu này. Nếu thành công trong việc này, không những tốc độ tăng trưởng có thể đạt được mục tiêu đề ra trong giai đoạn 2021-2025 là 6,5%-7% mà tạo ra sự chuyển biến căn bản về cơ cấu tăng trưởng giai đoạn tới”, ông Đặng Đức Anh nói.
Đặt ra câu hỏi chính sách của Việt Nam phải làm gì trong giai đoạn tới, ông Nguyễn Minh Cường, chuyên gia Ngân hàng ADB cho rằng năm 2021 Việt Nam vẫn phải tiếp tục quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường bởi đây là quá trình Việt Nam vẫn “chưa hoàn tất” dù đã trải qua hơn 30 năm. Ngoài ra, phải tiếp tục thúc đẩy khu vực tư nhân phát triển bởi “chỉ khu vực tư nhân năng động mới giúp Việt Nam vượt qua được các khó khăn”.
“Để kinh tế tư nhân phát triển thì cần vai trò dẫn dắt của Nhà nước chứ không phải là quản lý”, chuyên gia ADB chia sẻ.
Ông Nhật nhấn mạnh: “Đất nước ta trong những năm qua, đặc biệt thời những năm gần đây đã chứng kiến sự trưởng thành vượt bậc của khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước. Nhiều tập đoàn của Việt Nam được quốc tế ghi nhận. Các doanh nghiệp trong nước đủ khả năng xây dựng những công trình đẳng cấp quốc tế. Nhiều chủ đầu tư đã trưởng thành và cạnh tranh ngang ngửa với các chủ đầu tư quốc tế”.
Nhưng, theo ông Nhật, sự thúc đẩy của Chính phủ sẽ không phải là dựa trên các “gói hỗ trợ” mà ở thể chế, khung pháp lý, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp. Cải cách thể chế giai đoạn vừa qua theo đánh giá của lãnh đạo doanh nghiệp này đã tốt hơn rất nhiều. Tuy nhiên quá trình hoạt động đầu tư kinh doanh, ông Nhật vẫn gặp nhiều câu chuyện liên quan đến “Nghị định đá nhau”, khiến việc thực thi của các sở ngành bị “tắc”, mất nhiều thời gian giải quyết.
Kinh tế chống chịu dẻo dai từ đại dịch Covid-19
Nền kinh tế Việt Nam đã chống chịu dẻo dai trong đại dịch nhờ sức chịu đựng của người dân và doanh nghiệp trên nền tảng vĩ mô khá chắc chắn tích tụ từ nhiều năm nay.
Lương Bằng
Thiết kế: Thu Hằng