Chính trị cao nhất chính là sự đề cao phẩm giá con người và vì cộng đồng thay vì một nhóm nhỏ cá nhân được hưởng lợi từ sự độc quyền thông qua một hệ thống tổ chức nhà nước khép kín và đơn nhất.

Năm mới, chắc ít ai muốn đọc, muốn nói, muốn nghĩ về chính trị. Những hôm nay, tôi muốn nói về chính trị với một ý nghĩa rất tích cực như vốn có của nó với hy vọng vào một đời sống chính trị ở nước ta ngày càng sôi động và hội nhập với thế giới hơn.

Từ "chính trị" theo nghĩa gốc của nó được hiểu là sự đấu tranh một cách hoà bình để tạo ra một cơ chế phân chia lợi ích công bằng nhất có thể giữa các bên liên quan. Chính trị có thể tồn tại ở nhiều cấp độ trong mối quan hệ giữa những cá nhân, giữa các nhóm, các tổ chức, và thậm chí là giữa các dân tộc hay quốc gia với nhau. Trong ngôn ngữ đương đại, có ba cấp độ chính trị được nghiên cứu và khái quát hoá: chính trị tổ chức, chính trị nhà nước và chính trị quốc tế.

Ở cấp độ quốc gia, chính trị là khái niệm và thực tiễn song hành với quá trình hình thành và phát triển của nhà nước dân chủ mà đã từng được phát triển cực thịnh vào thời kỳ Hy Lạp cổ đại. Cũng chính từ thời kỳ này, Triết gia vĩ đại Aristotle là người đầu tiên đưa ra khái niệm chính trị (tiếng Hy Lạp là Politika, tiếng Anh là Politics) một cách tổng quát và có ảnh hưởng lớn đến tận bây giờ. Theo đó, chính trị để chỉ một hình thái tổ chức cộng đồng cao cấp nhất của con người, trên cả gia đình và cộng đồng dân cư, đó là nhà nước thành bang (city-state) 1. Con người được Aristotle cho là một loài có thuộc tính "cộng đồng". Có nghĩa là con người có xu hướng liên kết lại với nhau để tạo dựng lên những nhà nước mà qua đó có thể đem lại cho các công dân của nó một đời sống tốt đẹp hơn thông qua hợp tác và đấu tranh dân chủ 2.

Như vậy bản thân khái niệm chính trị là một hình thức văn minh, cấp thiết và tích cực trong đời sống xã hội của con người vì nó giúp xây dựng và gìn giữ mối quan hệ tương tác tích cực giữa các cá nhân thông qua sự hình thành nhà nước và các thiết chế dân chủ (đa nguyên, nghị viện, hiến pháp, quốc tịch,...).

Tuy nhiên, càng về sau này từ chính trị lại được hiểu một cách tiêu cực là sự đấu đá quyền lực, tranh giành lợi ích giữa các phe phái trong xã hội. Mọi người dần né tránh dùng từ chính trị bởi nó làm liên tưởng đến những hành vi vụ lợi, tha hoá của một tầng lớp quan lại, chức sắc trong chính quyền. Một trong những khái niệm cũng chịu chung "số phận" với chính trị là "quyền lực".

Nếu hiểu theo nghĩa tích cực, quyền lực không hẳn như cách hiểu thông thường là sự áp đặt, hay tranh giành ảnh hưởng. Trái lại, quyền lực thể hiện mối quan hệ giữa các cá nhân, tổ chức hay kể cả quốc gia mà qua đó các bên dùng lợi thế của mình để dẫn dụ người khác làm những việc mà bản thân họ bình thường không muốn làm. Quyền lực có thể là quyền lực cứng (sức mạnh kinh tế, quân sự,...) và hay quyền lực mềm (giá trị văn hoá, đạo đức, sự thuyết phục,..).

Quay trở lại khái niệm chính trị, nó cần được hiểu theo đúng ý nghĩa nguyên bản, tức là một môi trường xã hội mà ở đó các cá nhân, nhóm người có quyền nói tiếng nói của chính mình và vận động đấu tranh để xây dựng lên những thiết chế nhà nước có lợi cho mình mà không dẫn đến bạo lực. Chính trị là môi trường nhất thiết phải có cho sự sinh sôi, nảy nở của dân chủ. Bernard Crick trong cuốn sách "Bảo vệ chính trị - In Defence of Politics" đã so sánh giữa chính trị và ý thức hệ (ideology). Theo đó, ông phê phán ý thức hệ chính là kẻ thù của chính trị3.

Dân chủ hoá đời sống chính trị chính là thể chế hoá mối quan hệ chính trị giữa các cá nhân, tổ chức và đảng phái, sao cho họ có thể đấu tranh công khai, hoà bình và có tổ chức để đạt được một sự nhân nhượng nhất định có lợi chung cho tất cả các bên và từng bên riêng biệt. Dân chủ hoá thực chất là tạo điều kiện cho quá trình sinh hoạt chính trị mà trong đó có nhiều tiếng nói khác biệt, lợi ích khác biệt và quan điểm khác biệt được đưa ra và chấp nhận.

Cũng giống như chính trị, bản thân những khái niệm như nhóm lợi ích (interest group) hay đa nguyên (pluralism) thực chất thể hiện thực tế đấu tranh không ngừng vốn có của con người để vươn tới một thế giới tốt hơn cho mỗi cá nhân hay cộng đồng.

Tóm lại, chúng ta cần hiểu khái niệm chính trị theo đúng ý nghĩa tích cực và thiết yếu của nó trong đời sống văn minh của con người. Ở thời kỳ phong kiến hay các chế độ độc tài, chính trị đã không còn tồn tại vì trong đó không tồn tại những tiếng nói khác biệt, những nhóm lợi ích khác nhau, những lực lượng chính trị khác nhau. Thay vào đó là một sự "thống nhất", đơn điệu trong sinh hoạt chính trị. Các ông vua - thiên tử áp đạt ý nguyện, lợi ích và giá trị của mình lên mọi tầng lớp xã hội, và có thể là cả đàn áp, ép bức tiếng nói và lợi ích của các cá nhân và cộng đồng dân cư.

Loài người tiến bộ sau khoảng 2000 năm từ thời Hy Lạp cổ đại đã lại quay lại với những giá trị phổ quát trong tổ chức nhà nước, mà theo đó vai trò của sinh hoạt chính trị dân chủ được đề cao. Mục đích tối cao của chính trị là nhằm hướng tới giá trị phổ quát của loài người và hành tinh của chúng ta: sự đa dạng. Trong tự nhiện, sự đa dạng (biến dị) (theo học thuyết Darwin) giúp cho mọi loài có thể thích nghi với môi trường tự nhiên luôn thay đổi để tồn tại và phát triển.

Trong xã hội cũng vậy, thông qua chính trị, sự đa dạng giúp tăng cường tính phản biện xã hội để tìm đến các giải pháp tối ưu trong việc xây dựng các thiết chế nhà nước phù hợp nhất cho ổn định và phát triển xã hội. Chính trị cũng giúp thúc đẩy sự sáng tạo khi nó giúp xoá bỏ những gì cũ kỹ không còn hợp thời và đưa đến những mô hình tổ chức nhà nước mới mẽ hơn, hiệu quả hơn. Chính trị cao nhất chính là sự đề cao phẩm giá con người và vì cộng đồng thay vì một nhóm nhỏ cá nhân được hưởng lợi từ sự độc quyền thông qua một hệ thống tổ chức nhà nước khép kín và đơn nhất.

Liên hệ chuyện sửa Hiến pháp

Từ nhu cầu bức thiết của chính trị hay môi trường chính trị dân chủ phân tích ở trên, chúng ta có thể liên hệ đến việc sửa đổi hiến pháp của nước ta hiện nay.

Liên hệ thứ nhất là làm sao để bản hiến pháp mới có thể tạo điều kiện cho việc xây dựng các thiết chế chính trị mà qua đó các cá nhân, tổ chức, cộng đồng, dân tộc có thể phát huy tiếng nói của mình, cùng đấu tranh một cách xây dựng để tìm ra các giải pháp tốt nhất phát triển và bảo vệ đất nước. Hiến pháp phải xây dựng được mô hình sinh hoạt dân chủ, hạn chế tập trung quyền lực và lạm dụng quyền lực. Cụ thể là phải bảo vệ các quyền công dân được phản biện, tập hợp và giám sát nhà nước, đúng với tinh thần khẩu hiệu "dân bàn, dân làm, dân kiểm tra".

Đồng thời, hệ thống chính trị phải tạo ra các kênh thu thập và chuyển tải nhiều tiếng nói, lợi ích và thiên hướng chính trị đa dạng trong nhân dân vào quá trình xây dựng và tổ chức nhà nước.

Liên hệ thứ hai nằm ở chính việc lấy ý kiến góp ý cho dự thảo hiến pháp. Phải coi đây là một hình thức sinh hoạt chính trị dân chủ thực sự nhằm phát huy tiếng nói, nguyện vọng, lợi ích chính trị của người dân, và các lực lượng xã hội. Đây chính là một cơ hội lớn của Đảng và Nhà nước nhằm thu thập những tinh hoa trí tuệ trong nhân dân, để dám thay đổi những gì đã cũ kỹ, lạc hậu từ đó hội nhập với thế giới.

Việc lấy ý kiến phải được thực hiện với tinh thần cầu thị, cởi mở để tích hợp nhiều ý kiến phản biện và lợi ích xã hội trong quá trình sửa đổi hiến pháp. Mục đính tối cao là xây dựng được một nhà nước, xã hội dựa trên nền tảng sức mạnh dân tộc vì mục tiêu ấm no, hạnh phúc của mỗi người dân.

NCS Đặng Văn Huấn (Portland, 2/2013)

----

Tham khảo:

1.        Aristotle. Politics of Aristotle edited and translated by Ernest Barker. NY: Oxford University Press.

2.        Mulgan, R. (1977). Aristotle's political theory: An introduction for students of political theory. Clarendon Press: Oxford

3.        Crick, B. (1993). In defence of politics. Chicago: University of Chicago Press.