Ngay sau khi ông Trần Bá Dương, chủ tịch Tập đoàn Thaco, làm một thương vụ để đời và giàu ngang cơ tỷ phú Phạm Nhật Vượng, nhóm bộ 3 cổ phiếu Vingroup (VIC), Vinhomes (VHM) và Vincom Retail (VRE) của tỷ phú số 1 Việt Nam đã bứt phá dữ dội, giúp ông trùm bất động sản và dịch vụ xác lập khá vững chắc ngôi vị của mình.

Trong phiên giao dịch 21/2, cổ phiếu Vingroup (VIC) của ông Phạm Nhật Vượng tăng mạnh thêm 1.900 đồng/cp lên mức giá cao kỷ lục mọi thời đại 118.400 đồng/cp. Đây là phiên tăng thứ 7 trong tổng 9 phiên giao dịch sau Tết Nguyên đán.

Cú bứt phá ở đỉnh cao chưa từng có giúp giá trị vốn hóa của Tập đoàn Vingroup lên mức cao kỷ lục: gần 380 ngàn tỷ đồng (khoảng 16,3 tỷ USD). Tính từ đầu tháng 2/2019 tới nay, cổ phiếu này đã tăng gần 20 ngàn đồng mỗi cổ phiếu (tăng 20%), tương đương với vốn hóa tăng thêm 3,3 tỷ USD.

Cổ phiếu Vinhomes (VHM) - doanh nghiệp quản lý mảng bất động sản của ông Phạm Nhật Vượng - trong phiên 21/2 ghi nhận cú tăng kịch trần ngoạn mục thêm 6.300 đồng lên 96.700 đồng/cp. Cú tăng giá này cũng giúp vốn hóa của doanh nghiệp bất động sản có lợi nhuận lớn nhất trên sàn chứng khoán vượt ngưỡng 300 ngàn tỷ đồng lên 323 ngàn tỷ đồng (14 tỷ USD).

Vincom Retail (VRE) - doanh nghiệp chuyên quản lý mảng hạ tầng trung tâm thương mại của Vingroup - tăng 5,9% lên 34.000 đồng/cp. Vốn hóa đạt gần 79,2 ngàn tỷ đồng (3,4 tỷ USD). Vincom Retail cũng có phiên tăng thứ 7 trong 9 phiên gần đây. 

{keywords}
Ông Phạm Nhật Vượng có 7,7 tỷ USD, xếp 195 trên thế giới.

Bộ 3 cổ phiếu Vingroup (VIC), Vinhomes (VHM) và Vincom Retail (VRE) của ông Phạm Nhật Vượng đã có khởi đầu năm mới như mơ và là động lực chính kéo thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam tăng điểm liên tục trong những ngày đầu năm Kỷ Hợi, giúp chỉ số VN-Index tăng vọt lên sát ngưỡng 1.000 điểm, bất chấp phần lớn các cổ phiếu khác vẫn chịu áp lực giảm và thị trường có hiện tượng xanh vỏ đỏ lòng.

Tính đến nay, bộ 3 cổ phiếu của ông Vượng có quy mô khoảng 33,7 tỷ USD, tương đương khoảng 24,6% tổng quy mô sàn chứng khoán TP.HCM (khoảng 380 mã cổ phiếu).

Tất nhiên, ông Phạm Nhật Vượng chứng kiến khối tài sản tăng lên chóng mặt theo cú bứt phá của bộ 3 cổ phiếu VIC, VHM và VRE.

Với gần 1,9 tỷ cổ phiếu VIC, ông Phạm Nhật Vượng đang sở hữu khối tiền lên tới gần 225 ngàn tỷ đồng (tương đương 9,7 tỷ USD), gấp gần 10 lần người giàu thứ 2 trên TTCK là ông Hồ Hùng Anh (23 ngàn tỷ).

Với khối tài sản này, ông Phạm Nhật Vượng chỉ còn cần thêm vài tỷ USD là lọt top 100 người giàu nhất thế giới.

Tuy nhiên, theo tính toán của Forbes, khối tài sản của ông Vượng là 7,7 tỷ USD, xếp thứ 195 trong số những người giàu nhất hành tinh. Tỷ phú USD Phạm Nhật Vượng đã vượt qua rất nhiều tên tuổi lững lẫy trên thế giới như tổng thống Mỹ-tỷ phú Donald Trump (người đang có 3,1 tỷ USD), ông chủ Hyundai Chung Mong-koo (4,3 tỷ USD); Thái tử Samsung Jay Y.Lee (7,1 tỷ USD), tỷ phú Thái chủ câu lạc bộ Leicester City Vichai Srivaddhanaprabha, ông chủ câu lạc bộ bóng đá Tottenham Lewis hay nhà sáng lập Uber Travis Kalanick,...

Sở dĩ các cổ phiếu của ông Phạm Nhật Vượng tăng mạnh là do cả 3 doanh nghiệp Vingroup, Vinhomes và Vincom Retail đều ghi nhận lợi nhuận ngàn tỷ và có triển vọng khá sáng sủa với các chính sách mở rộng mang tính đột phá của ông Vượng.

Vinhomes (Vingroup nắm 70%) là doanh nghiệp có lợi nhuận cao nhất trên toàn 3 sàn chứng khoán Việt Nam trong năm 2018. Doanh nghiệp này ghi nhận lợi nhuận trước thuế gần 19,6 ngàn tỷ đồng.

{keywords}
Ông Phạm Nhật Vượng.

Ông Phạm Nhật Vượng gần như thống trị ngôi vị số 1 giàu nhất Việt Nam kể từ 2010 tới nay. Năm 2010 ông Vượng có 15,8 ngàn tỷ đồng, tới nay con số đã là 220 ngàn tỷ đồng.

Gần đây, hồi giữa tháng 2, ông chủ tập đoàn Thaco Trần Bá Dương làm công bố thương vụ lịch sử, đánh dấu 1 bước ngoặt có thể giúp đại gia Thaco vượt tỷ phú Phạm Nhật Vượng. Thaco xin ý kiến bán hơn 30 triệu cổ phiếu cho JC&) của Singapore với giá 128.500 đồng/cổ phiế, cao hơn khoảng 2 lần so với giá cổ phiếu Thaco trên thị trường OTC. Với giá trên, Thaco trị giá khoảng 218 ngàn tỷ đồng (tương đương khoảng 9,4 tỷ USD). Ông Trần Bá Dương cùng với vợ từng trực tiếp và gián tiếp nắm giữ khoảng 65% doanh nghiệp này và có khối tài sản khoảng 6,1 tỷ USD.

Trên thị trường chứng khoán (TTCK), việc phần lớn các cổ phiếu trụ cột tăng giá đã giúp VN-Index lên sát mốc 1.000 điểm. Đây là phiên tăng thứ 8 trong 9 phiên qua. Ở chiều ngược lại, đa số các cổ phiếu vừa và nhỏ giảm.

Các cổ phiếu trụ cột tăng điểm ở thời điểm sát ngày chốt hợp đồng phái sinh. Các mã tăng chủ yếu gốm: Vinhomes, Vingroup, Vincom Retail, Masan, Vinamilk, Sabeco…

Một số công ty chứng khoán (CTCK) có những cái nhìn thận trọng hơn trong các dự báo.

Theo CTCK Bảo Việt, thị trường đối mặt với rủi ro điều chỉnh giảm mạnh sau khi các cổ phiếu bluechips có dấu hiệu được đẩy giá quá đà trong phiên ATC hôm qua nhiều khả năng sẽ chịu áp lực kéo giảm trở lại.

Còn theo MBS, chỉ còn hơn 12 điểm nữa là thị trường vượt mốc tâm lý 1.000 điểm, tuy nhiên giữa chỉ số thị trường và mặt bằng cổ phiếu đang có sự phân kỳ rõ rệt, nếu nhìn vào mức tăng của chỉ số thì nhà đầu tư rất dễ bị ảo giác.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 21/2, VN-Index tăng 16,99 điểm lên 987,57 điểm; HNX-Index giảm 0,19 điểm xuống 106,11 điểm. Upcom-Index tăng 0,07 điểm lên 55,54 điểm. Thanh khoản toàn thị trường đạt 215 triệu đơn vị, trị giá 5,1 ngàn tỷ đồng.

H. Tú