Một năm Tân Sửu nhiều khó khăn, biến động đã chính thức khép lại. Năm qua, có người khấm khá hơn, có người lụi bại; có người may mắn còn mạnh khỏe, có người đau ốm hay bị virus SARS-CoV-2 tấn công.
Năm hết Tết đến, ai cũng mong có thể bỏ lại những muộn phiền, điều không vui lại với năm cũ, chào đón một cột mốc mới, kỳ vọng mới.
Bước sang năm Nhâm Dần, 4 bạn trẻ làm việc trong các ngành bị ảnh hưởng nhiều do dịch Covid-19 chia sẻ với Zing về cuộc sống, công việc trong năm qua và những kế hoạch ấp ủ trong tương lai.
Trương Vĩnh Long (vũ công)
Đối với tôi, một năm qua chỉ có thể diễn tả bằng một từ “tệ”. Cũng như mọi người, tôi gặp khó khăn với nhiều thứ, từ công việc, gia đình đến các mối quan hệ xã hội.
Đặc biệt, giữa tháng 8/2021, ba tôi mất vì Covid-19, bản thân và em trai cũng nhiễm virus. Khi đó, tôi không tránh khỏi cảm giác buồn bã, tiêu cực. Nhưng dần dần, tôi biết bản thân phải tập chấp nhận và đương đầu với những khó khăn đó.
Khi đang điều trị Covid-19, tôi cố gắng giữ tinh thần lạc quan, thường xuyên nhảy breakdance bên giường bệnh, mượn đam mê để duy trì thể lực và giữ tinh thần lạc quan đặng còn làm chỗ dựa cho mẹ và em.
Vĩnh Long có một năm nhiều khó khăn, mất mát vì Covid-19. |
Có thời điểm, một số clip tôi nhảy trong bộ đồ bệnh nhân được chia sẻ trên mạng. Thấy mọi người khen, động viên, tôi vui lắm và như được tiếp thêm năng lượng. Cuối cùng, hai anh em đều lần lượt khỏi bệnh.
Khi chưa có dịch, tôi thường đi diễn ở các sự kiện lớn nhỏ, tham gia các giải đấu nhưng cả năm qua, tôi chỉ tham dự được 4 giải, bao nhiêu sự kiện bị hủy hết.
Điều duy nhất giúp tôi vượt qua năm 2021 đầy sóng gió là tinh thần lạc quan. Bên cạnh đó, yêu thương bạn bè, gia đình, mọi người xung quanh hơn, trân quý những gì đang có là bài học tôi rút ra được cho mình, mang theo sang năm 2022 bởi chẳng bao giờ biết được khi nào là lần cuối còn được ở bên họ.
Trong năm mới, tôi mong hai chữ “bình an” đến với mọi người. Với bản thân, tôi đặt mục tiêu tham gia các cuộc thi tầm cỡ châu Á, hy vọng có thể cùng đồng nghiệp gặt hái được nhiều thành công.
Lương Quang Trường Giang (photographer)
2021 đúng là một năm khó khăn đối với tôi và mọi người, dịch bệnh diễn biến phức tạp, mọi thứ bị giới hạn rất nhiều. Không ít kế hoạch của tôi phải lùi lại hoặc không thực hiện được, nhiều ý tưởng chụp ảnh ấp ủ cũng đành dở dang.
Trường Giang dành thời gian trau dồi kiến thức trong đại dịch. |
Đối với tôi, điều may mắn nhất trong năm qua có lẽ là bản thân và gia đình đều khỏe mạnh.
Năm vừa rồi, tôi chủ yếu tự trau dồi thêm kiến thức về nhiếp ảnh, tranh thủ ở bên gia đình trong thời gian giãn cách xã hội.
Nhờ đó, tôi thấy được rằng khi sống chậm lại, mình cảm nhận được nhiều hơn mọi thứ xung quanh và trân trọng cuộc sống hơn.
Trong năm mới, tôi chỉ mong tình hình dịch bệnh sẽ trở nên khả quan hơn, mọi người có thể trở lại cuộc sống bình thường, bản thân sẽ hoàn thành những kế hoạch còn dang dở và tìm kiếm những cơ hội mới.
Lê Sỹ Thụy (DJ)
Bar, club, karaoke và ngành dịch vụ giải trí nói chung có lẽ là một trong những ngành lao đao nhất trong năm vừa rồi, thậm chí có thể nói là “khủng hoảng”.
Liên tiếp các đợt giãn cách xã hội, đóng băng hoạt động thời gian dài, tôi và nhiều đồng nghiệp phải tạm chuyển sang công việc khác để trang trải. Với tôi, đó là về quê, hái dâu, chăn tằm thuê cho một cơ sở của người mẹ nuôi và cậu. Khoảng thời gian này nhờ được họ giúp đỡ, động viên, tôi cũng vững vàng hơn nhiều.
Sỹ Thụy phải tạm thời chuyển sang công việc khác để trang trải. |
Trong thời gian dịch diễn biến phức tạp, tôi may mắn khi vẫn còn duy trì được sức khỏe ổn định. Ngoài thực hiện 5K, tôi cố gắng tập luyện thể dục, ăn uống lành mạnh để có thể sẵn sàng quay lại làm việc bất cứ lúc nào.
Qua một năm giông bão, tôi cũng hiểu được sự quý giá của những điều vốn nhỏ bé thường ngày. Đó là những phút giây được thoải mái dạo chơi trên đường phố, những buổi tụ tập với bạn bè hay đơn giản là hít thở bầu không khí một cách tự do.
Bước sang năm Nhâm Dần, tôi hy vọng có thật nhiều sức khỏe, năng lượng để nâng cấp, hoàn thiện bản thân, để thực hiện những điều còn dang dở trong năm cũ.
Lưu Hải Phong (MC)
Vốn là đứa hoạt ngôn, thích nói chuyện, tiếp xúc với mọi người nên trong khoảng thời gian đại dịch bùng phát, TP.HCM thực hiện giãn cách xã hội, tôi thực sự chật vật. Xung quanh, sự lo lắng, sợ hãi bao trùm lên mọi người trước đại dịch chưa từng có.
Cũng trong thời gian đó, tất nhiên ngoài việc học bị ảnh hưởng, công việc MC của tôi cũng chững lại, nhiều sự kiện, chương trình đều thông báo hoãn hoặc hủy bỏ.
Sau khoảng thời gian quanh quẩn trong nhà với 4 bức tường, tôi đăng ký tham gia làm tình nguyện viên hỗ trợ đội ngũ y tế tuyến đầu. Không kinh nghiệm, không kiến thức, những gì tôi và nhiều bạn trẻ có khi đó chỉ là sức trẻ và sự hăng hái.
Hải Phong (góc trái) tự hào khi có thể góp sức chống dịch. |
Những tháng ngày khoác lên mình bộ đồ bảo hộ, làm việc dưới cái nắng mùa hè thực sự ý nghĩa đối với tôi. Nhiều lúc, sau khi chính tay mình giúp đỡ được người dân, đem lại sự an tâm cho họ, trong tôi cũng tràn ngập cảm xúc tự hào, hạnh phúc.
Cũng nhờ khoảng thời gian này, tôi quen được nhiều người bạn mới và vẫn duy trì liên lạc tới bây giờ.
Thật sự hy vọng 2022 sẽ là một năm may mắn, bình an với toàn thể mọi người. Bản thân tôi đặt mục tiêu bước ra khỏi vùng an toàn, va chạm xã hội nhiều hơn để có thêm kiến thức, kỹ năng, chinh phục ước mơ trở thành người dẫn chương trình chuyên nghiệp, thành công.
Theo Zing
Vợ Cường ‘béo’: Tết nhà tôi đạm bạc, dành tiền lo cho người nghèo hơn
Trưa 30 Tết, cả nhà anh Cường “béo” ngồi lại ăn chung với nhau bữa cơm cuối năm. Sau đó, cả nhà lại tỏa ra đường, mái ấm, trại tâm thần, bệnh viện… để lo cho người khó khăn hơn có bữa cơm ngày Tết.