Khoa Khám chữa bệnh theo yêu cầu, Bệnh viện Tai mũi họng Trung ương vừa tiếp nhận trường hợp nam bệnh nhân T.V.A. (30 tuổi, trú tại Tây Hồ, Hà Nội) tới khám trong tình trạng có cảm giác tai nặng, đầy tức và nghe kém.

A. chia sẻ, ban đầu, anh thấy ngứa trong ống tai. Cảm giác ngứa tăng dần khiến bệnh nhân phải ngoáy tai liên tục, càng ngoáy càng ngứa. Sau 1 - 2 ngày, anh bắt đầu thấy đau tai, cơn đau tăng khi nhai hoặc ngáp.

Tới khi thấy thính lực kém đi rất nhiều, A. mới tới bệnh viện. Thăm khám kỹ lưỡng, các bác sĩ kết luận bệnh nhân bị nấm ống tai.

Theo đó, trong ống tai ngoài và vành tai bệnh nhân có nhiều vảy, mảnh vụn hình thành. Ống tai ngoài bị lấp đầy bởi những mảng màu xám, đen hoặc trắng.

Quan sát ở mặt trên những mảng này, bác sĩ phát hiện các sợi bào tử nấm mọc trông như đám mạ. Những mảng này có mùi hôi rất khó chịu.

Qua khai thác bệnh sử, nam bệnh nhân cho biết cuối tuần thường ra quán cắt tóc nhờ lấy ráy tai vì thấy rất dễ chịu. A. giữ thói quen này nhiều năm nay mà không hề hay biết có thể khiến anh mang bệnh.

{keywords}
Thói quen tự lấy ráy tai có thể gây bệnh nấm ống tai - Hình minh họa

Được biết, ngay khi chẩn đoán bệnh, bác sĩ đã bóc lấy một phần của mảng bám trong tai bệnh nhân, đem đi soi tươi và nuôi cấy để xác định loại nấm gây bệnh, từ đó đưa ra phác đồ điều trị phù hợp. Sau khi làm sạch tai, người bệnh được cho sử dụng kháng sinh chống nấm.

Thời gian gần đây, các bác sĩ Bệnh viện Tai mũi họng Trung ương tiếp nhận nhiều trường hợp tương tự bệnh nhân A.

Có những ca khi vào khám, ráy tai đã đóng đầy ống tai. Lý do là khi ráy tai ướt, bệnh nhân lấy bông tăm ngoáy, vô tình đẩy sâu ráy tai vào phía trong ống tai, gây bít tắc.

Thậm chí một số trường hợp, bác sĩ phải xử lý mấy ngày, dùng dụng cụ chuyên biệt lấy ra từng chút một mới có thể lấy hết được ráy tai bít tắc lâu ngày.

Các bác sĩ khuyến cáo, ráy tai là lớp bảo vệ thính lực, tránh việc vi khuẩn xâm nhập vào trong. Lớp màng ráy này bình thường không cần phải lấy ra, mà theo cơ chế của ống tai có thể tự rơi ra ngoài.

Người dân tuyệt đối không tự ý lấy ráy tai (dù ráy ướt hay ráy khô) bởi dễ gây ra những hệ lụy nguy hiểm cho thính lực. Nếu có nhu cầu, nên tới bệnh viện thăm khám và nhờ sự hỗ trợ của bác sĩ chuyên khoa.

Nguyễn Liên

Tai mưng mủ, phù nề nặng sau khi xỏ khuyên

Tai mưng mủ, phù nề nặng sau khi xỏ khuyên

Bác sĩ cho biết, bệnh nhân bị biến chứng viêm sụn do bấm lỗ tai. Đây là biến chứng nguy hiểm, có thể khiến vành tai biến dạng, gây nhiễm trùng toàn thân, thậm chí tử vong nếu không được điều trị kịp thời.