Không ít người hiện tại có xu hướng gửi tiền cho bạn bè và gia đình thông qua một ứng dụng thanh toán trên điện thoại bởi đa số các ứng dụng này thuận tiện, dễ sử dụng. Và đối với một số người thì giao dịch không tiếp xúc có thể an toàn hơn trong đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, một vấn đề lớn mà nhiều người thường gặp phải khi sử dụng các ứng dụng thanh toán là gian lận.

5 mẹo để tránh bị lừa khi sử dụng ứng dụng thanh toán - 1

Tỷ lệ gian lận trong các ứng dụng thanh toán di động cao gấp 3-4 lần so với các phương thức thanh toán truyền thống (Ảnh: Getty).

Kia McCallister-Young, Giám đốc của America Saves thuộc Liên đoàn Người tiêu dùng Mỹ (CFA) cho biết: "Khiếu nại của người tiêu dùng đang tăng mạnh trong ngành thanh toán ứng dụng di động".

Theo CFA, tỷ lệ gian lận trong các ứng dụng thanh toán di động cao gấp 3-4 lần so với các phương thức thanh toán truyền thống và đang bị những kẻ lừa đảo lợi dụng.

Kia McCallister-Young cho biết thêm: "Những người da màu và những người có thu nhập thấp là mục tiêu của những kẻ lừa đảo với tỷ lệ cao hơn so với những người tiêu dùng khác". CFA phát hiện ra rằng, cứ 5 người tiêu dùng da đen và người Mỹ gốc Phi thì có 2 người là mục tiêu của một vụ lừa đảo và 1/5 bị mất tiền do lừa đảo.

Theo các chuyên gia, các ứng dụng thanh toán trên thiết bị di động hấp dẫn những kẻ lừa đảo vì chúng không có sự bảo vệ chống gian lận như đối với thẻ ghi nợ và thẻ tín dụng. Những kẻ lừa đảo có thể liên kết thẻ tín dụng bị đánh cắp với một ứng dụng thanh toán để mua hàng, thiết lập giao dịch và hủy chúng trước khi bạn nhận được email thông báo rằng bạn đã trả quá nhiều tiền cho một món hàng và cần hoàn lại số tiền. Và việc chuyển tiền qua ứng dụng diễn ra nhanh chóng đến mức bạn khó có thể phát hiện các khoản thanh toán gian lận.

Ted Rossman, nhà phân tích ngành cấp cao tại Bankrate.com, cho biết: "Điều hấp dẫn của các ứng dụng thanh toán di động là nó có thể thực hiện nhanh chóng. Tuy nhiên vấn đề là rất khó lấy lại tiền. Do đó, bạn cần chắc chắn rằng bạn đang chuyển tiền cho đúng người".

Loại hệ thống thanh toán trực tuyến bạn sử dụng cũng có thể ảnh hưởng đến việc bạn có nhiều khả năng bị mất tiền nếu bị lừa đảo hay không.

Theo một báo cáo năm 2021 từ Better Business Bureau, khoản lỗ trung bình do lừa đảo mua hàng trực tuyến là 90 USD đối với ứng dụng thanh toán PayPal, thấp hơn nhiều so với khoản lỗ trung bình được báo cáo đối với các ứng dụng khác như Zelle, Venmo, Apple Pay, Google Pay và Cash App. PayPal có thể được liên kết với tài khoản ngân hàng hoặc thẻ tín dụng, trong khi Zelle cho phép chuyển khoản từ ngân hàng sang ngân hàng, nhưng không cho phép liên kết với thẻ tín dụng. Sự khác biệt trong cách chuyển tiền có thể dẫn đến các biện pháp bảo vệ thanh toán khác nhau. 

Bất kể bạn chọn ứng dụng thanh toán di động nào, các chuyên gia khuyến nghị 5 mẹo sau để tránh bị lừa đảo:

1. Chỉ chuyển tiền cho những người bạn biết và đảm bảo rằng bạn có số điện thoại hoặc email chính xác của người đó khi thực hiện chuyển khoản.

2. Bật các tính năng bảo mật như xác thực đa yếu tố trên ứng dụng và điện thoại thông minh của bạn có thể yêu cầu mã PIN, vân tay hoặc nhận dạng khuôn mặt.

3. Giữ an toàn cho điện thoại thông minh của bạn bằng mật khẩu mạnh, tính năng sinh trắc học hoặc xác thực hai yếu tố.

4. Liên kết ứng dụng thanh toán di động của bạn với thẻ tín dụng thay vì tài khoản ngân hàng hoặc thẻ ghi nợ.

5. Cuối cùng, luôn kiểm tra xem việc chuyển tiền đã được hoàn tất hay chưa.

(Theo Dân trí) 

Mất tiền triệu sau một cuộc gọi

Mất tiền triệu sau một cuộc gọi

Các ví điện tử Momo, ViettelPay, SmartPay liên kết với các tổ chức tín dụng cung cấp dịch vụ ví trả sau, tức người dùng có thể ứng tiền trước để thanh toán hóa đơn, mua hàng rồi trả lại sau với hạn mức 1-5 triệu đồng, lãi suất 0%.