Báo VietNamNet tổ chức cuộc thi "Chuyện của những dòng sông để quý độc giả có thể chia sẻ những câu chuyện đẹp, những ký ức về sông, phản ánh những vấn đề về phát triển kinh tế, văn hóa bên những dòng sông và thể hiện những mong muốn, dự định, ý tưởng thúc đẩy sự phát triển bền vững trên các dòng sông và cho cộng đồng.

Cuộc thi diễn ra từ ngày 5/3 đến 30/6/2024 trên mục Du lịch.

Xin trân trọng giới thiệu bài viết Năm dòng sông chảy qua làng tôi của tác giả Đỗ Hữu Diên.

http://www.tothethao.com/bong-da_du-lich.jpg
Bản đồ Làng Keo 

Địa hình của làng tôi cũng giống như địa hình của tỉnh Thái Bình ba mặt nam, bắc, tây là sông bao bọc và phía đông của tỉnh là biển Đông. Điều đặc biệt, khi gọi tên làng thì phải kèm theo tên tỉnh: làng Keo Thái Bình hay phải kèm tên thôn là Keo Hành Nghĩa, bởi vì bên kia sông Hồng, tỉnh Nam Định cũng có làng Keo - Keo Hành Thiện. Nghe các cụ kể lại, từ xa xưa bà con ở Nam Định sang Thái Bình lập ấp nên nửa làng phía Bắc đặt tên là thôn Hành Nghĩa, nửa làng phía Nam đặt tên thôn Dũng Nghĩa. Vì vậy trong văn tự từ thời kháng chiến chống Pháp, làng có tên là Hành Dũng Nghĩa thuộc xã Duy Nhất huyện Vũ Tiên, sau này hai huyện Vũ Tiên và Thư Trì sáp nhập đổi tên là huyện Vũ Thư!

dadba164ee0ea5d90a4b8aed5ca39e181 450.jpg
Chùa Keo. Ảnh: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thái bình

Làng tôi có ngôi chùa Keo nổi tiếng, tọa lạc phía bắc làng, nằm trong đê Tả Ngạn sông Hồng (xưa gọi đê cái quan), cửa chùa nhìn ra hướng Nam, đứng trên gác chuông chùa nhìn bao quát làng từ đê cái quan ra đến sông Hồng và các con sông ngăn cách địa giới của làng tựa như lá cờ, mỗi cạnh khoảng hơn 1km. Mùa mưa lũ, nước sông màu son nhạt dâng lên bao bọc quanh làng, như bồng bềnh trên nước. 

Phía Bắc làng là con sông trước cửa chùa, con sông này tiêu nước của vùng Văn Lâm, Văn Lang đổ ra cống Bồng Tiên và ra sông Hồng. Phía Tây của làng là sông Vồng Tây, phía Đông của làng là con sông Vồng Đông, phía Nam của làng là sông Hồng, đối diện với làng tôi bên hữu ngạn sông là làng Hành Thiện, ngược về thượng lưu khoảng 4km là chùa Cổ Lễ. Con sông thứ 5 bắt đầu từ giữa phía Tây làng đổ ra sông Hồng qua cống ở góc đông nam nên nó gần như chia đôi làng.

den chua.jpg
Gác Chuông chùa Keo. Ảnh: Trần Việt Đức

Trung tuần tháng 9 Âm lịch hàng năm, ngày 12 tháng 9 khai hội chùa Keo Hành Thiện, ngày 13 tháng 9 khai hội chùa Chùa Keo làng tôi và ngày 14 tháng 9 khai hội chùa Cổ Lễ. Tôi nay hơn 80 tuổi, nhưng không bao giờ quên hội chùa làng vào năm 1946, bởi vì sau hội chùa lần ấy quê tôi bước vào cuộc kháng chiến 9 năm chống Pháp. 

Tôi được các anh các chị dẫn đi xem hội, nhưng thích nhất là xem thi bơi trải, đây là cuộc thi người xem đông nhất hội. Đoàn người lũ lượt theo 8 thuyền của 8 giáp chuyển từ chùa và hạ xuống sông cửa chùa. Đoàn thuyền xuôi dòng về phía đông, rẽ ra sông Vồng Đông để ra sông Hồng, dưới sông thuyền đi đến đâu thì trên đê đoàn người đi theo đến đó. 

Ra sông Hồng, 8 thuyền xếp hàng ngang sông chờ lệnh của cụ Trưởng Giáp rồi chèo ngược sông Hồng về phía chùa Cổ Lễ, vòng qua phao đích, thuyền quay về và rẽ vào sông Vồng Tây để về chùa nhận giải trong tiếng hò reo của đoàn người trẩy hội!

Hai con sông Vồng Đông và Vồng Tây không chỉ là nơi diễn ra hội hè mà còn bảo vệ làng không bị sông Hồng làm xói lở mỗi khi mùa lũ về. Bởi khi mùa mưa lũ, nước trong hai con sông này đổ ra sông Hồng đã tạo nên một dòng chảy và làm giảm tốc độ dòng nước ở ven bờ!

Trong 9 năm chống Pháp. Làng Bồng Tiên nằm phía Bắc và phía Đông làng tôi, tỉnh Nam Định ở phía Nam, giặc Pháp và quân ngụy chiếm đóng thì làng tôi và vùng Quang Thẩm vẫn là vùng tự do và làm căn cứ đi về của cán bộ Liên khu 3. Vì chúng không thể vượt qua các con sông và chiến lũy quanh làng. Du kích trong chiến lũy đã tiêu diệt nhiều tên giặc khi chúng đến bao vây làng. Chúng chỉ có thể dùng moóc-chê ở tàu chiến bắn vào làng, gác chuông chùa đã bị đạn bắn hỏng một góc của tầng ba!

Nhưng rất tiếc! Những năm 70, một chủ trương của địa phương cho đào đê lấp sông Vồng Tây và sông Vồng Đông để lấy đất trồng trọt! Tuy làng thêm diện tích lấp sông khoảng hơn 4 ha, nhưng những năm sau đó lũ sông Hồng đã làm sạt lở một phần ba làng. Đất đã chật, nay càng chật. Dẫu kinh tế khó khăn nhưng Ngân sách Nhà nước đã phải đầu tư một khoản tiền không nhỏ cho việc đắp chỉnh đê sông Hồng, kè chỉnh trị chống sạt lở và một phần ba số dân của làng đã phải di cư đi khắp nơi để sinh sống!

Từ ngày sông Vồng Đông và sông Vồng Tây bị lấp, hội làng không còn thi bơi thuyền nữa, các thuyền đã hư hỏng hết, hai dãy nhà hơn bốn chục gian trong chùa trước đây để thuyền nay trống không. Trong một lần vào vãn cảnh chùa có người khách hỏi người quản lý chùa về mấy chục gian nhà để làm gì, người quản lý nói trong tiếc nuối “trước đây để thuyền nhưng nay thuyền đã hỏng hết”!

Hành động lấp sông tưởng là bình thường nhưng nó đã đụng đến quy luật tự nhiên nên phải trả giá và hậu quả khó khắc phục được!

Nhà tôi nằm ở phía Bắc và đầu sông giữa làng, con sông này gắn bó với tôi từ thơ bé cho đến tuổi xế chiều. Trước đây con sông này đẹp lắm, hai bên sông là những hàng tre xanh, trên mặt sông nơi thả bè rau muống, rau rút; đàn vịt, đàn ngan bơi tung tăng. Sông có nhiều loại cá, đặc biệt mùa mưa về đi bắt cá rô nhảy lên bờ. Buổi chiều, lũ trẻ con đua nhau ra sông bơi lội, tắm mát! 

Từ khi nhà nhà “tự do” xả mọi thứ nước thải ra sông, nó thành con sông chết, nồng nặc mùi hôi thối. Các hộ dân hai bên sông ngày đêm âm thầm sống chung với ô nhiễm mà chẳng có giải pháp nào cả! 

Những kỷ niệm của quê hương, những con sông của làng tôi nay vẫn còn là ký ức đẹp. Mỗi lần về quê tôi vẫn ngắm nhìn những gì còn lại của các con sông và lòng tôi ước ao ba điều: 

Một là: Hội Chùa Keo làng tôi khôi phục lại hội thi bơi trải để lễ hội chùa được sống lại như xưa. Dù không còn hai con sông đưa đón thuyền trải từ chùa ra sông và từ sông về chùa thì nay thay bằng xe vậy! 

Hai là: Đất nước chúng ta, trong đó có làng tôi một ngày không xa không còn những dòng sông chết, tất cả những dòng sông trở thành nơi sinh tồn của mọi vật, nơi điều hòa nước sạch, nơi trẻ em tung tăng bơi lội, nơi câu cá thả rau của người lớn!

Ba là: Chúng ta phải tôn trọng tự nhiên, đừng lấp ao, lấp hồ, lấp sông, đừng làm tổn hại đến tự nhiên để thiên nhiên phải giận dữ với con người!

Đỗ Hữu Diên

Tổng giá trị giải thưởng lên đến 200 triệu đồng

Cuộc thi "Chuyện của những dòng sông” do Báo VietNamNet tổ chức, bắt đầu từ ngày 5/3 đến 30/6/2024 trên mục Du lịch

Ban tổ chức khuyến khích các tác giả dự thi thể hiện tác phẩm dưới hình thức đa phương tiện, trong đó, video clip có độ dài từ 1 đến 3 phút, ngôn ngữ lời bình bằng tiếng Việt, ảnh có số lượng dưới 12 bức kèm chú thích; khuyến khích các tác phẩm dự thi có hơi thở báo chí đời sống, có câu chuyện nhân vật, phản ánh những vấn đề của người dân đang sinh sống tại các dòng sông, có tác động và có ảnh hưởng tới sự phát triển của những dòng sông.

Cơ cấu giải thưởng:  01 giải Nhất trị giá 50 triệu đồng; 01 giải Nhì trị giá 30 triệu đồng; 02 giải Ba mỗi giải trị giá 10 triệu đồng. Ngoài ra, còn có các giải thưởng phụ do đơn vị tài trợ trao tặng. 

Ban tổ chức sẽ đài thọ chi phí ăn, ở, đi lại cho các tác giả đạt giải Nhất, Nhì đang sinh sống ở Việt Nam đến TP. HCM nhận giải. Trong trường hợp nhóm tác giả đạt giải, Ban tổ chức sẽ đài thọ chi phí cho 01 người đại diện nhóm đến TP.HCM nhận giải.

Để biết thêm thông tin chi tiết về thể lệ cuộc thi, xin vui lòng truy cập địa chỉ sau: http://www.tothethao.com/bong-da_bao-vietnamnet-to-chuc-cuoc-thi-chuyen-cua-nhung-dong-song-2255386.html