Trong các tiêu chí xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, Tiêu chí chất lượng môi trường sống được đánh giá rất quan trọng. Muốn hoàn thiện tiêu chí này, các xã phải bảo đảm tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch từ hệ thống cấp nước tập trung.
Tuy nhiên, thực tế nhiều năm nay, một bộ phận dân cư phân tán ở các xã thuộc huyện miền núi Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên Huế vẫn chưa tiếp cận được nguồn nước sạch. Vào mùa hè, người dân nơi đây thường thiếu nước sạch sinh hoạt, nhất là dân cư ở các xã vùng sâu, vùng xa, do nhà dân nằm xa trung tâm nên đường ống nước chưa “vươn” tới.
Đơn cử như tại thôn Phú Hòa, xã Hương Phú, hiện nay vẫn còn 22 hộ dân ở khu vực xa khu dân cư chưa có nước sạch để sử dụng. Để có nước hợp vệ sinh, các hộ dân chủ yếu dùng nước giếng khoan, giếng đào. Nguyên nhân là khu vực này nằm xa đường ống chính, suất đầu tư lớn, trong khi điều kiện người dân còn nhiều khó khăn.
Tương tự, xã Thượng Nhật vẫn còn 37 hộ dân thiếu nước sạch. Ông Võ Văn Đờn, Chủ tịch UBND xã Thượng Nhật cho biết, vấn đề nước sạch của địa phương hiện nay khá nan giải khi còn nhiều hộ dân nằm ở vùng xa đường ống chính, tập trung ở các thôn 1, 2, 3, cần nguồn kinh phí lớn để đấu nối hệ thống nước sạch.
Nhiều năm nay, các hộ dân trong xã vẫn dùng hệ thống nước tự chảy đã đầu tư cách đây hơn 20 năm nên tiềm ẩn nguy cơ bệnh tật. Xã đã huy động từ nguồn vốn hỗ trợ cho hộ nghèo của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, cấp nước sạch cho 14 hộ dân trên địa bàn.
Trên địa bàn huyện Nam Đông, tình trạng thiếu nước sạch sử dụng còn tập trung tại các xã Thượng Long, Hương Sơn, Hương Xuân. Hiện các địa phương này đang ưu tiên cấp nước ở các cụm dân cư tập trung. UBND huyện Nam Đông cũng đã yêu cầu lãnh đạo các xã về việc rà soát nước sinh hoạt phân tán trên địa bàn và chờ được đầu tư khi điều kiện cho phép.
Thông tin từ UBND huyện Nam Đông cho biết, hiện nay, hệ thống cấp nước sạch tại các xã Thượng Nhật, Thượng Long, Hương Sơn do Công ty cổ phần Cấp nước Thừa Thiên Huế quản lý vận hành đã được thực hiện. Bao gồm hệ thống tuyến ống nhựa HDPE có đường kính từ D50 – D225 với tổng chiều dài hơn 53km, cấp nước sạch cho hơn 80% dân số của các xã, chất lượng đảm bảo cấp nước an toàn, liên tục và áp lực hợp lý.
Để cấp nước sạch cho các hộ dân còn lại tại xã Thượng Nhật, Thượng Long, Hương Sơn và Hương Xuân gặp không ít khó khăn. Qua khảo sát, các hộ thiếu nước sạch được thống kê đa số là hộ đơn lẻ, nằm rải rác, cách xa đường ống chính, xa trung tâm, khu dân cư. Để có thể cấp nước được cần phải đầu tư khoảng 30 tuyến D63-90 HDPE với tổng chiều dài hơn 5,5km, chi phí xây dựng dự kiến khoảng 1,9 tỷ đồng, chưa tính các chi phí khác.
Vừa qua, Công ty cổ phần Cấp nước Thừa Thiên Huế bằng nguồn vốn công ty đã lựa chọn, đầu tư 8 tuyến ống với tổng chiều dài hơn 3,1km ở các khu vực có số lượng dân cư đông để phục vụ nhu cầu của người dân. Trong thời gian tới, Công ty sẽ tiếp tục cân đối nguồn vốn để xem xét tiếp tục đầu tư các tuyến ống có đông người dân hưởng lợi.
Đối với khu vực xã Hương Phú, dự án cấp nước cho thôn Phú Mậu và thôn Phú Hòa trong Dự án thành phần “Nâng cấp, mở rộng mạng lưới cấp nước sạch thôn Phú Mậu, thôn Phú Hòa, xã Hương Phú, huyện Nam Đông" thuộc Dự án “Cấp nước nông thôn tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021 - 2025” đã được HĐND tỉnh phê duyệt vào tháng 12/2023 về điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Cấp nước nông thôn tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021 - 2025.
Riêng các khu vực còn lại có địa hình phức tạp, các vùng có các hộ dân đơn lẻ, nằm rải rác, cách xa nguồn nước và nguồn điện, các tuyến ống thiết kế suất đầu tư cao, huyện Nam Đông đang tập trung huy động các nguồn lực phát triển hệ thống nước sạch trên địa bàn, nhất là mở rộng cấp nước cho khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Ngoài ra, Công ty cổ phần Cấp nước Thừa Thiên Huế sẽ phối hợp UBND huyện Nam Đông để đề xuất sử dụng nguồn vốn đầu tư công hoặc huy động các nguồn vốn khác đầu tư thực hiện dự án trong thời gian tới.