Sau những thiệt hại lớn về kinh tế bởi các đợt dịch bệnh trên đàn gia súc như lở mồm long móng, tụ huyết trùng, viêm da nổi cục, hiện nay phần lớn người chăn nuôi tại tỉnh Nam Định đã quan tâm nhiều hơn đến việc áp dụng các biện pháp kỹ thuật để bảo vệ an toàn đàn vật nuôi.
Tính hết quý I-2021, toàn tỉnh ước có khoảng 642.100 con lợn, tăng 36.600 con; sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng ước đạt 15.227 tấn, tăng 0,1% so với cùng kỳ năm 2020; trọng lượng lợn xuất chuồng bình quân đạt 85 kg/con. Đàn trâu, bò hiện có 37 nghìn con.
Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở NN và PTNT) đã tích cực giám sát chủ động các loại dịch bệnh.
Ảnh minh họa. |
Từ đầu năm đến nay, Chi cục đã lấy 20 mẫu bệnh phẩm trên đàn lợn để giám sát bệnh dịch tả lợn châu Phi, 15 mẫu bệnh phẩm giám sát bệnh tai xanh và 15 mẫu bệnh dịch tả lợn cổ điển.
Đồng thời thực hiện giám sát bị động, giám sát an toàn thực phẩm nhằm đưa ra những cảnh báo kịp thời cho người chăn nuôi trong việc phòng, chống các loại dịch bệnh theo mùa.
Bên cạnh đó, ngành Nông nghiệp tỉnh còn tích cực xử lý hiệu quả các ổ dịch phát sinh tại các địa phương, góp phần hạn chế dịch bệnh lây lan.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thông, các địa phương cũng tích cực huy động nguồn lực, hướng dẫn các chủ trang trại có đủ khả năng, kinh nghiệm xây dựng phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn trong chăn nuôi lợn.
Điển hình là nguồn vốn đầu tư của tổ chức FAO, Cục Chăn nuôi (Bộ NN và PTNT) xây dựng điểm 4 trang trại ở huyện Ý Yên, Xuân Trường, Hải Hậu nuôi lợn thịt trên nền đệm lót sinh học, tiết kiệm nước, ứng dụng công nghệ vi sinh trong thức ăn, xử lý chất thải làm phân hữu cơ phục vụ sản xuất nông nghiệp, giảm thiểu tối đa chất thải ra môi trường, đồng thời quản lý tốt các loại dịch bệnh, nhất là bệnh dịch tả lợn châu Phi và tạo ra sản phẩm thịt lợn an toàn, chất lượng cao.
Tỉnh Nam Định phấn đấu trong thời gian tới sẽ xây dựng được các vùng chăn nuôi tập trung, vùng an toàn dịch bệnh, phấn đấu đến năm 2025, toàn tỉnh không có phát sinh nào về dịch lở mồm long móng.
Minh Phúc