Theo đó, truyền thông chính sách là công việc của Chính quyền các cấp để đạt đến hai mục tiêu: Thứ nhất là để người dân từ chỗ biết, đến hiểu rõ và thực hiện chính sách. Thứ hai, lắng nghe ý kiến phản hồi của người dân để điều chỉnh chính sách cho phù hợp.
Để đạt hai mục tiêu trên, những năm qua, tỉnh Nam Định đã thực hiện đồng bộ các giải pháp trên lĩnh vực báo chí; trên hệ thống thông tin cơ sở; tuyên truyền thông qua các phương tiện in ấn như: bản tin nội bộ (tờ rơi, tờ gấp, pano, apphic).
Ngoài ra, Nam Định cũng đẩy mạnh thực hiện truyền thông chính sách thông qua kiện toàn, nâng cao chất lượng phục vụ của trung tâm dịch vụ hành chính công của tỉnh; nâng cao chất lượng phục vụ của trung tâm hành chính công các huyện, thành phố. Nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong các cuộc tiếp dân; nâng cao chất lượng tổng hợp tiếp xúc cử tri trước và sau các kỳ họp Quốc hội, kỳ họp HĐND các cấp; chất lượng thực hiện kết quả nhiệm vụ sau giám sát của HĐND các cấp.
Có thể thấy, một ví dụ cho thành công của Nam Định trong truyền thông chính sách những năm vừa qua và thời gian gần đây, chính là truyền thông chính sách trên lĩnh vực thu hút đầu tư; phát triển kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn; chuyển đổi cơ cấu kinh tế trên lĩnh vực Nông nghiệp; Công nghiệp, thương mại, dịch vụ, các giá trị truyền thống trong xây dựng NTM, làm sáng rõ phương châm: Dân cần – Dân biết – Dân làm – Dân kiểm tra – Dân hưởng thụ. Vì thế, một tỉnh mặc còn nhiều khó khăn như Nam Định, nhưng đã huy động tổng hợp các nguồn lực thúc đẩy quá trình xây dựng NTM.
Mới đây, ngày 28/8/2023, UBND tỉnh Nam Định đã ban hành Kế hoạch số 119/KH-UBND triển khai thực hiện Chỉ thị số 07/CT-TTg ngày 21/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác truyền thông chính sách trên địa bàn tỉnh. Kế hoạch đã đề ra 6 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu là: Tổ chức tập huấn nâng cao nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của công tác truyền thông chính sách, coi đây là một nhiệm vụ, chức năng của cơ quan hành nhà nước.
Bố trí, sắp xếp đội ngũ làm công tác truyền thông chính sách, xây dựng, kết nối mạng lưới truyền thông chính sách trên địa bàn tỉnh; thường xuyên rà soát, cập nhật, bổ sung đội ngũ truyền thông chính sách, người phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của các cơ quan hành chính nhà nước, đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ truyền thông kịp thời, hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và của tỉnh.
Thực hiện tốt việc công khai thông tin theo quy định của Luật Tiếp cận thông tin; Chỉ đạo, hướng dẫn việc thực hiện truyền thông chính sách có tác động lớn trên địa bàn tỉnh theo Quyết định số 407/QĐ-TTg ngày 30/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022 - 2027”; Kế hoạch số 68/KH-UBND ngày 13/5/2022 của UBND tỉnh.
Chỉ đạo, định hướng, chủ động cung cấp thông tin chính xác, kịp thời cho báo chí, hệ thống thông tin cơ sở và các phương thức truyền thông khác về những vấn đề được dư luận xã hội quan tâm. Đẩy mạnh chuyển đổi số báo chí; ứng dụng công nghệ, nền tảng số, đổi mới phương thức truyền thông để tạo hiệu quả truyền thông chính sách trên địa bàn tỉnh…
Để thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nêu trên, UBND tỉnh Nam Định đã đề nghị Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông chỉ đạo, định hướng nội dung truyền thông chính sách cho các cơ quan báo chí, nhất là những vấn đề dư luận xã hội quan tâm, tạo đồng thuận trong nhân dân. Đồng thời, yêu cầu các sở, ngành, địa phương hàng năm xây dựng kế hoạch thực hiện công tác truyền thông chính sách phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và tình hình thực tế của cơ quan, đơn vị, địa phương…