Gắn bó với các loại cây trồng đã nhiều năm nên ông Đoàn Văn Hoa cũng có nhiều kinh nghiệm trồng cây ăn quả và cây dược liệu.
Năm 2011, được bạn bè "mách nước", ông Hoa đã khảo sát và nhận thấy vùng Bãi Quỹ có thể phát triển được nhiều loại cây trồng, rau màu khác nhau lại đảm bảo chất lượng và các yếu tố "xanh, sạch" do nằm biệt lập và cách xa khu dân cư.
Từ ý tưởng đó, ban đầu gia đình ông Hoa đã thuê một vài ha để trồng các loại cây như quất giống, chuối, húng bạc hà…
Năm 2014, cán bộ của một công ty dược đã về khu Bãi Quỹ-nơi ông Hoa trồng cây để nghiên cứu vùng trồng cây dược liệu lâu dài.
Sau khi nghiên cứu đất, nguồn nước và các điều kiện về khí hậu, công ty dược này đã làm việc với gia đình ông Hoa để phát triển vùng trồng dược liệu sạch.
Trang trại của ông Đào Văn Hoa rộng hơn 2ha , mỗi năm thu hoạch được gần 100 tấn quất cung cấp cho công ty dược liệu ở Việt Nam. |
Gia đình ông Hoa là hộ đầu tiên trong vùng tham gia dự án triển khai vùng trồng dược liệu đạt tiêu chuẩn hướng dẫn thực hành tốt trồng trọt và thu hái cây thuốc theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (GACP-WHO).
Tham gia vùng trồng này, ngoài việc có đầu ra ổn định, được bao tiêu toàn bộ sản phẩm bền vững với giá cả hợp lý, gia đình ông Hoa và lao động làm việc tại vùng trồng được trang bị kỹ thuật chăm sóc và trồng cây dược liệu theo GACP-WHO.
Ông Hoa cho biết: Ban đầu, với diện tích 2ha quất dược liệu, mỗi năm tôi thu hoạch được khoảng 50-60 tấn quả, doanh thu khoảng 200-300 triệu đồng.
Sau 4 năm triển khai vùng trồng quất dược liệu, hiện tại vùng trồng quất và các loại cây dược liệu, rau màu của gia đình đã mở rộng trên diện tích 10ha trong tổng số 35ha của vùng đất bãi...".
Trong 10 ha đó, riêng vùng trồng quất dược liệu khoảng 5-6ha, vùng trồng đỗ tương khoảng 3ha, diện tích còn lại ông trồng vừng đen, tam thất và sâm đại hành.
Theo ông Hoa, trồng quất dược liệu sạch dùng để sản xuất si-rô ho cho trẻ em nên phải đảm bảo việc trồng trọt và thu hái cây thuốc đúng theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới và chỉ cho phép sử dụng thuốc sâu sinh học.
Nhưng tại vùng đất bãi này, nhiều năm qua ông chưa phải phun thuốc trừ sâu vì cây không có sâu và cây càng lâu năm thì càng khoẻ, rễ càng dày và ít sâu bệnh.
Với sản lượng mỗi ngày, thu hoạch khoảng 5-6 tạ quất tươi, để đảm bảo chất lượng nguồn hàng trước khi xuất cho công ty, ông Hoa là người trực tiếp kiểm tra sản phẩm. Trung bình mỗi năm gia đình ông Hoa thu hoạch khoảng 100 tấn quất dược liệu cung cấp cho Công ty trên dưới 100 tấn quất dược liệu. |
Theo tiêu chuẩn, vườn quất được sử dụng phân NPK đầu trâu, nhưng với kinh nghiệm làm vườn lâu năm của mình, ông Hoa có cách tạo ra thứ phân bón hữu cơ tự nhiên. Đó là sử dụng chính cây đỗ tương, hạt đỗ tương trồng trong khu ruộng để làm phân bón hữu cơ cho cây dược liệu.
Chia sẻ thêm về nghề, ông Hoa bảo: Đỗ tương có độ đạm cao, nên sau khi xuất cho Công ty phần đỗ đẹp để làm thực phẩm chức năng, những hạt đỗ xấu được bác xay ra làm phân bón cho cây rất tốt.
Cây quất, cây dược liệu sẽ "ăn" dần dần chất dinh dưỡng nên rất khoẻ, cho quả đều và an toàn đúng theo tiêu chuẩn chứ không "bốc" nhanh như khi bón lân, đạm.
Từ việc trồng dược liệu, gia đình ông Hoa tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động quanh vùng. Ngoài việc duy trì trồng hơn 5ha quất dược liệu, từ năm 2017 đến nay, gia đình ông còn liên tục sản xuất và thu hoạch đỗ tương vừa để sản sản xuất phân hữu cơ chăm sóc cây trồng vừa bán ra thị trường thu về hàng trăm triệu đồng/năm.
Hiện tại gia đình ông Hoa đang trồng thêm 1.000 gốc nhãn trên diện tích 3 mẫu đất, trồng tam thất trên diện tích 1ha, trồng sâm đại hành trên diện tích 1 mẫu đất… Từ các loại cây dược liệu mỗi năm, gia đình ông Hoa có thu nhập khoảng 500 triệu đồng, sau khi trừ chi phí.
Giá quất dược liệu vào các tháng 3, 4, 5 trong năm sẽ được giá cao nhất đạt tới 40.000 – 50.000 đồng/kg. Còn ngày thường giá quất chỉ dao động vào khoảng trên dưới 10.000 đồng/kg.
|
Quất sau khi được nhảy sẽ được đóng vào sọt để thuận tiện cho khâu tiếp theo và di chuyển đến nhà máy của công ty. |
(Theo Dân Việt)