Thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 17/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XIII về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Nam Định đã xây dựng chương trình, kế hoạch hành động phù hợp với tình hình thực tế của địa phương nhằm phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế sẵn có.
Cụ thể, ngày 12/4/2023 Tỉnh uỷ Nam Định đã ban hành Chương trình hành động số 34-CTr/TU thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW. Ngày 15/5/2023, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch 80/KH-UBND về thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tỉnh đặt mục tiêu tổng quát đến năm 2030, xây dựng tỉnh Nam Định cơ bản đạt các tiêu chí:
Có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, đời sống của nhân dân được nâng cao.
Xây dựng nền công nghiệp vững mạnh với năng lực sản xuất mới, tự chủ, khả năng thích ứng, chống chịu cao. Từng bước làm chủ công nghệ lõi, công nghệ nền của các ngành công nghiệp nền tảng, công nghiệp ưu tiên, công nghiệp mũi nhọn.
Nông nghiệp phát triển nhanh, bền vững theo hướng sinh thái, ứng dụng mạnh mẽ khoa học - công nghệ tiên tiến. Các ngành dịch vụ được cơ cấu lại đồng bộ, hiệu quả trên nền tảng công nghệ hiện đại, công nghệ số với chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh được nâng cao; hình thành nhiều ngành dịch vụ mới, có giá trị gia tăng cao.
Tầm nhìn đến năm 2045, phấn đấu tỉnh Nam Định là một cực phát triển quan trọng của vùng Nam đồng bằng sông Hồng, là trung tâm kinh tế hiện đại, động lực phát triển quan trọng và điểm kết nối giao thương hàng hóa, dịch vụ và văn hóa của vùng đồng bằng sông Hồng với hệ thống kết cấu hạ tầng phát triển đồng bộ và hiện đại; quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội được bảo đảm.
Trong đó, đến năm 2030, tỉnh phấn đấu đạt các chỉ tiêu tiêu cụ thể: Tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn GRDP (giá so sánh 2010) bình quân 9 - 9,5%/năm; GRDP bình quân đầu người đạt mức bình quân chung của vùng đồng bằng sông Hồng.
Tỷ lệ lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội dưới 20%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt khoảng 35%. Tỷ lệ người dân trong độ tuổi lao động được đào tạo kỹ năng số cơ bản đạt trên 80%.
Nam Định thuộc nhóm khá của vùng đồng bằng sông Hồng về năng lực cạnh tranh công nghiệp. Tỷ trọng công nghiệp đạt trên 40% GRDP. Tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo đạt khoảng 35% GRDP. Tỷ trọng giá trị sản phẩm công nghiệp công nghệ cao trong các ngành chế biến, chế tạo đạt trên 40% giá trị gia tăng công nghiệp chế tạo.
Tỷ trọng của khu vực dịch vụ đạt 31 - 32% GRDP. Tỷ trọng kinh tế số đạt khoảng 30% GRDP. Hoàn thành xây dựng chính phủ số. Tỷ lệ đô thị hoá đạt trên 45%.
Để đạt các mục tiêu đề ra, tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, các địa phương phối kết hợp chặt chẽ, tổ chức triển khai thực hiện quyết liệt, cụ thể 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, trọng điểm gồm:
Tích cực quán triệt, tuyên truyền, phổ biến và triển khai thực hiện Chương trình hành động số 34-CTr/TU, Kế hoạch 80/KH-UBND. Đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức và hành động quyết liệt, tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tiếp tục bổ sung hoàn thiện cơ chế chính sách của tỉnh thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển công nghiệp - thương mại - dịch vụ theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và tạo thêm nguồn thu ngân sách. Phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; thúc đẩy đô thị hóa nhanh và bền vững, gắn kết chặt chẽ và tạo động lực cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Phát triển các thành phần kinh tế nhằm thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Triển khai các chế độ hỗ trợ khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đẩy mạnh phát triển tài sản trí tuệ (sáng chế/giải pháp hữu ích, nhãn hiệu hàng hóa, quy trình sản xuất, truy xuất nguồn gốc…) phục vụ sản xuất, kinh doanh.
Phát triển công nghiệp phù hợp với Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và phương án phát triển các khu, cụm công nghiệp. Khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp áp dụng các hệ thống quản lý sản xuất tiên tiến.
Tiếp tục phát triển các ngành công nghiệp thế mạnh sẵn có của địa phương như cơ khí sản xuất máy nông nghiệp, máy xây dựng, công nghiệp chế biến nông sản, thực phẩm, sợi, dệt, nhuộm, may thời trang cao cấp đồng bộ với các ngành có công nghệ hiện đại, giá trị gia tăng cao, đóng góp lớn cho nguồn thu ngân sách…
Quỳnh Nga