Trước tình hình các loại dịch bệnh nguy hiểm trên đàn vật nuôi luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất chăn nuôi, tỉnh Nam Định đã chỉ đạo các địa phương tích cực triển khai các biện pháp phòng ngừa đồng bộ.
Từ đầu năm đến nay, tại các địa phương trong tỉnh liên tục phát sinh các loại dịch bệnh trên đàn gia cầm. Cụ thể, tháng 1/2021 xảy ra 2 ổ dịch cúm A/H5N6 trên đàn gia cầm tại huyện Ý Yên, Vụ Bản; số gia cầm phải tiêu hủy là 1.577 con.
Vệ sinh, tiêu độc, khử trùng là giải pháp quan trọng bảo vệ an toàn đàn vật nuôi. Ảnh Thu Hà |
Hiện nay nguy cơ dịch cúm gia cầm A/H5N8 xâm nhiễm và lây lan trên địa bàn tỉnh là rất cao do virus cúm gia cầm A/H5N8 đã xuất hiện ở Việt Nam. Vì vậy để chủ động ngăn chặn virus cúm gia cầm A/H5N8 và các chủng virus cúm gia cầm thể độc lực cao khác phát sinh, lây lan trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh Nam Định yêu cầu các địa phương tăng cường kiểm soát, thực hiện công tác bảo vệ môi trường chăn nuôi; giảm thiểu ô nhiễm, nhất là ở các vùng chăn nuôi tập trung.
Tăng cường tuyên truyền hướng dẫn bà con thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học, chủ động tiêm vắc xin phòng bệnh, quản lý, xử lý tốt chất thải chăn nuôi. Tuyệt đối không được chủ quan, lơ là trong việc triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống để dịch bệnh phát sinh, lây lan diện rộng.
Tổ chức thực hiện nghiêm việc kiểm dịch tại gốc; kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm trên địa bàn, nhất là những trường hợp vận chuyển gia cầm, con giống gia cầm, sản phẩm gia cầm từ tỉnh ngoài vào địa bàn tỉnh; xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm theo quy định.
Ông Ninh Văn Hiểu, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho biết: Một trong những biện pháp căn cơ để tiêu diệt mầm bệnh, các chủng virus, hạn chế dịch bệnh phát sinh, lây lan là thực hiện tốt công tác vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường. Chi cục đã tích cực phối hợp với các huyện, thành phố chỉ đạo tổ chức thực hiện tốt đợt tổng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng để tiêu diệt mầm bệnh ở môi trường trong tháng 4/2021.
Tỉnh đã tiếp nhận và phân bổ 15 nghìn lít hóa chất sát trùng từ nguồn dự trữ quốc gia cho các địa phương. Ngoài ra, UBND các xã, thị trấn và hộ chăn nuôi đã chủ động mua thêm 2.250 lít thuốc sát trùng và 72 tấn vôi bột để thực hiện vệ sinh, tiêu độc, khử trùng khu vực chăn nuôi, các chợ buôn bán gia súc, gia cầm, khu vực giết mổ động vật, nơi có ổ dịch cũ, bãi rác thải; xử lý chất thải chăn nuôi…
Việc thực hiện tốt công tác vệ sinh, tiêu độc, khử trùng là giải pháp quan trọng bảo vệ an toàn đàn vật nuôi, góp phần bảo vệ ngành chăn nuôi phát triển an toàn, bền vững cũng như bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Thu Hà