Theo kết quả điều tra Chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) năm 2022 của tỉnh Nam Định, chỉ số Đào tạo lao động chỉ đạt 5,52 điểm, đứng thứ 32/63 trên bảng xếp hạng toàn quốc và xếp thứ 11/11 trong khu vực đồng bằng sông Hồng.
Hiện, các cơ sở đào tạo, dạy nghề trên địa bàn tỉnh đang thực hiện đào tạo khoảng 120 ngành nghề (các lĩnh vực: kỹ thuật, công nghệ, xây dựng, nông nghiệp, nghệ thuật, thương mại, du lịch, y tế, kế toán, báo chí, thông tin...) ở cả 3 cấp trình độ (cao đẳng, trung cấp, sơ cấp) với quy mô đào tạo 35.200 người/năm.
Giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh đã phát huy được hiệu quả tích cực, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, tỷ lệ lao động đã qua đào tạo (có bằng cấp chuyên môn kỹ thuật/nghề từ 3 tháng trở lên) còn thấp, cơ cấu đào tạo thiếu hợp lý, thiếu hụt lao động có tay nghề cao, khoảng cách giữa giáo dục nghề nghiệp và nhu cầu của thị trường lao động còn lớn.
Cơ cấu đào tạo trên địa bàn tỉnh trước đây vẫn chú trọng đến lao động thủ công hoặc đơn giản chỉ thực hiện một khâu trong quy trình sản xuất, chưa chú trọng đến đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Trang thiết bị phục vụ thực hành trong đào tạo nghề còn nhiều hạn chế, chưa phù hợp với thực tiễn hiện nay. Lao động sau khi tuyển dụng tham gia vào quá trình sản xuất vẫn phải thực hiện đào tạo lại.
Mặc dù có nhiều cố gắng, đổi mới trong phương pháp đào tạo nguồn nhân lực cho khu vực công nghiệp, nhưng trình độ của nhiều học viên đã qua đào tạo giai đoạn trước năm 2017 vẫn chưa đáp ứng ngay được nhu cầu sử dụng hiện nay của các doanh nghiệp. Nhìn chung, trình độ lao động đang làm việc trong nền kinh tế của tỉnh thấp hơn so với mức trung bình của toàn quốc (24,05%).
Trước vấn đề này, thời gian tới, tỉnh Nam Định yêu cầu các ngành liên quan, các địa phương chú trọng bám sát mục tiêu của tỉnh, phấn đấu đến năm 2030, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt khoảng 35%; tỷ lệ người dân trong độ tuổi lao động được đào tạo kỹ năng số cơ bản đạt trên 80%.
Tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; phát triển giáo dục và đào tạo theo hướng mở, hội nhập, phát triển toàn diện năng lực, thể chất, nhân cách, ý thức tôn trọng pháp luật và trách nhiệm công dân. Nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo gắn với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, tiến bộ khoa học công nghệ, với quy hoạch và phát triển nguồn nhân lực.
Đẩy nhanh chuyển đổi số, hiện đại hóa cơ sở vật chất thiết bị và đổi mới chương trình, phương thức đào tạo. Phát triển đội ngũ nhà giáo, nghệ nhân, chuyên gia, người dạy nghề và cán bộ quản lý trong giáo dục nghề nghiệp.
Chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo nghề, đa dạng ngành nghề đào tạo, trong đó chú trọng ngành nghề đào tạo kỹ thuật cao, lao động quản lý. Quan tâm đào tạo, nâng cao trình độ lao động nông thôn; tăng số lượng lao động kỹ thuật có tay nghề; phát triển nhân lực nghiên cứu, chuyên gia trong nông nghiệp.
Bên cạnh đó, tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức giúp toàn dân, nhất là người lao động và các học sinh, sinh viên, người học nghề hiểu rõ vai trò, vị trí và tầm quan trọng của nhân lực chất lượng cao trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Từ đó tích cực, chủ động tham gia học nghề, nâng cao chất lượng tay nghề. Thiết lập cơ hội tiếp cận tốt hơn với các vị trí lao động tay nghề chất lượng, năng suất cao, trở thành một phần quan trọng trong nguồn lực con người của các doanh nghiệp trong tương lai.
Xây dựng các chương trình thu hút, trọng dụng nhân tài để bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Thu hút nguồn nhân lực đã được đào tạo ở nước ngoài về nước làm việc tại địa phương, các chuyên gia, lao động kỹ thuật trong các lĩnh vực công nghiệp nền tảng, công nghiệp ưu tiên, công nghiệp mũi nhọn.
Quỳnh Nga