Internet đang ngày càng đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống, nhất là trong giai đoạn chuyển đổi số hiện nay. Theo số liệu của Trung tâm Internet Việt Nam, hiện cả nước có khoảng 69 triệu người sử dụng Internet (chiếm tỷ lệ hơn 70% dân số). 

Tuy nhiên, không ít người thiếu kỹ năng phân biệt tin thật giả, đánh giá thẩm định thông tin trên mạng xã hội dễ bị dẫn dắt bởi tin tức, các xu thế, trào lưu trên mạng xã hội. Chính vì thế, nhiều đối tượng đã lợi dụng mạng xã hội để phát tán, chia sẻ những thông tin xấu độc; thậm chí lừa đảo, trục lợi. 

Thời gian qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã chỉ đạo các đơn vị chức năng triển khai hành động quyết liệt, buộc các nền tảng xuyên biên giới: Facebook, Google, TikTok, Apple, Netflix thực hiện ngăn chặn, gỡ bỏ những nội dung xấu độc, tin giả, quảng cáo sai sự thật, nội dung phản cảm, không lành mạnh trên mạng xã hội. 

Từ năm 2018 đến năm 2022, Facebook đã gỡ hơn 300 tài khoản giả mạo, hơn 12.600 bài viết sai sự thật, bôi nhọ uy tín các tổ chức, cá nhân, thương hiệu; tỷ lệ xử lý theo đề nghị của cơ quan quản lý Nhà nước đạt 90%. TikTok đã ngăn chặn, gỡ bỏ hơn 1.400 đường link vi phạm, rà quét, ngăn chặn hơn 3.500 video có nội dung xấu độc; tỷ lệ xử lý theo đề nghị của cơ quan quản lý Nhà nước đạt 91%.

Tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho học sinh các kỹ năng tự bảo vệ trên không gian mạng ở xã Trực Tuấn, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định.

Ngày 17/6/2021, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Quyết định số 874/QĐ-BTTTT về Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội nhằm xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trên không gian mạng tại Việt Nam, hình thành chuẩn mực đạo đức về hành vi, ứng xử mạng xã hội, giáo dục ý thức, tạo thói quen tích cực từ suy nghĩ đến hành động của người dùng mạng xã hội. 

Mỗi nhóm, đối tượng tham gia sử dụng mạng xã hội bên cạnh việc tuân thủ 4 quy tắc ứng xử chung: tôn trọng, tuân thủ pháp luật; lành mạnh; an toàn, bảo mật thông tin; trách nhiệm thì còn một số quy tắc khác cần áp dụng. Cụ thể như: tổ chức, cá nhân sử dụng mạng xã hội phải chia sẻ những thông tin chính thống, đáng tin cậy; có hành vi, ứng xử phù hợp với giá trị đạo đức, văn hóa truyền thống của dân tộc; không sử dụng từ ngữ gây thù hận, kích động bạo lực, phân biệt vùng miền, giới tính, tôn giáo; không đăng tải những nội dung vi phạm pháp luật, các thông tin xúc phạm danh dự, nhân phẩm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân khác; không sử dụng ngôn từ phản cảm…

Tại Nam Định, với sự vào cuộc của các cấp, các ngành chức năng, công tác đấu tranh, phòng ngừa, ngăn chặn những thông tin xấu độc, văn hóa độc hại; rà soát, xử lý các vi phạm pháp luật trên mạng xã hội được thực hiện đồng bộ, quyết liệt. 

Từ năm 2020, Công an tỉnh, Tỉnh Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Giáo dục và Đào tạo đã ký giao ước thi đua thực hiện Kế hoạch liên tịch về phối hợp, phát động đoàn viên, thanh niên, học sinh, sinh viên tham gia bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, thông tin xấu độc gây ảnh hưởng đến đạo đức xã hội. 

Đẩy mạnh tuyên truyền Luật An ninh mạng, Luật Tiếp cận thông tin dưới nhiều hình thức, nội dung phong phú, thiết thực. Đồng thời thường xuyên cập nhật, thông báo kịp thời những âm mưu, phương thức, thủ đoạn của các thế lực thù địch, phản động, tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật trên không gian mạng nhằm nâng cao nhận thức, ý thức cảnh giác của người quản lý, sử dụng Internet, mạng xã hội. 

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tăng cường phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, Tỉnh Đoàn tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa, cách mạng cho thế hệ trẻ; tập huấn nghiệp vụ công tác đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thông tin xấu, độc trên Internet, mạng xã hội; chỉ đạo tổ chức xây dựng các chương trình văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao lành mạnh. 

Các sở, ban, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội, các huyện, thành phố tăng cường công tác tuyên truyền, quán triệt nhằm nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức và người dân khi sử dụng Internet, mạng xã hội; kỹ năng nhận diện, xử lý thông tin xấu độc; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp lan truyền, chia sẻ, bình luận thông tin có nội dung sai sự thật, văn hóa phẩm độc hại.

Trong thời đại bùng nổ công nghệ số như hiện nay, việc sử dụng mạng xã hội là nhu cầu, sở thích của mỗi người, tuy nhiên để mạng xã hội phát huy lợi thế là cầu nối lan tỏa những thông tin trong sạch, lành mạnh, bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng trong việc quản lý, xử lý vi phạm, rất cần ý thức tự giác của mỗi cá nhân trong việc tuân thủ các quy định của pháp luật, quy tắc ứng xử văn hóa trên mạng xã hội. 

Để hình thành chuẩn mực văn hóa trên môi trường mạng, các trường học trong tỉnh thường xuyên tuyên truyền, nâng cao kiến thức cho học sinh. Đồng thời phối hợp với phụ huynh giám sát chặt chẽ việc sử dụng, truy cập, tham gia mạng xã hội của trẻ nhỏ, định hướng cho con em tiếp cận những nội dung, thông tin bổ ích, lành mạnh phù hợp với từng độ tuổi. Tăng cường giáo dục đạo đức, kỹ năng sống để tạo “sức đề kháng”, để trẻ em tự bảo vệ mình trước những tác động tiêu cực trên môi trường mạng, góp phần xây dựng môi trường mạng xã hội trong sạch, an toàn, lành mạnh.

Xuân An và nhóm PV, BTV