Hiện nay trên địa bàn tỉnh Nam Định có 12.234 cơ sở thuộc diện quản lý Nhà nước về PCCC thuộc các lĩnh vực: Nhà ở, văn phòng đa năng, thương mại, dịch vụ, xăng dầu, dầu khí, giao thông, vận tải, văn hóa, thể thao, du lịch; trong đó 250 cơ sở nằm trong các khu, cụm công nghiệp; 11.984 cơ sở ở khu dân cư.
Hôm 20/9, UBND tỉnh vừa ban hành Công văn số 612/UBND-VP8 về việc triển khai thực hiện Công điện số 825/CĐ-TTg ngày 15-9-2023 của Thủ tướng theo tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về việc tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC).
Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành của tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố Nam Định tiếp tục tập trung thực hiện nghiêm túc, chỉ đạo quyết liệt, hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh về công tác PCCC và cứu nạn, cứu hộ (CNCH).
Công an tỉnh tổng hợp danh sách các cơ sở kinh doanh nhà trọ có mật độ người ở cao, nhà ở nhiều căn hộ (chung cư mini), nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh có nguy cơ cháy, nổ cao (hoàn thành trước ngày 5-10-2023). Chủ trì, tham mưu Ban Chỉ đạo PCCC và CNCH tỉnh thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành cấp tỉnh (Công an, Xây dựng, Công Thương, Điện lực, Văn phòng UBND tỉnh, UBND cấp huyện...); tổ chức kiểm tra đối với loại hình cơ sở này; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các vi phạm (hoàn thành trước ngày 30-10-2023).
Sở Xây dựng rà soát các quy định pháp luật về xây dựng, quản lý các loại hình nhà ở nhiều căn hộ, cơ sở kinh doanh dịch vụ cho thuê trọ có mật độ người ở cao để tham mưu sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện; chấn chỉnh công tác cấp phép xây dựng theo đúng quy định; tổ chức thanh tra, kiểm tra, chấp hành pháp luật xây dựng; xử lý nghiêm các trường hợp xây dựng trái phép, sai phép.
Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các cơ sở giáo dục thực hiện ngay việc giảng dạy các kỹ năng về PCCC và thoát hiểm cho học sinh, sinh viên theo chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo...
Sở Công Thương chỉ đạo ngành điện tổ chức rà soát, phát hiện các công trình, cơ sở, hộ gia đình không bảo đảm an toàn trong sử dụng điện để hướng dẫn, khuyến cáo người dân bảo đảm an toàn PCCC.
Sở Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan thông tấn, báo chí tăng cường công tác tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân nâng cao ý thức ứng phó kịp thời với các sự cố cháy, nổ; chỉ đạo các nhà mạng gửi tin nhắn đến các thuê bao di động để tuyên truyền, khuyến cáo về biện pháp PCCC và các kỹ năng thoát nạn khi có cháy, nổ.
UBND các huyện, thành phố Nam Định tổ chức rà soát, lập danh sách các nhà trọ có mật độ người ở cao, nhà ở nhiều căn hộ (chung cư mini), nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh có nguy cơ cháy, nổ cao trên địa bàn, báo cáo UBND tỉnh (qua Công an tỉnh) trước ngày 1-10-2023. Thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành cấp huyện; tổ chức kiểm tra, rà soát các yêu cầu về an toàn PCCC đối với các loại hình cơ sở trên; báo cáo kết quả về UBND tỉnh (qua Công an tỉnh) trước ngày 25-10-2023. Chỉ đạo các cơ quan chức năng, UBND cấp xã tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn kiến thức, kỹ năng PCCC và CNCH cho các tầng lớp nhân dân...
UBND tỉnh yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành của tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố tổ chức triển khai thực hiện, nghiêm túc kiểm điểm trách nhiệm các tập thể, cá nhân liên quan thiếu trách nhiệm để xảy ra các vụ cháy, nổ gây thiệt hại nghiêm trọng về người, tài sản tại địa bàn, lĩnh vực phụ trách; phát huy vai trò của “Tổ liên gia an toàn PCCC”, “Điểm chữa cháy công cộng”.
Thành Nam