Năm 2023, tỉnh Nam Định xây dựng kịch bản kinh tế với tốc độ tăng GRDP (theo giá so sánh năm 2010) đạt từ 9,0-9,5%. Tuy nhiên, những tháng đầu năm cho thấy, tỉnh phải đối mặt với không ít khó khăn khi thực hiện các mục tiêu lớn.

Theo báo cáo, tăng trưởng quý I của tỉnh mới đạt 7,7%, trong khi mục tiêu tăng trưởng cả năm đặt ra là 9,5%. Vì vậy, 3 quý còn lại trong năm, mỗi quý phải phấn đấu mức tăng trưởng tối thiểu 10% trở lên. 

Ngoài ra, tỉnh cũng phải đối diện với những khó khăn, đe dọa làm suy yếu các động lực tăng trưởng của nền kinh tế trong bối cảnh doanh nghiệp vẫn đang đứng trước vô vàn khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và những hệ lụy suy thoái kinh tế toàn cầu, xung đột quân sự, chính trị. Bốn tháng đầu năm 2023, tình trạng giảm sức mua tại các thị trường nhập khẩu truyền thống

Trước những khó khăn, thách thức và để đảm bảo mức tăng trưởng kinh tế trong năm nay, tỉnh quan điểm tận dụng mọi cơ hội và động lực tăng trưởng, dù lớn hay nhỏ. Tiếp tục triển khai nghiêm túc, quyết liệt các giải pháp ngắn hạn và dài hạn trong các chương trình, kế hoạch đã ban hành; phát huy các biện pháp, kinh nghiệm thành công đã được khẳng định qua thực tiễn.

Kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện phát triển sản xuất, kinh doanh. 

Các ngành, các địa phương đã triển khai hiệu quả, kịp thời các chính sách, quy định của Nhà nước nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh. 

Các tổ chức tín dụng trên địa bàn triển khai hiệu quả các chương trình, chính sách tín dụng trọng điểm, nhất là những chính sách thuộc chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước.

Bên cạnh đó, các cấp chính quyền, ngành chức năng của tỉnh tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại các ngành sản xuất và dịch vụ gắn với đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng tăng trưởng, sức cạnh tranh của nền kinh tế. 

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp với các huyện, thành phố và các đơn vị liên quan tiếp tục thực hiện hiệu quả kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2025 theo hướng điều chỉnh cơ cấu sản xuất phù hợp, hiệu quả hơn gắn với nhu cầu thị trường, từng bước đảm bảo chất lượng gắn với an toàn thực phẩm. Phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa tập trung, chuỗi giá trị bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu. 

Ngành công thương và các ngành liên quan đặc biệt chú trọng hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp nắm bắt sâu sát thông tin diễn biến, nhu cầu tiêu dùng trên các thị trường, phát triển đa dạng hóa thị trường xuất khẩu.

Tỉnh đặc biệt chú trọng đẩy nhanh giải ngân đầu tư công để tạo thêm việc làm, thu nhập cho nhiều ngành. Tính chung 4 tháng đầu năm, vốn đầu tư phát triển thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý đạt kết quả khá, ước thực hiện 1.894 tỷ đồng, đạt 22,1% kế hoạch năm, tăng 12,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: cấp tỉnh 1.746 tỷ đồng, đạt 22,4%, tăng 9,4%; cấp huyện 83 tỷ đồng, đạt 17,4%, tăng 133,3%; cấp xã 65 tỷ đồng, đạt 23,1%, tăng 28,4%. 

Đồng thời, tỉnh cũng quan tâm thúc đẩy đầu tư xây dựng nhiều công trình lớn như tuyến đường bộ ven biển đoạn qua tỉnh; xây dựng cầu qua sông Đào; tỉnh lộ 488B, 485B; giai đoạn II dự án xây dựng tuyến đường trục phát triển nối vùng kinh tế biển tỉnh với đường cao tốc cầu Giẽ - Ninh Bình; Khu Trung tâm lễ hội thuộc Khu di tích lịch sử - văn hóa thời Trần; Bệnh viện Đa khoa tỉnh; các dự án xây dựng hạ tầng khu đô thị, khu (điểm) dân cư tập trung, khu tái định cư của các huyện, thành phố. Nhờ đó, ngành xây dựng đã đóng góp cao vào tỷ lệ tăng trưởng kinh tế. 

Động lực tăng trưởng kinh tế được kỳ vọng nhất của năm nay là đầu tư công trên cơ sở tỉnh đẩy mạnh đầu tư các dự án trọng điểm và phải gấp rút triển khai nhóm các dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia năm 2023, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. 

Thu hút đầu tư của tỉnh Nam Định đang khởi sắc và là tín hiệu khả quan cho thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Vì vậy, các cấp chính quyền, ngành chức năng cần đơn giản hóa các thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động đầu tư, thành lập doanh nghiệp nhằm cải thiện nhanh môi trường kinh doanh theo hướng thông thoáng, minh bạch, bình đẳng và cạnh tranh để tạo hiệu quả về thu hút đầu tư. 

Một điểm tựa quan trọng nữa để duy trì các động lực thúc đẩy tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2023 được tỉnh xác định là sức chống chịu, khả năng cầm cự của các hộ, cơ sở, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh. Vì vậy, tỉnh quyết liệt chỉ đạo các cấp, các ngành chức năng tiếp tục bám sát diễn biến thực tế, nêu cao trách nhiệm phát hiện khó khăn vướng mắc để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh… 

Quỳnh Nga