Cũng giống như các tỉnh và thành phố khác, đời sống nhân dân được nâng cao kéo theo sự gia tăng về rác thải cả về khối lượng và chủng loại. Tuy nhiên, Nam Định vẫn là một trong những thành phố được đánh giá có chất lượng vệ sinh môi trường sạch sẽ.
Từ năm 2007 tỉnh đã quan tâm và đầu tư kinh phí trên 1% tổng chi ngân sách của tỉnh cho công tác bảo vệ môi trường, giúp phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm, cải thiện, tăng cường hiệu quả công tác bảo vệ môi trường, đặc biệt nâng cao năng lực quản lý chất thải rắn sinh hoạt, góp phần hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới của tỉnh.
Các mô hình phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn đang áp dụng thực hiện tại các địa phương gồm: Mô hình "Phân loại chất thải rắn tại nguồn và xử lý rác hữu cơ làm phân bón tại hộ gia đình" tại xã Hải Lý (huyện Hải Hậu); Mô hình "Hố rác hữu cơ di động" tại xã Thọ Nghiệp (huyện Xuân Trường), xã Nam Cường (huyện Nam Trực), xã Yên Cường (huyện Ý Yên); Mô hình "Phân loại rác thải tại hộ gia đình bằng thùng rác 2 ngăn" tại xã Nghĩa Minh (huyện Nghĩa Hưng).
Đến nay toàn tỉnh có 195/226 xã, phường, thị trấn đã triển khai thực hiện các mô hình phân loại rác thải tại nguồn và xử lý rác hữu cơ tại hộ gia đình. Các địa phương triển khai phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn đã thực hiện thí điểm tại các hộ gia đình cán bộ nòng cốt như: Bí thư, xóm trưởng, Chi hội Trưởng các Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh... và một số hộ dân. Sau khi đánh giá hiệu quả và nhận thức được lợi ích của việc triển khai phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn mang lại, các mô hình nhận được sự ủng hộ, đồng thuận tham gia từ cộng đồng người dân và đang được nhân rộng trên địa bàn toàn thôn, xóm, tổ dân phố của các xã, thị trấn.
Đến nay, hoạt động thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt khu vực nông thôn đã từng bước đi vào nền nếp và đạt được những kết quả nhất định. Hầu hết rác thải đã được thu gom, vận chuyển và xử lý tại các khu xử lý tập trung của các địa phương. Năm 2022, tỷ lệ rác thải sinh hoạt khu vực nông thôn được thu gom, xử lý đạt 89,5%; tỷ lệ thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt thành phố Nam Định đạt khoảng 95%. Công tác thu gom, xử lý rác thải có nhiều chuyển biến tích cực, xã hội hóa trong công tác thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt được khuyến khích; trên địa bàn tỉnh có nhiều doanh nghiệp tham gia công tác thu gom xử lý rác thải và vận hành có hiệu quả.
Nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý chất thải rắn, đối với cấp chính quyền, địa phương, cần có sự chung tay, vào cuộc của toàn thể hệ thống chính trị cho công tác quản lý chất thải rắn; bố trí kinh phí để thực hiện duy trì và nhân rộng phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn; chỉ đạo và điều hành của cấp ủy các cấp để triển khai đồng bộ, có hiệu quả mô hình phân loại rác thải tại nguồn; giao các tổ chức chính trị, đoàn thể đặc biệt là Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh chủ trì triển khai thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trong toàn tỉnh.
Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về sự cần thiết của phân loại rác thải tại nguồn, hình thành thói quen phân loại rác và biến rác thải thành nguồn tài nguyên. Thường xuyên biểu dương khen thưởng những tập thể, cá nhân làm tốt. Tiếp tục tuyên truyền, vận động những hộ dân chưa mua thùng đựng rác bổ sung mua, bảo đảm 100% các tuyến đường được trang bị thùng đựng rác và 100% hộ dân phân loại rác thải tại nguồn.
Tỉnh phấn đấu đến năm 2030, đảm bảo 100% chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên địa bàn được thu gom, xử lý đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường; đến năm 2050 đảm bảo 100% các loại chất thải rắn phát sinh đều được thu gom, tái sử dụng, tái chế và xử lý bằng những công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường.