Đoàn công tác của Văn phòng Chính phủ do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn làm Trưởng đoàn vừa làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Nam Định về tình hình, giải pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng và xuất nhập khẩu.
Ông Phạm Đình Nghị, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Nam Định cho biết, trong 4 tháng đầu năm 2023, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục ổn định và có bước phát triển. Một số chỉ tiêu kinh tế tăng trưởng khá so cùng kỳ năm 2022.
Cụ thể, Nam Định có chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 12%; tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ tăng 13,8%; tổng nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn ước tăng 8,5%.
Tổng kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước năm 2023 của tỉnh Nam Định là hơn 8.567 tỷ đồng, số vốn giải ngân đến hết tháng 4/2023 hơn 1.851 tỷ đồng (đạt 21,6% kế hoạch). Trong đó, vốn ngân sách Trung ương đã giải ngân 97,6 tỷ đồng (đạt 4% kế hoạch), vốn ngân sách địa phương đã giải ngân gần 1.754 tỷ đồng (đạt 28,5% kế hoạch).
Hiện, việc giải ngân vốn đầu tư công và thực hiện dự án đầu tư, xây dựng trên địa bàn tỉnh gặp một số khó khăn do vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, thiếu nguồn vật liệu san lấp, năng lực của một số chủ đầu tư còn hạn chế...
Từ thực tế trên, Nam Định đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương phân cấp cho Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định chủ trương đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp dưới 300ha theo quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Tỉnh cũng kiến nghị Trung ương phân cấp hoặc ủy quyền cho Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trong việc cấp thủ tục xuất xứ hàng hóa. Nghiên cứu, xem xét sớm cho phép sử dụng cát biển phục vụ san lấp các công trình giao thông để khắc phục tình trạng khan hiếm vật liệu. Kéo dài thời gian giải ngân nguồn vốn thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2024 do các dự án phải triển khai nhiều thủ tục, cần nhiều thời gian.
Theo quy hoạch tỉnh Nam Định thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, chỉ tiêu đất phi nông nghiệp của tỉnh là 64.134ha, rất thấp so nhu cầu phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ. Do đó, Nam Định đề nghị Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành xem xét, tăng chỉ tiêu chuyển mục đích sử dụng đất lúa sang đất phi nông nghiệp.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cho rằng, tỉnh Nam Định cần khắc phục khó khăn, đẩy nhanh tiến độ các dự án giao thông trọng điểm nhằm tạo tiền đề thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và vùng đồng bằng sông Hồng.
Bên cạnh đó, cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đặc biệt phải cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh để đón nhà đầu tư lớn, sử dụng công nghệ cao; sớm hoàn thiện quy hoạch tỉnh; phối hợp Bộ Công Thương và các đơn vị liên quan tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho ngành dệt may; đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công...
Thuý Vi