Nam Định có nhiều lợi thế để phát triển hệ thống giao thông đồng bộ, hiện đại khi sở hữu hệ thống giao thông đa dạng, có tính liên hoàn, kết nối nhiều hình thức vận tải, gồm đường bộ, đường thủy nội địa, đường biển, đường sắt quốc gia chạy qua địa bàn, rất thuận lợi phát triển giao thương. 

Hạ tầng giao thông hiện đại được xác định là một trong 3 khâu đột phá chiến lược của tỉnh Nam Định. Đồng chí Phạm Gia Túc, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nam Định cho biết, Quy hoạch tỉnh Nam Định thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định "tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp nhiều tuyến giao thông huyết mạch quan trọng kết nối trung tâm vùng, trọng điểm" để tạo đà cho Nam Định cất cánh trở thành một trong những tỉnh phát triển khá của cả nước vào năm 2030.

Bởi vậy, việc đưa vào sử dụng các dự án giao thông huyết mạch được đánh giá có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với tỉnh Nam Ðịnh, tăng tính kết nối các vùng kinh tế trong tỉnh và với địa phương trong khu vực. 

W-Namdinh1.png
Hạ tầng giao thông hiện đại được xác định là một trong 3 khâu đột phá chiến lược của tỉnh Nam Định

Với quyết tâm tháo, tháo gỡ những "điểm nghẽn" trong hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông để gia tăng thu hút đầu tư, phát triển kinh tế-xã hội, tỉnh đã hoàn thành và đưa vào khai thác sử dụng tuyến đường bộ ven biển đoạn qua tỉnh Nam Định từ ngày 30/6/2024. Hoàn thành công tác công tác giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ thi công giai đoạn II dự án Xây dựng tuyến đường trục phát triển nối vùng kinh tế biển tỉnh Nam Định với đường cao tốc cầu Giẽ - Ninh Bình (Tỉnh lộ 490). Hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng các dự án tuyến đường dây 500 Kv trên địa bàn tỉnh theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Nam Định cũng đã hoàn thành, đưa vào sử dụng một số công trình trọng điểm kết nối liên tỉnh, liên vùng, như: Tuyến đường bộ ven biển đoạn qua tỉnh Nam Định; đường trục phát triển nối vùng kinh tế biển tỉnh Nam Định với đường cao tốc cầu Giẽ-Ninh Bình (giai đoạn I); cụm công trình kênh Nghĩa Hưng (Đáy-Ninh Cơ); Tỉnh lộ 487B, 488C...

W-Namdinh3.png
Hiện đại hóa mạng lưới giao thông nhằm tạo bước phát triển đột phá về kinh tế-xã hội cho tỉnh.

Để tiếp tục hiện đại hóa mạng lưới giao thông, tạo bước phát triển đột phá về kinh tế-xã hội, Nam Định đang tập trung mọi nguồn lực thực hiện hiệu quả Giai đoạn II dự án xây dựng tuyến đường trục phát triển nối vùng kinh tế biển tỉnh Nam Định với đường cao tốc cầu Giẽ-Ninh Bình; tuyến đường bộ mới Nam Định-Lạc Quần-đường bộ ven biển (với chiều dài toàn tuyến là 33km, có 8 làn xe, tổng vốn đầu tư gần 9.000 tỷ đồng bằng nguồn ngân sách của tỉnh, dự kiến hoàn thành vào tháng 8/2025); xây dựng cầu vượt sông Đáy nối tỉnh Nam Định và Ninh Bình (thuộc tuyến cao tốc Ninh Bình-Nam Định-Thái Bình-Hải Phòng)...

Tại buổi làm việc với Đoàn công tác của Thành viên Chính phủ do Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Trần Văn Sơn làm trưởng đoàn hồi tháng 6 vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Phạm Đình Nghị đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương sớm phê duyệt khung chính sách giải phóng mặt bằng các dự án; cải cách thủ tục hành chính trong đầu tư công. Hỗ trợ thúc đẩy thu hút và triển khai các dự án đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh; hỗ trợ trong thực hiện quy định về bảo đảm quỹ đất lúa theo hướng linh hoạt hơn để gia tăng năng lực phát triển kinh tế công nghiệp. 

Đồng thời ưu tiên thúc đẩy đầu tư để kết nối đưa vào sử dụng hệ thống cầu hai tỉnh Ninh Bình, Thái Bình bảo đảm tính liên thông kết nối giao thông vùng Đồng bằng sông Hồng, phát huy hiệu quả sử dụng của tuyến đường bộ ven biển tỉnh Nam Định. Cho phép UBND tỉnh Nam Định lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án Xây dựng tuyến đường cao tốc Hà Nam - Nam Định (CT.11), giai đoạn 1 từ thành phố Phủ Lý đến thành phố Nam Định...

W-Namdinh2.png
Nam Định quyết liệt tháo gỡ nhanh điểm nghẽn về hạ tầng kết nối liên vùng 

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Trần Văn Sơn đánh giá cao những kết quả tích cực đạt được trên các mặt kinh tế - xã hội của Nam Định. Chia sẻ với những khó khăn, vướng mắc của Nam Định, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP đề nghị tỉnh Nam Định đặc biệt tập trung hơn nữa để đẩy nhanh tốc độ triển khai các dự án giao thông trọng điểm, trong đó đặc biệt quan tâm đến dự án đường cao tốc Ninh Bình – Nam Định – Thái Bình – Hải Phòng.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Trần Văn Sơn lưu ý, Nam Định cần phối hợp chặt chẽ với Bộ GTVT để sớm đầu tư cao tốc Nam Định (Nam Định) - Phủ Lý (Hà Nam), khi được cấp có thẩm quyền cho phép.

Các dự án quan trọng này hoàn thành và đi vào khai thác sẽ khắc phục được điểm yếu cốt lõi về giao thông, kết nối của tỉnh Nam Định trong suốt 2 thập kỷ vừa qua (đây cũng là điểm nghẽn là nguyên nhân làm Nam Định mất đi vị thế đã từng là trung tâm sản xuất công nghiệp lớn của cả nước).

Bên cạnh đó, tỉnh cần quyết liệt tháo gỡ nhanh điểm nghẽn về hạ tầng kết nối liên vùng làm giảm lợi thế cạnh tranh của tỉnh; đồng thời phát huy lợi thế về nhân lực và vị trí ven biển. Hiện nay các tuyến hành lang ven biển Quảng Ninh - Hải Phòng - Thái Bình - Nam Định - Ninh Bình và tuyến cao tốc Quảng Ninh - Hải Phòng - Thái Bình - Nam Định, nối Nam Định - Ninh Bình đang được đầu tư, đẩy nhanh xây dựng.

Sau khi hoàn thành, tuyến đường ven biển đặc biệt quan trọng này sẽ thúc đẩy liên kết vùng, tạo động lực mạnh mẽ, nâng cao sức cạnh tranh, mở ra không gian phát triển mới về phía Đông Nam cho Nam Định và các địa phương; đây là cơ hội rất lớn để thu hút đầu tư vào các Khu Kinh tế, Khu Công nghiệp ven biển.