Theo UBND tỉnh Nam Định, tỉnh có hệ thống giao thông thuận tiện cho việc cơ động lực lượng, phương tiện để ứng phó khi có sự cố tràn dầu, chất thải và hóa chất xảy ra.
Thời gian qua, thực hiện nhiệm vụ công tác ứng phó với sự cố tràn dầu, chất thải và hóa chất, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành chức năng chủ động công tác ứng phó khắc phục hậu quả thiên tai, tìm kiếm cứu nạn nói chung và sự cố tràn dầu, chất thải và hóa chất.
Đồng thời, duy trì nghiêm chế độ trực cứu hộ, cứu nạn, phối hợp kịp thời nắm bắt thông tin về cứu hộ, cứu nạn trên địa bàn. Ngoài ra, tỉnh chủ động củng cố, bổ sung nâng cấp hệ thống thông tin liên lạc, chỉ huy hiệp đồng, thông tin, thông báo từ tỉnh đến các địa phương. Vì thế trên địa bàn tỉnh và khu vực biên giới biển không xảy ra sự cố tràn dầu, chất thải và hóa chất. Tỉnh đặc biệt quan tâm đến công tác phòng ngừa, ứng phó sự cố tràn dầu, chất thải và hóa chất và xác định đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng của địa phương.
Năm 2023, tỉnh đã xây dựng đầy đủ các kế hoạch, phương án ứng phó với sự cố; làm tốt công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của doanh nghiệp về công tác ứng phó sự cố tràn dầu, chất thải và hóa chất rất tốt; trang thiết bị chuyên dụng ứng phó với sự cố được đầu tư tốt.
Để chủ động hơn nữa trong việc ứng phó sự cố tràn dầu, chất thải và hoá chất, đối với các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp kinh doanh, vận chuyển, sử dụng xăng dầu hoặc có các hoạt động liên quan đến xăng dầu, UBND tỉnh Nam Định đã yêu cầu các doanh nghiệp cần nâng cao trách nhiệm, có phương án đảm bảo an toàn, không để xảy ra sự cố, khi có sự cố xảy ra phải chủ động khắc phục với nỗ lực cao nhất.
Về phía các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, xác định được tầm quan trọng trong công tác bảo vệ môi trường tại đơn vị, hằng năm, các doanh nghiệp xây dựng phương án, kế hoạch đảm bảo an toàn, không để xảy ra sự cố.
Đơn cử như Đội quản lý vận hành lưới điện cao thế (PC Nam Định) đã và đang nỗ lực nâng cao việc triển khai công tác bảo vệ môi trường tại 16 trạm biến áp 110kV và 24 tuyến đường dây với tổng chiều dài là 324km trên địa bàn toàn tỉnh Nam Định.
Theo đó, Đội xây dựng kế hoạch định kỳ thực hiện kiểm tra tại 16 Trạm biến áp 110kV đã có kho lưu trữ tạm thời các chất thải nguy hại, với công cụ, dụng cụ được trang bị đầy đủ để tại kho như: Các biển cảnh báo, giá để chất thải nguy hại tạm thời, các phương tiện phòng cháy chữa cháy... Đồng thời bố trí nơi để chứa và thu gom các chất thải nguy hại theo quy định trước khi bàn giao cho đơn vị chuyên môn thực hiện xử lý như: Giẻ lau nhiễm dầu, bóng đèn tuýp, ắc quy… định kỳ đăng ký thu gom giao nộp và thực hiện theo dõi, cập nhật trên sổ theo dõi đối với những vật tư, thiết bị thuộc diện chất thải nguy hại.
Ngoài ra, đơn vị còn chủ động phối hợp với các phòng ban chức năng của Công ty và các đơn vị chuyên môn được Công ty ký kết hợp tác trong việc triển khai kế hoạch quan trắc môi trường lao động hàng năm theo quy định; kiểm soát nước thải trước khi xả ra môi trường, chủ động liên hệ với chính quyền địa phương để báo cáo, trao đổi, cung cấp thông tin kịp thời về tình hình thực hiện công tác bảo vệ môi trường đối với các trạm biến áp 110kV trên địa bàn toàn tỉnh.
UBND tỉnh Nam Định cho biết, hằng năm, tỉnh phối hợp với các cơ quan chức năng và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tổ chức diễn tập ứng phó sự cố tràn dầu trên cửa sông và vùng nước cảng nhằm nâng cao năng lực chỉ đạo, điều hành, phối hợp thực hiện nhiệm vụ của các lực lượng tham gia ứng phó sự cố; xây dựng kế hoạch, chuẩn bị lực lượng, phương tiện kỹ thuật; phối hợp, hiệp đồng giữa các lực lượng chặt chẽ, nhịp nhàng để phòng ngừa, ứng phó hiệu quả khi có sự cố tràn dầu xảy ra với phương châm “4 tại chỗ”
Nhờ làm tốt công tác chỉ đạo điều hành và nghiêm túc thực hiện của các địa phương, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất mà tỉnh đã giảm thiểu tối đa thiệt hại về người và tài sản do sự cố gây ra.