Phát triển du lịch nông thôn là một trong những giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm của Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025.
Việc phát triển du lịch nông thôn gắn với nông thôn mới được xem là giải pháp tối ưu, mang lại lợi ích kép. Theo đó, phát triển du lịch nông thôn sẽ là đòn bẩy để hoàn thành các tiêu chí quan trọng trong xây dựng nông thôn mới như thu nhập, lao động, môi trường…
Nam Đàn không chỉ được biết đến là quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh mà còn nổi tiếng với nhiều địa điểm du lịch thú vị. Cùng với dòng chảy thời gian của dân tộc đã bồi đắp cho Nam Đàn một hệ thống di tích lịch sử văn hóa đậm đặc với 173 di tích, trong đó có 4 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 12 di tích cấp quốc gia, 26 di tích cấp tỉnh.
Bên cạnh đó, Nam Đàn cũng có các di sản văn hóa phi vật thể như: Hát ví phường vải, ví đò đưa sông Lam, lễ hội truyền thống, phong tục tập quán các làng quê… giúp cho huyện thuận lợi trong phát triển du lịch.
Năm 2017, sau khi đạt chuẩn huyện nông thôn mới, Nam Đàn được Chính phủ chọn thí điểm xây dựng huyện nông thôn mới kiểu mẫu theo hướng phát triển văn hóa gắn với du lịch.
Để thực hiện thắng lợi mục tiêu trên, ngoài việc ban hành các nghị quyết, đề án về phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị vững mạnh, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã ban hành Nghị quyết số 05-NQ/HU về phát triển du lịch huyện Nam Đàn giai đoạn 2021 - 2025, có tính đến năm 2030. Trong đó mục tiêu được xác định là tạo bước đột phá, phát triển toàn diện du lịch của huyện cả về phạm vi, quy mô, hình thức và chất lượng dịch vụ, đảm bảo tính bền vững.
Phấn đấu đến năm 2030, du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn của huyện, có tỷ trọng, tốc độ, chất lượng tăng trưởng cao, có tính chuyên nghiệp; hệ thống cơ sở vật chất phục vụ du lịch tương đối đồng bộ, hiện đại; sản phẩm du lịch phong phú, đa dạng, chất lượng cao, có thương hiệu, uy tín và có sức cạnh tranh cao. Tạo động lực để đưa Nam Đàn trở thành huyện nông thôn mới kiểu mẫu của cả nước theo hướng phát triển văn hóa gắn với du lịch.
Theo đó, cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; vận động và sử dụng tốt nguồn lực từ cấp trên, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm và đóng góp của nhân dân.
Đồng thời làm tốt công tác quán triệt, tuyên truyền, giáo dục để cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân nhận thức rõ mục tiêu phát triển du lịch, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của huyện.
Đặc biệt, huyện Nam Đàn cũng tích cực đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch nhằm giới thiệu hình ảnh Nam Đàn đến với du khách trong và ngoài nước.
Thực hiện tốt quy hoạch không gian, hạ tầng du lịch; quy hoạch phát triển du lịch của huyện trên cơ sở gắn kết các vùng, điểm du lịch, tuyến du lịch nội huyện cũng như kết nối với các địa phương trong và ngoài tỉnh.
Bên cạnh đó, huyện tăng cường kêu gọi, huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng hạ tầng phục vụ phát triển du lịch, trực tiếp làm việc với các doanh nghiệp thống nhất chủ trương đầu tư xây dựng khu dịch vụ du lịch tại xã Kim Liên; xây dựng thác 9 tầng tại quần thể khu mộ Bà Hoàng Thị Loan xã Nam Giang; xây dựng các công trình phục vụ du lịch tại khu vực núi Chung gắn với Đền Chung Sơn, xã Kim Liên...
Chỉ đạo các xã xây dựng và phát triển các mô hình sản xuất chuyên canh, sản xuất theo chuỗi gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm; sản xuất các sản phẩm hàng hóa có giá trị cao, có uy tín và thương hiệu phục vụ du lịch.
Đến nay, toàn huyện có 5 mô hình kinh tế trang trại kết hợp du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm, homestay tại các xã Nam Giang, Nam Anh, Nam Nghĩa, Kim Liên, Nam Cát.
Có 73 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 3 sao trở lên. Một số sản phẩm OCOP có thế mạnh ở địa phương như sen, sắn dây, trà thảo mộc, chanh, miến gạo, tương... đã trở thành sản phẩm chủ lực phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân và khách du lịch.
Hạ tầng giao thông, hạ tầng du lịch, hạ tầng văn hóa được đầu tư xây dựng theo hướng đồng bộ, hiện đại. Ưu tiên các công trình, dự án trọng điểm về văn hóa gắn với du lịch.
Tỷ lệ đường huyện, đường xã đạt chuẩn là 100%; tỷ lệ đường trục xóm, ngõ xóm đạt chuẩn 98%. Hoàn thiện các hạng mục công trình tại Trung tâm Văn hóa thể thao & truyền thông huyện đạt chuẩn; 100% số xã có trung tâm văn hóa thể thao đạt chuẩn.
Đầu tư xây dựng và hoàn thiện một số công trình hạ tầng kết nối du lịch như cảnh quan tuyến đường vào quê nội, quê ngoại Bác Hồ, đường giao thông kết nối các di tích, các điểm di tích lịch sử văn hóa gắn với du lịch trên địa bàn huyện.
Chú trọng xây dựng các xóm, khối đạt tiêu chí sáng - xanh - sạch - đẹp; xây dựng khu dân cư kiểu mẫu; xây dựng vườn mẫu, vườn chuẩn nông thôn mới. Đến nay, toàn huyện có 9 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, trong đó có 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.
Những kết quả đạt được trong thời gian qua tại Nam Đàn đã khẳng định cách làm hiệu quả, sớm đưa huyện trở thành huyện nông thôn mới kiểu mẫu theo hướng phát triển văn hóa gắn với du lịch.