Dịp Quốc khánh 2/9 năm nay liền kề với cuối tuần nên hầu hết người lao động sẽ được nghỉ 4 ngày. Điều này khiến nhu cầu di chuyển, đi lại của nhiều gia đình tăng đột biến. Hành trình lái xe về quê, đi du lịch bằng ô tô lên đến vài trăm km luôn đòi hỏi chiếc xe phải ở trong tình trạng kỹ thuật tốt.
Theo các kỹ sư ô tô, dù đang sở hữu một chiếc ô tô đời mới hay "xe cỏ" đã cũ thì trước mỗi chuyến đi dài, chủ xe nên bỏ ra chút thời gian để "soi" một số hạng mục quan trọng, liên quan trực tiếp đến an toàn. Điều này nhằm giúp chiếc xe vận hành trơn tru, tránh những rủi ro không đáng có.
Dưới đây là 5 vị trí trên ô tô mà chủ xe cần đặc biệt chú ý quan sát, kiểm tra trước những chuyến đi dài ngày:
1. Nước làm mát
Một chiếc xe ô tô không thể hoạt động một cách ổn định và bền bỉ nếu như thiếu nước làm mát. Khi xe hoạt động, nhiệt độ từ động cơ của xe sinh ra rất lớn. Nếu không có dung dịch nước làm mát, các chi tiết kim loại ở bên trong động cơ sẽ giãn nở gây hại cho xe.
Đặc biệt, với những dòng xe cũ đã dùng trên dưới 10 năm, những bộ phận của hệ thống làm mát như bình nước, bơm nước, dây dẫn,... ít nhiều sẽ bị xuống cấp. Nếu không may hệ thống này bị trục trặc hoặc rò rỉ, hết nước làm mát còn gây ra nóng máy, quá nhiệt, bó máy,... rất nguy hiểm khi đi đường dài.
Vì vậy, hệ thống làm mát nói chung và nước làm mát nói riêng cần được kiểm tra trước chuyến đi xa. Nếu nước làm mát bị hao (dưới vạch MIN in trên bình nước phụ), cần bổ sung ngay bằng loại nước chuyên dụng. Ngoài ra, cần xem xét kỹ việc rò rỉ nước có nguyên nhân từ đâu, có nghiêm trọng không và nếu quá hao nước, cần xử lý dứt điểm để tránh cảnh "nằm đường" trong những ngày nghỉ lễ.
2. Lốp xe
Lốp xe đóng vai trò rất quan trọng trong vận hành, đồng thời cũng gây ra mất an toàn và đem lại không ít rắc rối nếu không may có vấn đề. Do đó trước mỗi chuyến đi, cần chú ý quan sát tình trạng lốp và kịp thời xử lý nếu có vấn đề. Những tài xế có kinh nghiệm bằng mắt thường cũng có thể nhận ra tình trạng hoặc các vấn đề của lốp.
Nếu phát hiện lốp non hơi, có đinh găm vào,… tài xế cần kịp thời bổ sung hơi ngay bằng bơm mini hoặc đến gara gần nhất để xử lý triệt để trước khi ra đường trường. Một kinh nghiệm được các chuyên gia khuyên là nếu phát hiện có đinh, đừng vội nhổ ra vì điều đó sẽ làm cho lốp xe xẹp nhanh hơn.
Với một bộ lốp đã quá mòn hoặc sử dụng trên 7 năm, đừng tiếc tiền thay những chiếc lốp mới để an tâm hơn với hành trình của mình.
3. Nước rửa kính, cần gạt mưa
Đây là những bộ phận không mấy liên quan đến khả năng vận hành của chiếc xe, tuy nhiên nếu hết nước rửa hoặc lưỡi gạt bị mòn lại rất phiền khi đang đi đường dài gặp mưa, dính bụi,... ảnh hưởng lớn đến tầm quan sát và an toàn.
Để yên tâm trước mỗi chuyến đi dài ngày, chúng ta nên mở nắp bình chứa và bổ sung một lượng kha khá nước rửa kính, đồng thời vệ sinh kính lái và kiểm tra tình trạng của cần gạt mưa.
Các chuyên gia khuyên rằng, nên chọn loại nước rửa kính chuyên dụng để đạt hiệu quả tốt nhất, giữ bền cho bề mặt kính cũng như lưỡi gạt mưa. Không nên sử dụng nước lã, nước khoáng vì dễ làm đóng cặn, hư hỏng hệ thống ống dẫn.
4. Hệ thống phanh
Thông thường, chủ xe chỉ đưa đi kiểm tra phanh xe (thắng) khi bộ phận này đã có vấn đề. Các chuyên gia khuyên rằng, trước những chuyến đi dài như đợt nghỉ lễ 2/9 sắp tới, chủ xe nên đưa xe đi kiểm tra hệ thống phanh để đảm bảo không gặp phải rủi ro đáng tiếc khi vận hành xe ô tô, nhất là khi đi những cung đường đèo dốc, sử dụng nhiều đến phanh.
Tại các gara, thợ kỹ thuật sẽ tiến hành tháo bánh xe, sau đó tháo phanh xe để kiểm tra bố, kiểm tra dầu. Cuối cùng là vệ sinh bố phanh nếu bị bẩn do bụi bám vào, tra mỡ ắc thắng rồi ráp lại như ban đầu. Đồng thời thay má phanh mới nếu chúng bị quá mòn.
Đối với phanh đĩa, sau một thời gian sử dụng, dưới sự tác động của việc phanh cùng môi trường bên ngoài như đất, đá, nhiệt độ,... có thể gây cong vênh đĩa phanh, làm đĩa phanh bị gồ ghề hay độ dày không đồng nhất. Trong những trường hợp đó, láng đĩa phanh được coi là biện pháp hiệu quả nhất để giải quyết vấn đề về phanh.
5. Bu-gi, kim phun, họng hút, lọc gió
Các bộ phận kim phun, họng hút, bu-gi, dây cao áp,... ảnh hưởng trực tiếp tới khả năng vận hành cũng như hiệu suất của động cơ ô tô. Những bộ phận này hoạt động tốt sẽ giúp tối ưu hoá công suất, tiết kiệm nhiên liệu, khiến chiếc xe di chuyển êm ái, trơn tru.
Còn lọc gió động cơ ô tô là lọc sạch bụi bẩn trong không khí trước khi đưa vào buồng đốt. Do đó sau một thời gian dài làm việc, bộ phận này thường bị bám rất nhiều bụi bẩn. Nếu không được vệ sinh hay thay thế định kỳ, không khí sẽ khó đi vào buồng đốt, khiến hiệu suất động cơ kém, xe bị nóng máy, xe tăng tốc yếu, hao xăng,…
Với những xe đã sử dụng nhiều năm, kim phun, họng hút, bu-gi, lọc gió,... thường bị bám bẩn dẫn đến tắc, nghẹt, do vậy, rất cần để ý đến những bộ phận này. Nếu xe của bạn đã lâu chưa vệ sinh những bộ phận này, nên mang đến gara để xúc rửa, vệ sinh với chi phí khoảng 300-500 nghìn đồng.
Bạn nghĩ sao về những kinh nghiệm trên? Hãy để lại ý kiến dưới phần bình luận. Trân trọng mời bạn đọc gửi tin bài, video, hình ảnh về Ban Ô tô - xe máy, báo VietNamNet qua email: [email protected]. Những nội dung phù hợp sẽ được đăng tải, xin trân trọng cảm ơn!