Tại không gian nghệ thuật Artistay đang diễn ra triển lãm Hoa rắn của họa sĩ Đinh Hữu Việt. 

tranh5.jpg
Theo Đinh Hữu Việt, con vật nào cũng có nét đẹp - xấu riêng, quan trọng là hoạ sĩ biến hình nó như thế nào trên toan để thành tác phẩm nghệ thuật.

Từ khi còn là thiếu niên, Đinh Hữu Việt đã theo học hoạ sĩ Đinh Quân - một gương mặt nổi bật của bộ môn sơn mài Việt Nam đương đại. Sau đó, ông học và tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Công nghiệp, bắt đầu con đường sáng tác riêng.

20 năm nghiên cứu và tìm tòi trên sơn mài đưa Đinh Hữu Việt đến Hoa rắn. Đó là nỗ lực phá cách về cả chủ đề lẫn chất liệu sáng tác. Với chất liệu, Đinh Hữu Việt thử nghiệm và làm chủ kỹ thuật sơn mài trên giấy. Với chủ đề, họa sĩ biến hình tượng rắn - một hình ảnh mang nhiều tính thiêng trong văn hóa Việt, trở thành một chất liệu tạo hình để truyền tải sự lạc quan và dịu dàng của mùa xuân.

tranh6.jpg
Vẽ sơn mài trên giấy giúp hoạ sĩ Đinh Hữu Việt liền mạch cảm xúc hơn khi truyền tải vào tác phẩm.

Trong 30 tác phẩm, họa sĩ Đinh Hữu Việt đã dùng rắn như một chất liệu tạo hình, bỏ qua cả đặc tính tự nhiên và đặc tính tâm linh truyền thống của loài vật này. Rắn hồng, rắn xanh, rắn đỏ, rắn vàng... Rắn là hoa, là nguyệt, là đôi lứa, là mùa xuân. Rắn trở thành những đường nét truyền tải cảm xúc lạc quan của người nghệ sĩ và vẻ đẹp của nghệ thuật sơn mài.

Trả lời thắc mắc của PV VietNamNet về việc tranh rắn rất khó bán, vì quan niệm của người Việt Nam rắn là loài "có độc", rất ít khi treo loại tranh này trong nhà? Hoạ sĩ khẳng định mình không vẽ để bán. 

"Nếu cứ nghĩ vẽ tranh để bán thì không vẽ nổi. Hoạ sĩ tạo ra tác phẩm nghệ thuật cần xuất phát từ đam mê, yêu thích và cảm xúc chứ không phải vì mục đích thương mại. Một tác phẩm đẹp sẽ tự thu hút người mua, việc bán được bao nhiêu tiền không phải là yếu tố quyết định, sự đam mê là nguồn sống và động lực để hoạ sĩ tiếp tục sáng tạo", Đinh Hữu Việt bày tỏ.

Nói về sơn mài trên giấy, Đinh Hữu Việt cho rằng nó thể hiện cảm xúc liền mạch của hoạ sĩ mà vẫn giữ được tinh túy không thể nhầm lẫn của nghệ thuật sơn mài, nơi các tầng màu sau khi mài tạo ra một chiều sâu không gian. 

“Mặt giấy giúp tôi tìm tòi được nhiều hơn với chất liệu sơn, bằng sự chìm đắm liên tục không gián đoạn. Có những ngày tôi đã ngồi liên tục cùng bức vẽ và cây cọ từ sáng hôm trước đến sáng hôm sau, điều mà sơn mài trên vóc không cho phép”, Đinh Hữu Việt nói.

Một số tác phẩm trong "Hoa rắn" của hoạ sĩ Đinh Hữu Việt:

tranh9.jpg
tranh8.jpg
tranh1.jpg
tranh3.jpg
tranh2.jpg
tranh7.jpg
tranh4.jpg