Đó là nội dung đáng chú ý tại Nghị quyết số 138/NQ-CP về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, vừa được Chính phủ ban hành.

Theo nội dung quy hoạch, phấn đấu đến năm 2030, Việt Nam là nước đang phát triển có nền công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; mô hình tổ chức không gian phát triển quốc gia hiệu quả, thống nhất, bền vững, hình thành được các vùng, trung tâm kinh tế, đô thị động lực, có mạng lưới kết cấu hạ tầng cơ bản đồng bộ, hiện đại,...

Bên cạnh đó, phấn đấu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) bình quân đạt khoảng 7%/năm giai đoạn 2021-2030, trong đó vùng Đông Nam Bộ, vùng Đồng bằng sông Hồng tăng khoảng 8-8,5%/năm.

Đến năm 2030, GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt khoảng 7.500 USD. Thực hiện chuyển đổi số quốc gia, phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số; tỷ trọng kinh tế số đạt khoảng 30% GDP.

Phấn đấu đến năm 2030, Việt Nam là nước đang phát triển có nền công nghiệp hiện đại. Ảnh Hoàng Hà.

Theo quy hoạch, tầm nhìn đến năm 2050, Việt Nam sẽ trở thành nước phát triển, thu nhập cao, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại. Các vùng phát triển hài hoà, bền vững, khai thác hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh.

Giai đoạn 2031-2050, Việt Nam phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP khoảng 6,5-7,5%/năm. GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đến năm 2050 đạt khoảng 27.000-32.000 USD. 

TS. Nguyễn Thường Lạng, Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội, cho rằng, những mục tiêu Chính phủ đặt ra hoàn toàn có cơ sở. Một trong những động lực tạo nên sự phát triển này chính là lực lượng hơn 50 triệu lao động trẻ, năng động và ngày càng am hiểu công nghệ. Ngoài ra, Việt Nam liên tục là một trong những quốc gia thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) hàng đầu châu Á. Cùng với vị trí địa lý thuận lợi, cơ hội tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn tới của Việt Nam rất lớn.

Báo cáo Triển vọng kinh tế châu Á của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) công bố hồi giữa tháng này cũng dự báo, tăng trưởng GDP thực của Việt Nam đạt 7%, đứng đầu nhóm ASEAN-5. Trong khi đó, tăng trưởng của cả châu Á dự kiến là 4% trong năm 2022.

Hồi tháng 4/2022, tổ chức này cũng nhận định, quy mô nền kinh tế Việt Nam sẽ vươn lên đứng thứ 3 khu vực Đông Nam Á vào năm 2025, với GDP 571,1 tỷ USD, xếp sau Indonesia 1.628,9 tỷ USD và Thái Lan 632,4 tỷ USD. Đến năm 2027, GDP của Thái Lan và Việt Nam sẽ ngang ngửa nhau ở mức khoảng hơn 690 tỷ USD. Sau năm 2028, nhiều khả năng kinh tế Việt Nam sẽ chính thức vượt qua Thái Lan.

Dù vậy, nền kinh tế Việt Nam vẫn đang phải đối mặt nhiều thách thức. Đó là dân số già hóa nhanh, năng suất lao động còn thấp và phát triển chưa bền vững, môi trường kinh doanh, khuôn khổ pháp lý, vẫn còn nhiều bất ổn... 

Ngân hàng Thế giới khuyến nghị, để đạt được viễn cảnh nêu trên và tạo nền tảng cho nền kinh tế thu nhập cao vào năm 2045, Việt Nam cần thay đổi mô hình phát triển dựa vào năng suất, kết hợp với đổi mới, sáng tạo và phát triển bền vững. Cải cách thể chế, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh và công bằng. Phân bổ hiệu quả các nguồn lực, thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển giao công nghệ và chú trọng đầu tư cho con người, nâng cao đời sống người dân.