Năm 2022, Cần Thơ thực hiện nhiều nhiệm vụ, dự án đô thị thông minh. (Ảnh: VNPT) |
Mục tiêu của Kế hoạch là Xây dựng Chính quyền điện tử hướng tới Chính quyền số nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước, phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn, đảm bảo người dân có thể tiếp cận, sử dụng dịch vụ mọi lúc, mọi nơi dựa trên nhiều phương tiện khác nhau, phù hợp với nhu cầu; sử dụng dữ liệu số và các công cụ phân tích thông minh để đưa ra chính sách chính xác, kịp thời; cung cấp dữ liệu mở có thể truy cập, sử dụng dễ dàng và bảo đảm an toàn thông tin mạng.
Kế hoạch đưa ra 6 nhiệm vụ và 3 giải pháp thực hiện, trong đó có xây dựng phần mềm nền tảng, điều hành cho Trung tâm điều hành đô thị thông minh; triển khai, khai thác các dịch vụ số mới, dịch vụ đô thị thông minh của cơ quan nhà nước có sự tham gia cung cấp của doanh nghiệp hoặc tổ chức ngoài nhà nước.
UBND tỉnh giao Sở Nội vụ Chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông trong lồng ghép đánh giá kết quả thực hiện các chỉ tiêu, ứng dụng CNTT trong thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính của cơ quan nhà nước thành phố trong xây dựng Chính quyền số, chuyển đổi số và phát triển đô thị thông minh; thực hiện các mục tiêu, các nhiệm vụ được phân công thực hiện tại phụ lục của Kế hoạch.
Trong phần phụ lục, nhiều nhiệm vụ, dự án liên quan đến đô thị thông minh cần thực hiện trong năm 2022. Đó là: Đầu tư Hệ thống quản lý giao thông thông minh (ITS) thành phố Cần Thơ GĐ1 (triển khai các hạng mục như Tủ tín hiệu, đèn tín hiệu, Camera quan sát CCTV, hệ thống dò xe VDS và Trung tâm điều khiển); Dự án y tế thông minh thuộc Đề án "Xây dựng thành phố Cần Thơ phát triển thành đô thị thông minh, giai đoạn 2016 – 2025”; Xây dựng Trụ sở và trang bị hệ thống phần mềm ứng dụng du lịch thông minh cho Trung tâm Phát triển Du lịch thành phố Cần Thơ; Xây dựng phần mềm nền tảng, điều hành cho Trung tâm điều hành đô thị thông minh; Xây dựng hạ tầng Trung tâm điều hành thông minh IOC; Tập huấn chuyên đề về đô thị thông minh.
Hải Lam