Viễn thông được xác định là mũi nhọn chủ lực của ngành CNTT - TT trong giai đoạn 2015 - 2020, với tốc độ tăng trưởng mục tiêu đạt 1,2 - 1,5 lần tốc độ tăng trưởng của GDP, và tổng doanh thu đạt từ 15-17 tỷ USD, chiếm khoảng 6-7% GDP.

{keywords}

Đại hội Đảng bộ Bộ TT&TT lần thứ IV, nhiệm kỳ 2015-2020.

Các chỉ tiêu này được công bố tại Đại hội Đảng bộ Bộ TT&TT lần thứ IV, nhiệm kỳ 2015-2020, diễn ra sáng nay (20/8/2015).

Trong những năm qua, viễn thông liên tục là điểm sáng khi đạt tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm từ 40-50%. Ước tính tổng doanh thu của các doanh nghiệp viễn thông năm 2014 đạt gần 305.000 tỷ đồng, nộp ngân sách ước đạt 26.000 tỷ đồng. Đây cũng là một trong những lĩnh vực có đóng góp nhiều nhất cho NSNN và là một trong những ngành hạ tầng cơ bản, hỗ trợ các ngành khác phát triển. Đặc biệt, đầu tư ra nước ngoài trong lĩnh vực viễn thông không ngừng được mở rộng. Các dịch vụ viễn thông của DN Việt đã có mặt tại 9 quốc gia thuộc 3 châu lục, với doanh thu đạt trên 20.000 tỷ đồng.

Để thúc đẩy viễn thông tiếp tục phát triển với tốc độ tăng trưởng cao trong nhiệm kỳ tiếp theo, Bộ TT&TT xác định sẽ chỉ đạo, tích cực triển khai thực hiện Luật Viễn thông, Luật Tần số vô tuyến điện, xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp với các cam kết, thông lệ quốc tế, tạo điều kiện cho hạ tầng, dịch vụ viễn thông phát triển trước xu hướng hội tụ, thúc đẩy cạnh tranh, hội nhập quốc tế.

Đồng thời, Bộ cũng chỉ đạo phát triển hạ tầng viễn thông đồng bộ, hiện đại, hiệu quả với chất lượng tốt, tốc độ cao, vùng phủ rộng; Thực hiện có hiệu quả lộ trình số hóa truyền dẫn, phát sóng, phát thanh, truyền hình; Chỉ đạo nâng cao hiệu lực, năng lực, hiệu quả quản lý hệ thống hạ tầng thông tin; Phát triển năng lực CNTT quốc gia để đáp ứng yêu cầu cung cấp, trao đổi thông tin của xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Đặc biệt, một trong những hoạt động chủ chốt, quyết định đến bức tranh thị trường viễn thông giai đoạn tới chính là tái cơ cấu các doanh nghiệp, mà VNPT và MobiFone chính là những doanh nghiệp tiêu biểu. Báo cáo Đại hội nêu rõ, việc tái cấu trúc doanh nghiệp sẽ tập trung vào các DNNN theo hướng chuyên môn hóa, chuyên nghiệp hóa, phù hợp với đặc thù ngành, phân định rõ hoạt động kinh doanh với hoạt động công ích, sử dụng hiệu quả cơ sở hạ tầng, nguồn lực và tài nguyên quốc gia.

Vào top 1/3 quốc gia sẵn sàng nhất về CPĐT

Ứng dụng CNTT cũng là một nội dung trọng điểm trong chương trình hành động của Đảng bộ Bộ TT&TT nhiệm kỳ mới. Trong đó, bên cạnh việc phát triển ngành CNTT thành một ngành kinh tế - kỹ thuật chủ lực, tăng trưởng nhanh và bền vững, ngành này còn phải "đi đầu, có vai trò dẫn dắt, tạo nền tảng cho quá trình chuyển sang kinh tế tri thức" của toàn xã hội.

{keywords}

Bí thư Đảng ủy, Thứ trưởng Trương Minh Tuấn phát biểu khai mạc Đại hội. Ảnh: L.Phương

Chúng ta cũng cần xây dựng được nhiều doanh nghiệp và tập đoàn CNTT của VN hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả, không chỉ làm chủ thị trường trong nước mà còn phải "toàn cầu hóa", vươn ra các thị trường quốc tế. Đồng thời sẽ chỉ đạo hình thành được các tổ chức nghiên cứu và phát triển CNTT - TT mạnh, đặc biệt là các tổ chức R&D của doanh nghiệp, đủ năng lực R&D sản phẩm mới có công nghệ cao.

Mục tiêu đặt ra là đến năm 2020, VN nằm trong nhóm 1/3 nước dẫn đầu trong Bảng xếp hạng của LHQ về mức độ sẵn sàng Chính phủ điện tử. Các dịch vụ công cơ bản được cung cấp trên mạng cho người dân và doanh nghiệp ở mức độ 4 (thanh toán phí dịch vụ, nhận kết quả dịch vụ qua mạng). 100% các ngành công nghiệp then chốt của đất nước, các doanh nghiệp và tổ chức xã hội ứng dụng CNTT trong quản lý, điều hành, SXKD.

Để làm được điều này, cần coi thúc đẩy phát triển và ứng dụng CNTT là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu trong lộ trình CNH - HĐH từng ngành, từng lĩnh vực, nhất là đẩy mạnh, khuyến khích cơ chế thuê dịch vụ CNTT trong cơ quan nhà nước và cung cấp dịch vụ công. Tích cực chỉ đạo tiếp tục triển khai thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 36 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển CNTT.

Phấn đến đến năm 2020: tỷ lệ đường dây thuê bao cố định đạt 20-25 đường/100 dân, tỷ lệ thuê bao Internet băng rộng cố định đạt 15-20 thuê bao/100 dân, tỷ lệ thuê bao băng rộng di động 35-40 thuê bao/100 dân, tỷ lệ người sử dụng Internet 55-60%, phủ sóng thông tin di động đến trên 95% dân số cả nước, các tuyến đường giao thông, quốc lộ, tỉnh lộ, các điểm trọng yếu kinh tế, quốc phòng, an ninh, 100% các xã có điểm cung cấp dịch vụ viễn thông công cộng được kết nối Internet băng rộng...

Bưu chính ngang tầm khu vực

Sau khi tách ra độc lập với VNPT, Bưu điện Việt Nam vẫn duy trì được hoạt động ổn định, không những vậy còn liên tục mở rộng, hình thành được một mạng lưới chuyển phát rộng khắp với đầy đủ các loại hình vận tải: đường hàng không, đường sắt, đường bộ. Toàn mạng hiện có hơn 12000 điểm phục vụ bưu chính, góp phần quan trọng vào việc cung cấp các dịch vụ bưu chính cơ bản, phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của Đảng, Nhà nước, sự phát triển kinh tế xã hội và nhu cầu thông tin của người dân. Sản lượng và doanh thu nhiều dịch vụ đều tăng trưởng qua từng năm, trong đó duy trì tăng trưởng dịch vụ lõi bình quân 22%/năm.

Trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, Ngành bưu chính cần tiếp tục phát triển hiện đại nhằm phục vụ phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh; Phấn đấu đến năm 2020 đưa năng suất, chất lượng lao động bưu chính VN đạt mức ngang bằng trình độ các nước tiên tiến trong khu vực.

Cụ thể, cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, phát huy mọi nguồn lực của đất nước để hiện đại hóa bưu chính, ưu tiên phát triển bưu chính đối với nông thôn, vùng sâu, vùng xa; Khai thác tối đa năng lực mạng lưới, tập trung phát triển các dịch vụ cơ bản, đồng thời phát triển các dịch vụ gia tăng, trên cơ sở nâng cao chất lượng dịch vụ, đẩy mạnh Ứng dụng CNTT trong quản lý, khai thác dịch vụ;  Tăng cường tiếp thu, chuyển giao công nghệ hiện đại, tiến tới làm chủ công nghệ, sản xuất các sản phẩm có chất lượng quốc tế...

T.Cầm