Giới trẻ thích gọi đồ ăn online ngày càng trở lên phổ biến. Ảnh ahamove.

Năm 2018, thị trường giao đồ ăn qua ứng dụng cực kỳ sôi động khi có sự nhập cuộc của siêu ứng dụng Grab. Theo ông Trường Bomi, CEO của Ahamove, dự báo về thị trường giao đồ ăn năm 2019 sẽ  thực chất  hơn và sẽ có sự tăng trưởng tốt. Bởi càng ngày việc sử dụng smartphone phổ biến hơn, thanh toán trực tuyến cũng tiện dụng hơn và người sử dụng có thể trả tiền qua ví điện tử tạo sự tiện lợi cho cả tài xế và người mua, nguồn cung là các nhà hàng sẽ tốt hơn lên sẽ kích thích thị trường.

Tại hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM giới trẻ đang có xu hướng không tiết kiệm để mua đồ ăn như: trà sữa và các món ăn vặt. Giới văn phòng bận rộn cũng sẵn sàng trả tiền để gọi đồ ăn về văn phòng thay vì mang đồ ăn theo hoặc ra ngoài ăn vào buổi trưa.

Hình ảnh đội ngũ tài xế Grab, Ahamove đứng xếp hàng tại các The Coffee House hoặc các nhà hàng để chờ nhận đồ ăn cho khách không còn là hình ảnh xa lạ ở Hà Nội và TP.HCM. Xu hướng mua hàng O2O (từ online đến offline) sẽ tăng trưởng mạnh ở các thành phố lớn.

Trong năm qua,  GrabFood, Airpay, Now đã đặt cược vào thị trường giao đồ ăn bằng việc đổ tiền khuyến mãi để thay đổi hành vi người dùng. Số lần người dùng đặt đơn ăn online sẽ tăng dần từ tháng đặt 1-2 lần, nâng lên 1 tuần 1-2 lần, và sẽ tiếp tục tăng lên mua nhiều hơn 1 – 2 lần 1 ngày trong tương lai. Giới trẻ bận rộn hơn, sống trên mạng xã hội nhiều hơn và họ muốn có sự tiện dụng và sẵn sàng trả thêm tiền để mua đồ ăn online. Thị phần của thị trường giao đồ ăn dù còn rất nhỏ nhưng tương lai của các ứng dụng giao đồ ăn sẽ tăng trưởng trong thời gian tới. Cuối năm 2018, các ứng dụng giao đồ ăn đã đồng loạt ra mắt dịch vụ túi giữ nhiệt để đảm bảo chất lượng đồ ăn.

Grab đã đổ tiền vào dịch vụ Grabfood trong năm 2018. ảnh theo Grab.

Theo kết quả nghiên cứu mới được GCOMM công bố, 6 ứng dụng đặt thức ăn trực tuyến được biết đến nhiều nhất ở thị trường Việt Nam gồm GrabFood, Foody/Now.vn, GoFood, Lala, Vietnammm và Lixi, theo thứ tự từ cao xuống thấp.

Đầu năm 2019, Lala đóng cửa sau 1 năm thử nghiệm vì đã nhìn thấy trước được không thể “đọ sức” với siêu ứng dụng Grab. Lala đã chuyển hướng sang cung cấp giải pháp quản lý bán hàng cho các nhà hàng. Ahamove cũng định vị là chuyên cung cấp giải pháp vận chuyển nhanh cho thương mại điện tử có thể hỗ trợ giao hàng nhanh nhất, dù chỉ là 1 đơn hàng lẻ cũng nhận giao.

Trong lĩnh vực giao đồ ăn, ứng dụng nào có tốc độ nhanh hơn sẽ thắng và như vậy hiện Grab được coi là ứng dụng số 1 về giao hàng tốc độ. Tuy nhiên, ứng dụng giao hàng tức thời Ahamove với đội ngũ tài xế khoảng hơn 60.000 người sẵn sàng kết nối với các ứng dụng chưa có nhiều người giao hàng. Ahamove sẽ giúp các ứng dụng giao hàng giải quyết khó khăn về tốc độ vận chuyển đồ ăn, việc còn lại là các nhà hàng phải làm hài lòng khách hàng ở chất lượng đồ ăn.

Nghiên cứu của GCOMM cho thấy, tần suất sử dụng các dịch vụ đặt món trực tuyến của người thành thị hiện khá cao, mở ra tiềm năng to lớn cho thị trường này tại Việt Nam trong thời gian tới.

Cụ thể, 99% người tham gia khảo sát cho biết sử dụng các dịch vụ đặt thức ăn trực tuyến ít nhất 2-3 lần/tháng. Đáng chú ý, có đến 39% người tham gia khảo sát đặt món thông qua ứng dụng 2-3 lần/tuần. Và dù còn chiếm tỷ lệ rất nhỏ, chỉ 1%, nhưng thị trường đã bắt đầu hình thành một nhóm khách hàng có thói quen hầu như bật ứng dụng trên điện thoại di động để đặt thức ăn mỗi ngày.

Cũng theo nghiên cứu mới được công bố, 5 tiêu chí quan trọng nhất được khách hàng xem xét khi quyết định lựa chọn dịch vụ đặt món, bao gồm: Tốc độ giao hàng nhanh chóng (65%); Món ăn được đóng gói gọn gàng, sạch sẽ (58%); Món ăn được giao đến với chất lượng đảm bảo (56%); Món ăn được giao chính xác theo đơn hàng đã đặt (50%); Có nhiều món ăn với giá cả phải chăng (45%). Trong các dịch vụ giao thức ăn hiện tại, GrabFood được đánh giá cao nhất về tốc độ với khoảng 80% khách hàng đánh giá là dịch vụ giao thức ăn “nhanh nhất Việt Nam”.