Nếu chỉ biết có vận mệnh “nhà ta”, thì vận mệnh Quốc gia sẽ ra sao?

Năm 2016 sắp kết thúc, để mở ra năm mới 2017. Đó là một năm diễn ra rất nhiều mốc sự kiện lẫn vụ việc lớn, quan trọng và nghiêm trọng, thu hút sự quan tâm lẫn day dứt của dư luận xã hội. Bởi cả sự kiện, lẫn vụ việc, cả đối nội lẫn đối ngọai đều liên quan đến vận nước- liên quan tới sự phát triển hoặc ngược lại, tụt hậu của quốc gia.

Cảnh báo hội chứng “củ khoai tây”

Ấn tượng nổi bật của năm này là hai sự kiện lớn, đánh dấu trang đời mới, thời cuộc mới của nước Việt.

Đại hội Đảng XII, với sự hiện diện tái đắc cử của Tổng BT Nguyễn Phú Trọng. Nhận rõ được những thách thức lớn mà tổ chức Đảng đang phải đối mặt- làm nên sức mạnh, hoặc… ngược lại, nếu không có sự ủng hộ của nhân dân, thay mặt cho tập thể lãnh đạo, người lãnh đạo cao nhất của Đảng đã gửi thông điệp tới cả dân tộc, gói gọn trong mấy chữ: Gần dân, trọng dân, vì dân, nói đi đôi với làm.

{keywords}
Người lãnh đạo cao nhất của Đảng đã gửi thông điệp tới cả dân tộc, gói gọn trong mấy chữ: Gần dân, trọng dân, vì dân, nói đi đôi với làm.

Tiếp đó, là sự ra mắt trước quốc dân đồng bào của Chính phủ mới, do ông Nguyễn Xuân Phúc làm Thủ tướng. Rất ý thức được trách nhiệm to lớn của CP mới, ý thức được những vấn nạn xã hội đang làm tổn thương sâu sắc lòng dân, người đứng đầu CP đã khẳng định và cam kết 06 điểm lớn, trong đó, đáng chú ý nhất- xây dựng một CP trong sạch, liêm chính, hiệu quả, nói không với tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, một CP làm gương cho XH về vấn đề nói đi đôi với làm.

Chỉ có 40 chữ, nhưng là một gánh nặng không hề nhẹ. Liệu những” công bộc” của dân có gánh trọn được không trên hành trình nhiệm kỳ 05 năm?

Có hai sự kiện đối nội lớn thì cũng có hai sự kiện đối ngoại lớn, liên quan đến đối ngoại. Nếu như một bên mở ra cơ hội thúc đẩy cho nước Việt hội nhập hơn với Hiệp định TPP, phản chiếu sinh động và cởi mở trong chuyến sang thăm Việt Nam của của TT Mỹ Obama, thì một bên, việc TT Mỹ mới đắc cử Donald Trump, một đại tỷ phú với tính cách khó đoán định kiên quyết rút Mỹ khỏi TPP, đã đặt Việt Nam trước những thách thức lớn chưa lường hết. Nhưng cho dù là cơ hội hay thách thức, thì cả hai điều thuận và nghịch đó đều đòi hỏi nội lực nước Việt phải đủ mạnh để tương thích. Sức mạnh nội lực đó đến chừng nào, vẫn phải trông ở thì… sắp tới.

Năm 2016 cũng là tròn 30 năm công cuộc Đổi mới trên khắp các lĩnh vực của đất nước. Từ kinh tế đến xã hội, văn hóa, giáo dục, y tế…., từ đối nội đến đối ngoại. Thành tựu hay khiếm khuyết, những hay dở, được mất của công cuộc này đã phản chiếu trong đời sống một đất nước với biết bao vui buồn. Diện mạo hiện đại hạ tầng cơ sở, mức sống khá hơn trước cùng những suy thoái văn hóa- đạo lý nhân sinh…

Có những sự kiện lớn, thu hút sự chú ý của người dân thì cũng có những vụ việc lớn, kinh hoàng, khiến người dân cả nước vô cùng đau đớn và phẫn nộ. Đó là vụ Formosa gây ô nhiễm môi trường biển dọc một số tỉnh miền Trung, ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống dân sinh, kinh tế biển và kinh tế du lịch, gây bất ổn tâm lý xã hội.

Và còn đây, vấn nạn giặc “nội xâm” tham nhũng, lợi ích nhóm, nợ công, nợ xấu, những vụ án thất thoát, lãng phí hàng nghìn tỷ đồng, những dòng sông sắp… qua đời.  

Có cả hoa trái và cỏ dại. Cả thành và bại, được và mất…

Trong muôn vàn sự kiện, vụ việc buồn vui của đời sống, người viết bài chú ý nhận xét của tác giả Nhị Lê- Phó TBT Tạp chí CS khi ông cảnh báo hội chứng “củ khoai tây” trong công tác cán bộ, vì tính “thời thượng” của nó: Đó là, bề ngoài tưởng một khối thống nhất, nhưng bên trong thì năm bè, bảy mảng. Một số tổ chức đảng là tập hợp những “củ khoai tây” trong cái bao tải. Cắt cái dây một cái là nó bung ra mỗi củ khoai tây lăn một góc. Các tổ chức chi bộ đảng có nguy cơ thành hàng ngàn những “bao tải khoai tây”(VietTimes, ngày 18/1).

Thật ra, hội chứng “củ khoai tây” không chỉ có trong tổ chức Đảng, mà nặng nề hơn, còn là ở các ngành, các lĩnh vực. Hội chứng “củ khoai tây” đó là gì nếu không phải chính là lợi ích nhóm, là con người cấu kết với con người vì lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân với muôn hình vạn trạng, trăm hoa đua nở.

Con người bao giờ cũng là yếu tố đầu tiên, quan trọng nhất, quyết định sự thành bại, sự phát triển mỗi quốc gia.

Người viết bài nhấn mạnh điều này bởi lợi ích nhóm, hội chứng “củ khoai tây” đang là vấn đề nổi bật, nhức nhối nhất, thách thức năng lực, trí tuệ và hành động của CP mới!

“Tìm người tài chứ không tìm người nhà”

Đó là phát ngôn của người đứng đầu CP sau quá nhiều những hiện tượng một người làm quan cả họ được nhờ, rồi nhất hậu duệ, nhì tiền tệ, ba quan hệ, bốn trí tuệ… có thể thấy ở đất cứ đâu, ngành nào, lĩnh vực nào, cấp nào, cao hoặc thấp. Mỗi vụ một vẻ mười phân vẹn mười.

Sau phát ngôn đó, báo chí tìm ra mỗi lúc thêm một nhiều hiện tượng “tìm người … nhà không tìm người tài”.

Có thể thấy “hội chứng” đó thật đa dạng về vùng miền, tính chất, dân tộc, cả cách tìm, và ngày càng có xu hướng kiểu nhân điển hình.

Nếu trước đây, chỉ là cấp huyện như vụ  “cả họ làm quan ở Mỹ Đức” thì nay có thể thấy hội chứng đó rất… sung mãn ở cấp Cục, như ở Cục Thuế Quảng Bình, ở cấp Bộ (Tổng cục) như Tổng Công ty Bảo đảm An toàn Hàng hải miền Nam.

Nếu trước đây, chỉ ở miền xuôi, nay té ra, hội chứng này … phát ở cả miền núi. Đến mức, gia đình một quan chức thuộc một tỉnh miền núi cao đã được dư luận xã hội tôn vinh “Gia đình siêu nhân”.

Nếu trước đây việc tìm người tài chỉ nhắm vào người nhà (họ hàng), bây giờ người ta tìm cả người… cùng nhà. Chả thế có câu hỏi rất âu yếm lan truyền trong dân gian vừa hài hước vừa tế nhị: Đồng chí này là con đ/c nào?

Nếu trước đây đ/c bố bố bổ nhiệm đ/c con trai, thì nay có cả đ/c chồng bổ nhiệm đ/c vợ. Như vụ việc của đ/c Cục trưởng Cục Thuế Bà Rịa- Vũng Tàu.

Nếu trước đây có sự bổ nhiệm cấp tập kiểu chữ ký hoàng hôn. Như đ/c cựu Chánh Thanh tra CP bổ nhiệm 60 cán bộ quản lý cấp vụ, cấp phòng. Cấp tập đến mức chỉ trong hai ngày, ông ký bổ nhiệm luôn 26 người. Khiến 26 đ/c đó ngủ một đêm sáng mai tỉnh dậy sung sướng thấy mình… thành quan (!) Sự cấp tập kiểu này lây sang cả người kế nhiệm. Đến lượt đ/c Chánh TTCP tiếp theo cũng cấp tập sử dụng “chữ ký hoàng hôn  cho 35 đ/c khác. Thì nay có sự bổ nhiệm nhẩn nha kiểu đường cong mềm mại, mà Vụ phó 32 ngày của Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ Vũ Minh Hoàng, 26 tuổi đang trở thành “Hot boy” của dư luận xã hội là một minh chứng sinh động. Đường cong thực chất lại thành “thần tốc”. Thật tài!

Tiếp ngay sau Vũ Minh Hoàng, báo chí lại phát hiện thêm ông Nguyễn Tiến Khoa cũng nguyên là Phó Vụ trưởng của Ban chỉ đạo này. Và ông cũng đâu chịu kém miếng. Cũng thăng tiến theo kiểu đường cong mềm mại mà rất thần tốc…

Nhưng điều đáng chán nhất, gây dị ứng cho dư luận xã hội nhất là lâu nay- bất kỳ trưởng hợp bổ nhiệm, thăng tiến đáng nghi ngờ nào- rút cục cuối cùng, dư luận xã hội cũng nhận được kết luận rất có vẻ “nguyên tắc”: Đúng quy trình. Rồi sau là … đúng quy định!

Ts Nguyễn Đình Cung đã phải chua chát về vụ bổ nhiệm một đ/c “con” của một đ/c “bố”: Nói bổ nhiệm đúng quy định là... trơ trẽn! (Dân trí, ngày 25/8)

Và bây giờ, cứ mỗi vụ việc bổ nhiệm, thăng tiến siêu cán bộ nào, dư luận xã hội lại chờ đợi và đoán trúng phóc câu trả lời- Đúng quy trình!

{keywords}

Nếu chỉ biết có vận mệnh “nhà ta”, thì vận mệnh Quốc gia sẽ ra sao?

Không có gì “vô hiệu hóa” uy tín chính quyền về công tác cán bộ bằng cụm từ đúng quy trình này! Bởi đúng quy trình là nguyên tắc tổ chức và tuyển chọn cán bộ, vốn không có lỗi. Lỗi là ở những thủ đoạn, tính toán tinh vi của những kẻ đã lợi dụng không thương tiếc những nguyên tắc tổ chức để trục lợi. Trả lời Tuần Việt Nam ngày 18/10, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cảnh báo: Đừng coi thường vị trí thấp, bởi vì “người nhà” có thể ở vị trí thấp khi mới vào, nhưng sau đó họ nhảy lên rất nhanh. Những bàn tay quyền lực về nhân sự trong bộ máy nhà nước luôn rất tài tình, biến hóa khi sắp xếp cho “người nhà” bay lượn vài vòng rồi đáp đúng bến đỗ mục tiêu chỉ trong thời gian ngắn!

Mới đây, trả lời báo VietNamNet, ngày 15/12, ông Phạm Trọng Đạt, Cục trưởng Cục Chống tham nhũng của TTCP cũng nói thẳng bản chất của việc chọn người nhà, của việc con quan rồi lại làm quan; và cái tính tư lợi rất tinh vi của việc lợi dụng nguyên tắc đúng quy trình:

“Không phải con cháu lãnh đạo, còn lâu mới được đề bạt'. Như tôi là con nông dân thì cấp dưới có dám đề xuất không. Bởi vì mác của ông thế, rồi người ta mới đề xuất chứ. Người ta có chú ý đến người tài đâu mà chú ý đến cái mác của người đó xem xét con cái, người thân của ông đó, bà đó để đề xuất. … Quy trình là tập thể nhưng tập thể thì lại xảy ra chuyện tôi vì anh, anh vì tôi chứ không vì cái chung. Như Hải Dương 44/46 người làm lãnh đạo cả, không thấy ai nhân viên cũng quy trình đúng cả, thì đó là quy trình bậy”.

Người viết bài này, trong bài viết “Chính phủ mới và các Mister cần thay” đã chỉ ra, một trong những Mister kém năng lực cần thay nhất là “Mr. Đúng Quy Trình”- ông lớn quyền lực chuyên bảo kê cho những bê bối về tổ chức cán bộ.  Bởi nếu cán bộ toàn “người nhà” thì rút cục chính sách cũng sẽ chỉ quyết định sự phát triển, vận mệnh “nhà ta”! (VietNamNet, ngày 04/8).

Niềm an ủi bất ngờ vào những ngày cuối năm, là câu chuyện một nhóm 04 cô giáo ở Trường mẫu giáo An Hiệp (huyện Tuy An- tỉnh Phú Yên) đã động viên nhau “Trò sống cô sống, trò chết cô chết” để cứu sống 13 học sinh của các cô khỏi cái chết cận kề khi nước lũ ồ ạt dâng lên lút đầu, khiến người viết bài cay mũi nhiều lần. Đó cũng là một “nhóm lợi ích” mà lợi ích duy nhất của họ là sự sống của 13 em nhỏ mong manh gang tấc giữa dòng nguy hiểm.

Trên đất nước này, có bao nhiêu lợi ích nhóm vì lợi ích của cộng đồng, của người khác như vậy? Hay chỉ nhằng nhịt như mạng nhện mà lại rời rạc như các “củ khoai tây”? Chỉ biết có lợi ích và vận mệnh “nhà ta”?

Mà nếu chỉ biết có vận mệnh “nhà ta”, thì vận mệnh Quốc gia sẽ ra sao?

Chỉ 40 chữ nhưng sẽ phải là hành trình quyết liệt của CP mới ở năm 2017 và những năm tiếp theo. Để người dân không còn phải thắc thỏm hát bài… Đợi.

(Còn nữa)

Kỳ Duyên