- Đại sứ đánh giá thế nào về sự hợp tác trong nuôi trồng đánh bắt thủy hải sản - một lĩnh vực trọng tâm trong hơn 50 năm quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Na Uy và Việt Nam?
Bà Hilde Solbakken: Tôi có thể tự hào nói rằng Na Uy - Việt Nam đã hợp tác rất hiệu quả trong lĩnh vực thủy sản, bao gồm cả nuôi trồng thủy sản. Đây là lĩnh vực trọng tâm trong quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Nó không chỉ mang lại lợi ích kinh tế cho cả hai quốc gia mà còn góp phần làm sâu sắc thêm mối quan hệ tốt đẹp vốn có giữa hai bên.
Nhân dịp kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao, năm 2021, hai nước đã ký kết Ý định thư về tăng cường và phát triển hợp tác trong ngành nuôi biển. Đây chính là kim chỉ nam cho hợp tác song phương trong tương lai giữa hai nước.
- Đại sứ đánh giá ra sao về thành tựu trong sản xuất và xuất khẩu thủy hải sản Việt Nam thời gian qua, cũng như về chiến lược phát triển ngành thủy sản Việt Nam theo hướng hiệu quả, bền vững?
Các bạn đang đi rất đúng hướng. Việt Nam hiện là quốc gia xuất khẩu thủy sản đứng thứ 3 thế giới, Na Uy ở vị trí thứ 2. Tuy nhiên, rất may là chúng ta không cạnh tranh với nhau mà bổ sung cho nhau.
Na Uy xuất khẩu các loài như cá hồi, cá tuyết, cua hoàng đế và tôm từ biển. Việt Nam là nhà cung cấp lớn cá tra và tôm nuôi.
Tôi hy rằng hợp tác song phương thời gian qua của chúng ta trong lĩnh vực thủy sản đã góp phần đáng kể vào thành tựu phát triển kinh tế nói chung của Việt Nam. Cá thu Na Uy đang được chế biến tại Việt Nam cho các thị trường nhập khẩu khác ở châu Á.
Na Uy hợp tác rất chặt chẽ với Bộ NN-PTNT Việt Nam trong những lĩnh vực ưu tiên, trong đó có nuôi trồng thủy sản theo hướng bền vững.
Mục tiêu phát triển bền vững và có lợi nhuận ngành thủy sản
- Tiềm năng hợp tác giữa hai nước rất lớn khi Na Uy là nước xuất khẩu hải sản lớn thứ hai và Việt Nam nằm trong top 10 nước xuất khẩu lớn nhất thế giới. Hai nước có cơ hội gì để cùng trao đổi kinh nghiệm và cùng nhau phát triển trong lĩnh vực này?
Việc Việt Nam là thị trường chế biến sản phẩm cá thu Na Uy để xuất khẩu sang các nước châu Á là một trong những minh chứng tuyệt vời cho cơ hội cùng phát triển của cả hai nước.
Ngoài ra, phải kể đến hợp tác giữa các doanh nghiệp trong chuỗi giá trị nuôi biển. Đơn cử, một trong những công ty lớn của Na Uy là Scale AQ có nhà máy đặt tại Nha Trang, sản xuất và cung cấp các thiết bị/phương tiện tiên tiến cho nuôi biển. Thiết bị của Scale AQ được cung cấp cho các trang trại nuôi biển lớn nhất tại Việt Nam cũng như quốc tế.
Chia sẻ thông tin cũng là một lĩnh vực quan trọng. Các công ty Na Uy hoạt động tại Việt Nam không chỉ mang đến công nghệ mà còn cả tri thức, kinh nghiệm và các giải pháp chú trọng tới tính bền vững.
Na Uy hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực chia sẻ thông tin và xây dựng chính sách từ rất lâu. Chúng tôi hỗ trợ Việt Nam xây dựng Luật Thủy sản đầu tiên, và sau đó là Luật sửa đổi.
Gần đây nhất, phải kể đến đoàn đại biểu của Việt Nam sang Na Uy tham dự AquaNor 2023 - triển lãm công nghệ lớn nhất thế giới của ngành nuôi trồng thủy sản tổ chức 2 năm một lần. Đoàn gồm lãnh đạo của Bộ NN-PTNN, VCCI cũng như lãnh đạo UBND tỉnh Khánh Hòa, Kiên Giang và nhiều công ty khác của Việt Nam.
Đây là cơ hội lý tưởng để đoàn tìm hiểu về các công nghệ và thực hành bền vững áp dụng trong toàn bộ chuỗi cung ứng của ngành nuôi trồng thủy sản ở Na Uy. Tôi chắc chắn, đoàn không chỉ gặt hái được những thông tin bổ ích mà còn biết thêm nhiều đối tác mới có thể hỗ trợ cho việc phát triển ngành nuôi trồng thủy sản xanh và bền vững của Việt Nam.
Đào tạo nghề trong nuôi trồng thủy sản cũng là một khía cạnh hợp tác khác mà tôi muốn nhấn mạnh. Hoạt động này được thực hiện trên cơ sở các chương trình hợp tác giữa VCCI và NHO (Hiệp hội Doanh nghiệp Na Uy). Điều này có ý nghĩa quan trọng vì nguồn nhân lực có trình độ và kỹ năng là điều kiện tiên quyết đảm bảo sự thành công của hoạt động nuôi trồng thủy sản và các mắt xích khác trong chuỗi giá trị này.
Có như vậy, Việt Nam mới thực hiện được mục tiêu phát triển bền vững và có lợi nhuận ngành thủy sản của mình.
Tiếp cận toàn diện, quan tâm tới hệ sinh thái, hướng tới bền vững
- Na Uy là nước xuất khẩu hải sản lớn thứ hai trên thế giới. Việc quản lý tài nguyên bền vững và có trách nhiệm là nhiệm vụ cốt lõi của ngành công nghiệp thủy sản. Cách tiếp cận cách tiếp cận toàn diện, quan tâm tới hệ sinh thái và hướng tới bền vững của Na Uy được thể hiện ở những khía cạnh cụ thể nào, thưa Đại sứ?
Kể từ những ngày đầu phát triển ngành công nghiệp cá hồi, chúng tôi đã học được rất nhiều, từ môi trường nuôi, đến sức khỏe con giống, giải pháp kỹ thuật và cách điều tiết một ngành công nghiệp đang phát triển nhanh chóng.
Một yếu tố then chốt để đảm bảo tính bền vững trong hoạt động nuôi trồng thủy sản là sự hợp tác chặt chẽ giữa nhà nước, ngành công nghiệp và cộng đồng khoa học. Môi trường xung quanh trang trại nuôi, sức khỏe của cá và chất lượng sản phẩm cuối cùng được theo dõi liên tục.
Những thông tin có được từ thực tiễn quan trắc và theo dõi này sẽ là đầu vào cần thiết cho ngành để điều chỉnh các thực hành nuôi trồng, và để chính phủ xây dựng hoặc điều chỉnh các quy định phù hợp. Điều này cũng giúp xác định những lĩnh vực mà chúng tôi cần tiếp tục nghiên cứu cải tiến để tìm ra giải pháp tốt hơn.
Ví dụ, tôi xin nói về việc sử dụng vắc xin cho cá. Việc sử dụng vắc xin cho cá hồi ở Na Uy đã góp phần loại bỏ hoàn toàn việc sử dụng kháng sinh trong quá trình nuôi, vốn đã từng là một thách thức lớn. Quá trình phát triển công nghệ vắc xin vẫn đang tiếp tục được thực hiện và cải tiến.
Bên cạnh đó, việc phát triển hàng loạt ngành công nghiệp hỗ trợ cũng là một câu chuyện đáng nói. Mọi khâu đều liên quan tới nhau, từ sản xuất thiết bị và tàu thuyền, đến sản xuất thức ăn chăn nuôi, giải pháp vận chuyển và bảo quản, vắc xin... Các ngành này đã góp phần tạo thêm công ăn việc làm cho người dân ở vùng nông thôn và duyên hải Na Uy.
- Với phương pháp quản lý thủy hải sản quan tâm tới hệ sinh thái, Na Uy là một trong những nước đi đầu về tính bền vững trong nhiều thập kỷ. Đại sứ có cho rằng, Na Uy đã và đang truyền cảm hứng cho việc triển khai luật và các chính sách bảo vệ thủy hải sản ở nhiều quốc gia khác?
Hy vọng Na Uy có thể là nguồn cảm hứng cho các quốc gia khác. Chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào biển khi 70% thu nhập xuất khẩu đến từ các ngành công nghiệp biển.
Vì thế, điều tối quan trọng đối với chúng tôi là phải quản lý tốt và bền vững nguồn tài nguyên biển. Đại dương có tính kết nối rất cao, vì thế chúng tôi luôn sẵn sàng chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm quản lý tài nguyên biển của mình với các quốc gia khác thông qua hoạt động hỗ trợ phát triển cũng như hỗ trợ nghiên cứu và chia sẻ thông tin. Tất cả chúng ta đều cần dựa vào những đại dương bền vững và các hoạt động quản lý nguồn lợi biển hiệu quả.
Vì thế, trong nhiều thập kỷ, Na Uy đã hỗ trợ các hoạt động quản lý và nghiên cứu biển dưới hình thức Tàu nghiên cứu đi tới nhiều nước trên thế giới chia sẻ thông tin và kinh nghiệm. Hiện chúng tôi vẫn luôn chia sẻ kiến thức về phát triển quy hoạch không gian biển hay các nỗ lực giảm thiểu rác thải nhựa trên biển. Đây là hai trong nhiều lĩnh vực hỗ trợ ưu tiên toàn cầu của Na Uy.
Chúng tôi vui mừng nhận thấy mối quan hệ hợp tác chặt chẽ và tốt đẹp của Na Uy và Việt Nam trong các lĩnh vực này. Hỗ trợ Việt Nam xây dựng quy hoạch không gian biển ban đầu chủ yếu xuất phát từ nhu cầu phát triển ngành điện gió ngoài khơi.
Tuy nhiên, một quy hoạch không gian biển tốt có thể hỗ trợ phát triển hài hòa của nhiều ngành kinh tế biển cũng như gia tăng quy mô của các ngành đó một cách bền vững trong tương lai, trong đó có ngành nuôi trồng thủy hải sản.