Theo đó, hai bên cam kết sẽ hợp tác toàn diện về chuyên môn, áp dụng mô hình PHCN theo tiêu chuẩn Nhật Bản thông qua việc tập đoàn EMS sẽ cử chuyên gia sang đào tạo tại Việt Nam; hỗ trợ đào tạo nâng cao tay nghề đội ngũ kỹ thuật viên của Myrehab tại Nhật Bản và chuyển giao kỹ thuật cho Phòng khám chuyên khoa phục hồi chức năng Myrehab.
Với sự hợp tác chiến lược này, Phòng khám chuyên khoa phục hồi chức năng Myrehab được kỳ vọng trở thành một trung tâm y khoa chăm sóc sức khỏe chủ động chất lượng cao, mang đến cho người dân Việt Nam cơ hội tiếp cận nền y học tiên tiến của Nhật Bản và góp phần phát triển công tác khám chữa bệnh ngành PHCN tại Việt Nam.
Việc ký kết này diễn ra trước bối cảnh nhu cầu bệnh nhân ở Việt Nam cần PHCN cao, song khả năng cung cấp dịch vụ tại các cơ sở y tế còn khó khăn. Lý do là thiếu hụt nhân lực có chuyên môn; cơ sở vật chất và trang thiết bị chậm được đầu tư cũng như thiếu cơ chế cung cấp dịch vụ linh loạt. Hiện tại, các cơ sở khám chữa bệnh mới chỉ đáp ứng được 15 - 20% nhu cầu PHCN của người bệnh, 80% còn lại phải dựa vào cộng đồng.
Chia sẻ tại lễ ký kết, TS.BS. Matsuoka Yoshinori (Đại diên Tập đoàn EMS Nhật Bản) cho biết việc già hoá dân số kéo theo nhiều gánh nặng bệnh tật. Như ở Nhật Bản, tỷ lệ người già mắc các bệnh như ung thư, tim mạch, não, xương khớp… rất nhiều. Ngoài dùng thuốc, việc tập PHCN đối với các nhóm bệnh nhân này là cần thiết.
Không chỉ người già, số lượng người trẻ cần PHCN cũng không hề ít. Các bệnh nhân sau phẫu thuật hay không phẫu thuật như tai biến mạch máu não; các bệnh lý về khớp; chấn thương thể thao; chấn thương lao động; chấn thương trong sinh hoạt hàng ngày… cũng đều cần PHCN.
“Việt Nam cũng đã bước vào giai đoạn già hoá, nhu cầu PHCN cũng rất lớn, song chưa có mô hình vật lý trị liệu và PHCN toàn diện, chất lượng. Bệnh nhân khi không tìm được cơ sở tốt, uy tín thì chỉ có thể dựa vào thuốc giảm đau, massage, châm cứu chứ không được tập cái bài tập bài bản về vật lý trị liệu và vận động trị liệu”, ông Matsuoka nói. Thông qua sự hợp tác này, EMS và Myrehab Center mong muốn cung cấp dịch vụ y tế theo tiêu chuẩn Nhật Bản cho người dân Việt Nam, muốn họ được tiếp cận dịch vụ y tế của Nhật ngay tại đất nước mình.
ThS.BSCKII Đặng Thị Kim Hương, nguyên Trưởng khoa PHCN, Bệnh viện Việt Đức, cũng đánh giá việc ký kết này sẽ mang lại nhiều lợi ích cho người bệnh. Mô hình chăm sóc của người Nhật rất tiên tiến, họ chăm sóc bệnh nhân ngay từ giai đoạn đầu. Đặc biệt, ngành PHCN cũng hoàn thiện hơn, khi bệnh nhân đến được chăm sóc từ ăn uống, tắm rửa, chăm sóc, hầu như người nhà không cần làm việc gì. Khi tình trạng tốt, bệnh nhận sẽ được “hướng nghiệp” sao cho phục hồi nhanh, tự làm các công việc sinh hoạt hằng ngày. Quá trình phục hồi chức năng một cách chủ động kết hợp với vận động trị liệu này cũng là cách mà các bác sĩ đang áp dụng cho bệnh nhân tại Trung tâm trị liệu và PHCN Myrehab.
Khác với Nhật Bản, ở Việt Nam, ngoài tỷ lệ người già cần chăm sóc thì số bệnh nhân cần PHCN sau tai nạn rất nhiều, đặc biệt là tai nạn giao thông. Song tỷ lệ bác sĩ và kỹ thuật viên chăm sóc lượng bệnh nhân đó thì thiếu, không đủ lực lượng chăm sóc từ A-Z như ở Nhật, không chăm sóc chuyên sâu. Người bệnh chủ yếu dựa vào sự chăm sóc của gia đình chứ chưa có một mô hình chăm sóc sức khỏe và PHCN toàn diện, linh hoạt.
“Kết hợp với hệ thống máy móc, công nghệ hiện đại sẵn có của Myrehab, khi áp dụng mô hình PHCN tiến tiến của Nhật Bản tại các cơ sở PHCN, người dân có thể dễ dàng tiếp cận được với các dịch vụ chất lượng, được hướng dẫn tập luyện chủ động để có thể có một cuộc sống bình thường, không phụ thuộc”, BS. Hương cho hay.
Hương Linh