Guardian đưa tin Bộ Thông tin và Truyền thông Myanmar cho biết Facebook sẽ bị chặn cho đến cuối tuần này, đồng thời nói thêm rằng người dân đang "gây khó khăn cho sự ổn định của đất nước" bằng việc dùng mạng xã hội để lan truyền "tin tức giả và thông tin sai lệch".
Facebook xác nhận rằng họ đã biết về sự gián đoạn trong cung cấp dịch vụ ở Myanmar. NetBlocks, một công ty giám sát tình trạng mất Internet trên toàn thế giới, cho biết các nhà cung cấp dịch vụ Internet ở Myanmar cũng đang chặn hoặc hạn chế quyền truy cập vào Instagram và WhatsApp, hai ứng dụng cũng thuộc sở hữu của Facebook.
Facebook, một trong những mạng xã hội phổ biến nhất ở Myanmar, đã được sử dụng để điều phối một chiến dịch đình công của các nhân viên y tế tại hàng chục bệnh viện trên cả nước để phản đối hành động chính biến của quân đội.
Mạng xã hội - vốn được sử dụng bởi hơn một nửa trong số 53 triệu dân Myanmar - cũng được dùng để chia sẻ các kế hoạch cho những cuộc biểu tình vào buổi tối. Theo kế hoạch, người dân sẽ đến ban công của họ để đập xoong nồi, bày tỏ sự phản đối.
Một phụ nữ đập xoong nồi để tạo ra tiếng ồn trong cuộc biểu tình ủng hộ bà Aung San Suu Kyi ở Myanmar. Ảnh: AFP. |
Theo Reuters, các nỗ lực chặn các phương tiện truyền thông xã hội là chắp vá, và người dân vẫn có thể truy cập vào các trang web này. Người dùng có thể sử dụng các ứng dụng VPN để vượt tường lửa và truy cập vào Facebook.
Bà Aung San Suu Kyi, cố vấn nhà nước, và các quan chức cấp cao trong đảng cầm quyền Myanmar bị bắt hôm 1/2 vừa qua. Bà bị cáo buộc buôn lậu và có thể bị án phạt hai năm tù. Cảnh sát Myanmar nói rằng họ đã tìm thấy các thiết bị liên lạc cầm tay "được nhập khẩu và sử dụng không phép" trong nhà của bà.
Theo Zing/Guardian
Facebook là mạng xã hội khiến người Mỹ lo ngại nhất
Trong khi chính phủ Mỹ liên tục cáo buộc TikTok thu thập thông tin người dùng, người dân tại Mỹ lại lo ngại rằng chính Facebook mới là công cụ thu thập nhiều thông tin nhất trên Internet.