Qua hơn 10 năm xây dựng nông thôn mới, Mỹ Xuyên đã huy động tổng nguồn vốn gần 4.000 tỷ đồng, trong đó: Vốn chương trình hơn 281 tỷ đồng (chiếm 7,05%); vốn lồng ghép 846,5 tỷ đồng (chiếm 21,24%); vốn tín dụng là 1.976,9 tỷ đồng (chiếm 49,61%); vốn doanh nghiệp là 267,9 tỷ đồng (chiếm 6,72%) và người dân đóng góp là 612,8 tỷ đồng (chiếm 15,38%).
Nguồn vốn trên là cơ sở và điều kiện thuận lợi phục vụ cho các công trình xây dựng cầu, đường giao thông nông thôn, hỗ trợ sản xuất và các công trình phúc lợi xã hội. Hiện tất cả các xã, thị trấn đều có đường giao thông đi lại thuận tiện, hàng hóa lưu thông dễ dàng, góp phần phát triển kinh tế – xã hội ở địa phương.
Mỹ Xuyên đã đủ các điều kiện để trở thành một miền quê đáng sống. |
Tại xã Đại Tâm, nơi có hơn 76% dân số là đồng bào dân tộc Khmer sự đổi thay rõ nhất là những con đường nhựa phẳng phiu; những cánh đồng xanh tươi của lúa; những vườn cây trĩu quả đang vụ thu hoạch; những nếp nhà mái ngói đỏ tươi mới…. Sự đổi thay ấy phần nào khẳng định thành công của chính quyền và nhân dân Đại Tâm trong xây dựng nông thôn mới.
Ấp Đại Ân, xã Đại Tâm, Mỹ Xuyên, thực hiện cuộc vận động xây dựng nông thôn mới, bà con ấp chúng tôi đã hưởng ứng bằng những việc làm thiết thực như: hùn vốn tiết kiệm giúp nhau phát triển ngành nghề; đóng góp đất đai, hoa màu, ngày công lao động làm đường, lộ, thuỷ lợi; thực hiện tổ nông dân tham gia cánh đồng mẫu, thanh niên trồng màu… hàng tháng tổ chức sinh hoạt một lần, ngoài phổ biến công việc của hội, động viên nhau làm tốt phong trào xây dựng gia đình văn hóa, giữ gìn vệ sinh môi trường, cảnh quan xanh – sạch – đẹp, tham gia thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới...
Còn Hòa Tú I, được ghi nhận là xã điển hình trong công tác xã hội hóa xây dựng giao thông nông thôn; hàng năm nhân dân đóng góp trên 500 triệu đồng cùng hàng ngàn ngày công để nâng cấp, sửa chữa cầu, đường nông thôn, đặc biệt là vai trò của Mặt Trận và các đoàn thể không ngừng được phát huy. Trong cuộc vận động toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới, xã Hòa Tú 1 tiếp tục được ghi nhận là điển hình với phương châm “nhà nước và nhân dân cùng làm”.
Trong lĩnh vực sản xuất, xã Hòa Tú I đã phát huy hiệu quả mô hình luân canh tôm – lúa, kết hợp với trồng màu trên bờ bao. Nông dân tích cực tham gia và mô hình hợp tác để liên kết sản xuất, tổ chức chuyển giao tiến bộ kỹ thuật. Tổ hợp tác sản xuất ấp Hòa Đê là một trong những mô hình liên kết hiệu quả nhất trong quy trình canh tác tổng hợp tôm – lúa – màu, ứng dụng nhiều quy trình nuôi tôm an toàn, canh tác các giống lúa đặc sản đạt năng suất cao, nên đời sống người dân phát triển rất tốt.
Mục tiêu đề ra là trong năm 2020, Mỹ Xuyên đạt chuẩn huyện nông thôn mới; năm 2025 tất cả 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao tiến tới xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu.
V. Thường
Ảnh: Quốc Tiến