Theo nguồn tin mới nhất, Mỹ cho biết sẽ xóa bỏ trở ngại cho tất cả các bên đồng ý đánh thuế đối với những gã khổng lồ công nghệ. Do đó, thành viên của Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đã có khả năng phục hồi các cuộc đàm phán liên quan đến thuế kỹ thuật số sau tình trạng trì trệ kể từ năm 2015.
Mỹ sẽ không tuân thủ quy tắc "bến cảng an toàn" trong các cuộc đàm phán thuế doanh nghiệp toàn cầu. (Ảnh minh họa) |
Cụ thể, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Yellen xác nhận, Mỹ sẽ không còn tuân thủ quy tắc "bến đỗ an toàn", điều này đồng nghĩa với việc một số nội dung trong quy định về thuế sẽ là tùy chọn. Theo đó, Mỹ đã từ bỏ các yêu cầu của chính quyền Trump trong các cuộc đàm phán thuế doanh nghiệp toàn cầu, xóa một trở ngại cho hệ thống thuế để thích ứng với nền kinh tế kỹ thuật số.
Quy tắc trước đó được người tiền nhiệm Steven Mnuchin đề xuất vào cuối năm 2019 và từng bị các bộ trưởng tài chính châu Âu phản đối. Do dịch bệnh Covid-19, Google, Facebook và một số tập đoàn công nghệ đã trở thành người thu lợi lớn vào năm 2020. Đồng thời, nhiều quốc gia trải qua thời kỳ suy thoái kinh tế chưa từng có.
Hội nghị các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc NHTW G20 hứa hẹn hoàn tất kế hoạch thuế công nghệ xuyên biên giới vào giữa năm nay. Bộ trưởng Kinh tế và Tài chính Pháp Bruno Le Maire phấn khởi xác nhận, thỏa thuận này “trong tầm tay”. Bộ trưởng Tài chính Đức Olaf Schultz cho biết: “Đây là một bước tiến lớn để đạt được một giải pháp dựa trên sự đồng thuận toàn cầu vào cuối mùa hè”.
Vào tháng 10 năm ngoái, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế không đạt được thỏa thuận về việc đánh thuế các gã khổng lồ kỹ thuật số từ cuối năm 2020, chủ yếu do Mỹ cản trở các cuộc đàm phán. Không khí của cuộc họp trực tuyến này dường như đã dịu bớt, sau cùng Mỹ bắt đầu quay trở lại chủ nghĩa đa phương kể từ khi ông Trump nhậm chức được 4 năm.
Trong ngày 26/2, các Bộ trưởng tài chính G20 đã nhất trí duy trì chính sách mở rộng. Đây là cuộc họp G20 đầu tiên kể từ khi nước Mỹ có tân Tổng thống, trong bối cảnh Joe Biden hứa hẹn sẽ cho phép Mỹ hợp tác trong các tổ chức quốc tế. Về thuế quốc tế, cuộc họp của các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc NHTW G20 tập trung vào việc cấp bách cải cách hệ thống hiện tại trước những thách thức mới do toàn cầu hóa và số hóa kinh tế mang lại.
Bên cạnh đó, cuộc hội đàm này dường như cũng đạt được tiến bộ đáng kể trong vấn đề gai góc về thuế của các tập đoàn đa quốc gia, bao gồm cả những gã khổng lồ Internet như Facebook, Google, Amazon…Thời điểm ông Trump còn đương chức, các cuộc đàm phán về thuế dịch vụ kỹ thuật số ở cấp độ toàn cầu đã nhiều lần đi vào bế tắc.
Bộ trưởng Tài chính Đức Olaf Scholz và Bộ trưởng Kinh tế và Tài chính Pháp Bruno Le Maire đều ca ngợi đây là một bước đột phá lớn. Ông Scholtz trích lời Bộ trưởng Tài chính Mỹ, tiết lộ Washington cũng có kế hoạch cải cách quy định thuế tối thiểu của Mỹ, động thái này nhằm tuân thủ đề xuất của OECD về các mức thuế tối thiểu toàn cầu có hiệu lực.
Bộ trưởng Tài chính Ý Daniele Franco cho rằng, lập trường mới của Mỹ nên mở đường cho một thỏa thuận tổng thể về thuế doanh nghiệp đa quốc gia tại Hội nghị Bộ trưởng Tài chính G20 ở Venice vào tháng 7.
Trước đó, nước Mỹ dưới thời ông Trump vẫn luôn dành nhiều chính sách ưu đãi, bảo hộ đối với nhóm Big Tech, khiến cho sự can thiệp của các quốc gia và khu vực như Liên minh châu Âu trong việc đánh thuế những gã khổng lồ công nghệ gặp khó khăn. Để tìm ra giải pháp cho tình trạng này, Ủy ban EU đã thúc đẩy 'Kế hoạch châu Âu kỹ thuật số' với việc ra mắt 2 dự thảo Luật Dịch vụ Kỹ thuật số và Luật Thị trường Kỹ thuật số.
Phong Vũ
Pháp yêu cầu EU trả đũa nếu Mỹ trừng phạt thuế kỹ thuật số Pháp
Pháp sẽ ngay lập tức yêu cầu EU trả đũa nếu Washington tiếp tục kế hoạch cấm vận thương mại vì Pháp đánh thuế dịch vụ kỹ thuật số.