Quyết định hồi mùa hè năm 2011 về việc đồn trú hai tàu chiến ven biển tại Singapore là một ví dụ điển hình. Chưa rõ hai tàu chiến và thủy thủ đoàn trên tàu này sẽ neo tại Singapore hay chỉ thường xuyên lui tới đây, nhưng mô hình hiện diện mềm dẻo này có thể được các nước ASEAN ủng hộ, kể cả Philippines và Việt Nam.
Kỳ 1: Hợp tác trên cơ sở sức mạnh tại biển Đông
Kỳ 2: Chiến lược biển Đông mới của Trung Quốc
Ky 3: Gìn giữ an ninh biển và luật pháp quốc tế tại biển Đông

Australia, nằm trong tầm ảnh hưởng của cả Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, có thể nổi lên như một đối tác quan trọng nhất của Mỹ trong khối các nước nói tiếng Anh vì vị trí của họ. Mỹ gần đây đã tăng cường thỏa thuận quốc phòng của mình với Australia nhằm cho phép tiếp cận rộng hơn với các căn cứ quân sự của Australia mà không phải đồn trú thường trực lính Mỹ tại đây. Trong chuyến thăm Australia tháng 11/2011, Tổng thống Obama thông báo rằng trong vài năm nữa, sẽ có tới 2.500 lính thủy đánh bộ Mỹ đồn trú luân phiên tại Lãnh thổ phương Bắc của Australia, nơi họ sẽ huấn luyện các lực lượng quốc phòng của Australia cũng như của các nước khác trong khu vực.

Củng cố các chuẩn mực và thể chế đa phương. Mỹ cần đảm bảo rằng hòa bình và an ninh tại biển Đông luôn nằm trong ưu tiên hàng đầu của chương trình ngoại giao và an ninh của mình. Điều này có thể bao gồm mọi thứ, từ các cuộc hội thảo như hội thảo thường niên mà Việt Nam tổ chức tại Hà Nội, tới các cơ chế chính thức liên quan đến ASEAN, bao gồm Diễn đàn Khu vực ASEAN và Hội nghị thượng đỉnh Đông Á. Phản ứng của Trung Quốc, được hỗ trợ bởi luật pháp nội địa của họ và các quan hệ thương mại ngày càng phát triển với các nước khác trong khu vực, đang nhận được một số ủng hộ; Mỹ nên cố gắng ngăn chặn việc các lập luận của Trung Quốc lôi kéo nước khác.

Bằng cách khẳng định chủ quyền đối với các hải trình - như nêu trong đường 9 đoạn - Bắc Kinh giữ quan điểm là không quốc gia nào khác có thể chứng minh được. Mỹ có một cơ hội tự nhiên để nhấn mạnh cái thuộc về lợi ích của tất cả các quốc gia trong khu vực.

Hợp tác dựa trên một vị trí mạnh bao gồm sử dụng các biện pháp củng cố vai trò của Mỹ nêu trên nhằm tăng cường hợp tác đa phương hiệu quả. Sự hợp tác này cần giúp hợp pháp hóa các quy tắc đa phương, đồng thời tập trung vào các hoạt động đa phương. Hợp tác nên bắt đầu bằng cam kết ngoại giao và đối thoại nhiều hơn.

Với việc Campuchia, Myanmar và Lào sẽ lần lượt đảm nhiệm chức Chủ tịch luân phiên ASEAN trong các năm 2012, 2014 và 2016, có thể sẽ là phi thực tế nếu hy vọng đạt nhiều tiến bộ tại Diễn đàn Khu vực ASEAN và Hội nghị thượng đỉnh Đông Á những năm tới, vì các quốc gia này ít quan tâm tới các vấn đề biển Đông. Tuy nhiên, Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN sẽ tạo một diễn đàn hứa hẹn hơn để thúc đẩy hợp tác biển tại biển Đông. Các diễn đàn cấp cao khác có thể giúp thúc đẩy sự hợp tác đó bao gồm các hội nghị thường niên các quan chức quốc phòng của Bộ tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ, Đối thoại không chính thức Shangri-La do Viện Nghiên cứu chiến lược Quốc tế tổ chức vào tháng Sáu hàng năm.

Các thể chế và cơ chế để giải quyết các yêu sách và các lợi ích chồng lấn vẫn còn yếu; và không có vai trò trực tiếp của Mỹ trong các cơ chế và thể chế này, như Tuyên bố DOC giữa ASEAN và Trung Quốc. Các nỗ lực nhằm thuyết phục Trung Quốc tránh các sự cố biển thông qua các cơ chế song phương hiện có sẽ tiếp tục bị cản trở bởi những xung đột lợi ích căn bản: Trung Quốc đơn giản không muốn giao cho Mỹ một vai trò giám sát pháp lý tại biển Đông, bởi khu vực này cách không xa căn cứ tàu ngầm đầu tiên của Trung Quốc ở đảo Hải Nam.

Mỹ cần xây dựng các thể chế đa phương về lâu dài, nhưng nên thừa nhận rằng có thể phải tập chung vào cách tiếp cận song phương trên thực tế nhằm tránh khiêu khích Trung Quốc. Cách tiếp cận này sẽ khuyến khích Trung Quốc hợp tác nhưng là sự hợp tác trên cơ sở sức mạnh. Thông qua các thể chế đa phương trong khu vực (từ Hội nghị thượng đỉnh Đông Á tới Hợp tác Quốc phòng ASEAN+8) cộng với các sáng kiến của Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ hoặc các tác nhân khu vực như Australia, Mỹ nên xây dựng và ủng hộ quan hệ hợp tác hiệu quả về an ninh và quân sự trên toàn khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương. Thúc đẩy hợp tác rộng hơn trong khu vực sẽ tạo ra một thách thức đối với bất cứ hành động xâm lược nào trong tương lai.

Một cách thực dụng để thúc đẩy hợp tác nghiêm túc và toàn diện có thể là tiến hành các cuộc tập trận hải quân đa phương, đặc biệt là các cuộc diễn tập cứu trợ nhân đạo và cứu hộ thiên tai.

Mỹ đã tiến hành hàng loạt cuộc tập trận như thế trong những năm qua. Hiện tại, hợp tác biển diễn ra ở cấp tiểu khu vực, như Hội nghị chuyên đề hải quân Ấn Độ Dương, Diễn đàn ASEAN và Nam Thái Bình Dương. Bộ tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ nên định kỳ tiến hành một cuộc đối thoại rộng hơn về Ấn Độ - Thái Bình Dương nhằm thúc đẩy các cuộc tập trận và huấn luyện đa phương. Tuy nhiên, như đã nói ở trên, một liên minh thiện chí giữa các quốc gia Đông Nam Á - được ủng hộ bởi các cường quốc biển ngoài khu vực như Nhật Bản, Ấn Độ và Australia - cũng có thể dẫn đầu một cuộc tập trận như thế.

Trừ phi xảy ra thảm họa hoặc nhận thức về nguy cơ thảm họa ấy, bằng không ít khả năng có một liên minh khu vực như thế. Tuy nhiên, các liên minh và đối tác song phương cũng có thể sâu sắc hơn, và đến lượt mình, chúng có thể tạo thành một nền tảng cho một sự hợp tác đa phương rộng hơn giữa ba hoặc bốn quốc gia.

Ví dụ thỏa thuận căn cứ chung Mỹ - Australia có thể mở cánh cửa mới cho các cuộc tập trận đa phương với các đồng minh và đối tác khác như Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ và các thành viên ASEAN. Trong khi đó, sự hỗ trợ song phương có thể tạo thành các đối tác, và sự kết hợp đối thoại chiến lược với hợp tác biển thực dụng có thể phát triển thành một liên minh ngầm - một liên minh có thể nhanh chóng kết lại thành một đối trọng với sự xác quyết hay khiêu khích có thể xảy ra trong khu vực.

Đầu tư vào thương mại khu vực mở. Mỹ nên thúc đẩy hội nhập kinh tế hơn nữa trong lòng khu vực, cũng như giữa Mỹ với khu vực này. Bên cạnh đóng góp vào một nền kinh tế khu vực sôi động và liên kết, hợp tác kinh tế có thể kết nối các đầu tư chiến lược của Mỹ vào khu vực năng động nhất thế giới này. Tiềm năng tăng trưởng của Thỏa thuận Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) - một thỏa thuận gắn kết Mỹ với các nền kinh tế Đông Á - có thể một ngày tạo thành một chế độ ưu đãi thương mại bao chùm khu vực. Nếu Mỹ và các nước khác không theo đuổi sự hội nhập khu vực sâu rộng như vậy, một hệ thống do Trung Quốc dẫn đầu - và tất nhiên bất lợi với Mỹ - có thể xuất hiện để lấp chỗ trống này.

Dù vai trò lãnh đạo của Mỹ tại Hội nghị Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương hồi tháng 11/2011 tại Hawaii đã nhấn mạnh tầm quan trọng của TPP, nhưng nhiều đồng minh thân cận nhất của Mỹ lại có vẻ thờ ơ và tự hỏi liệu Mỹ có nghiêm túc với một thỏa thuận như thế hay không. Nhật Bản chẳng hạn, nước này mới chỉ có dấu hiệu rằng họ sẽ trở thành thành viên của TPP, và nếu thiếu các nước như Nhật Bản, thì TPP sẽ chỉ là một thể chế nhỏ. Ngược lại, Australia, Việt Nam và Peru đã thông báo ủng hộ TPP từ tháng 11/2008; Malaysia đã tham gia từ tháng 10/2010; và Canada, Philippines, Hàn Quốc và Đài Loan đã bảy tỏ quan tâm ở các cấp độ khác nhau đến việc tham gia thỏa thuận này.

Thương mại không phải là một hoạt động được ăn cả ngã về không. TPP có thể hình thành nền tảng của một hệ thống thương mại mở và toàn diện, trong đó tất cả các quốc gia trong khu vực có cơ hội tham gia như nhau. Vì TPP sẽ phát triển dần dần, Trung Quốc có một thời gian dài để phản ứng và thay đổi tình hình. Hơn nữa, TPP sẽ có lợi cho Trung Quốc nếu họ chọn cách ủng hộ tự do hóa thương mại.

Thúc đẩy quan hệ thực dụng với Trung Quốc. Mỹ sẽ cần có được chính sách đúng đắn của Trung Quốc. Việc này đòi hỏi các cam kết kinh tế và ngoại giao tích cực, được hỗ trợ bởi một nền kinh tế tăng trưởng và sức mạnh quân sự của Mỹ. Chính sách của Mỹ cũng khuyến khích các đồng minh làm nhiều hơn để đảm bảo an ninh vì lợi ích của mình và phối hợp với nhau. Thay vì dựa trên một nền tảng hợp tác toàn cầu lạc quan thái quá, hoặc một quan hệ bi quan thái quá về một cuộc xung đột không tránh khỏi - Mỹ cần cứng rắn hơn, thậm chí quyết đoán, thực dụng hơn nhưng vẫn tôn trọng Trung Quốc. Một chính sách thực dụng bắt đầu là củng cố sức mạnh Mỹ và sau đó hỗ trợ tích cực cho sự hợp tác dựa trên pháp luật; tránh xung đột quân sự nhưng không ngại đối đầu về ngoại giao.

Nhiều chính sách và hành động của Trung Quốc - bao gồm định giá không đúng đồng nhân dân tệ nhằm thay thế đồng USD để trở thành đồng tiền dự trữ quốc tế, thiếu minh bạch về quân sự, một số lượng đáng lo ngại các cuộc tấn công mạng được cho là do Trung Quốc tiến hành, tiếp tục hỗ trợ chính trị và kinh tế cho Triều Tiên và không sẵn lòng tuân thủ các trừng phạt của Mỹ chống Triều Tiên - cho thấy Trung Quốc muốn xác định lại trật tự khu vực. Nhiều ví dụ khác có thể dễ thấy trong các hành động gần đây của Trung Quốc tại biển Đông: đẩy mạnh kiểm soát biển, tăng cường huy động tàu ngầm và quấy rầy hoạt động thăm dò năng lượng của các nước láng giềng, đặc biệt là Việt Nam và Ấn Độ. Các hành động này được hầu hết các nước trong khu vực coi là ngày càng mang tính quyết đoán. Nhưng dù nhận thức này chưa chính xác, các tác nhân trong khu vực sẽ tiếp tục hoài nghi sự thiếu minh bạch của Trung Quốc cũng như sự bùng nổ tăng trưởng kinh tế và hiện đại hóa quân sự của nước này. Trung Quốc có thể không muốn kiểm soát toàn bộ khu vực, nhưng rõ ràng muốn là trung tâm của khu vực này.

Trong tương lai, Mỹ sẽ phải xác định làm cách nào có thể duy trì quan hệ hợp tác toàn diện với Trung Quốc mà không đánh mất ưu thế về quân sự của mình trong khu vực, nhằm chống lại sự bá chủ khu vực của Trung Quốc. Sự đa cực về kinh tế và chính trị được hoan nghênh, nhưng vì lợi thế về địa lý của Trung Quốc, sự đa cực về quân sự hàm chứa nguy cơ Trung Quốc trở thành sức mạnh chế ngự trên thực tế. Cách tốt nhất để đảm bảo một hệ thống dựa trên quy tắc và thị trường mở là bằng cách đảm bảo rằng Mỹ duy trì ít nhất một số lợi thế chính trị quan trọng. Tuy nhiên, duy trì năng lực mạnh trên không và trên biển trong bối cảnh thâm hụt ngân sách nghiêm trọng sẽ đòi hỏi sự ủng hộ lâu dài của một loạt các nhà hoạch định chính sách ở hai đảng phải chính trên chính trường Mỹ.

Kết luận

Mỹ phải thừa nhận rằng biển Đông nằm trong tầm ảnh hưởng của Trung Quốc. Mỹ nên vừa hợp tác vừa chế ngự tại khu vực biển này. Hai mục tiêu có vẻ xung đột với nhau, nhưng trên thực tế việc tìm kiếm sự hợp tác lớn hơn trong khi duy trì ảnh hưởng của Mỹ là một cách tiếp cận an ninh khu vực về lâu dài, nếu không muốn nói là bất quy tắc.

Mỹ và các nước khác trong khu vực chia sẻ một lợi ích sống còn liên quan đến khả năng tiếp cận không bị ngăn cản với vùng biển này, và Mỹ sẽ không tha thứ cho một hành động đơn phương của bất kỳ tác nhân nào nhằm bắt nạt các nước láng giềng và vi phạm các quy tắc đã thiết lập. Thay vì rút lui, Mỹ nên tăng cường cam kết quanh lòng chảo duyên hải biển Đông. Chính sách của Mỹ nên tập trung vào sự hiện diện và các liên minh, kết hợp các cam kết ngoại giao và kinh tế. Như Ngoại trưởng Clinton đã nói: "Một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của vai trò lãnh đạo của Mỹ trong thập kỷ tiếp theo sẽ là tập trung gia tăng đầu tư về kinh tế, ngoại giao, chiến lược... tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương".

Với việc Trung Quốc cố gắng chế ngự Tây Thái Bình Dương, các nước Đông Á hơn bao giờ hết tìm cách kết thân với Mỹ. Nhưng các nước này cũng hy vọng tránh xung đột với một Trung Quốc ngày càng hùng mạnh lại là đối tác thương mại chính của họ. Chiến lược lớn của Mỹ nên tập trung vào duy trì sức mạnh và gia tăng cam kết tại khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, nơi có các nền kinh tế năng động nhất thế giới. Mỹ nên chuyển trọng tâm từ chống chủ nghĩa khủng bố và chống nổi dậy tại đại Trung Đông để sang Đông Á. Dù Mỹ sẽ cần duy trì quân đội tại cả hai khu vực này, nhưng sự chuyển hướng sang Đông Á sẽ tiếp tục là một điểm gây sức ép chừng nào Trung Quốc tiếp tục nổi lên. Mỹ sẽ luôn là một quốc gia Thái Bình Dương, nhưng hòa bình và thịnh vượng sẽ ngày càng đòi hỏi Mỹ phải là một cường quốc Thái Bình Dương.