Theo trang thống kê toàn cầu Worldometers, trong 24 giờ qua, Covid-19 tiếp tục tấn công 213 quốc gia và vùng lãnh thổ, lây nhiễm hơn 130.000 người mới và cướp mạng sống của trên 5.000 người.
Ảnh: Reuters |
Như vậy, tính đến 6h sáng ngày 6/6, thế giới đã có hơn 6,8 triệu người dương tính và hơn 397.000 người tử vong vì virus corona chủng mới. Số trường hợp hồi phục đạt trên 3,3 triệu.
Dẫn đầu danh sách vẫn là Mỹ. Đến nay, nước này ghi nhận khoảng 1,95 triệu người nhiễm bệnh và hơn 111.4000 ca tử vong. Chỉ trong 24 giờ, Mỹ có thêm hơn 28.600 ca mới và 1.200 bệnh nhân Covid-19 phải bỏ mạng.
Đây là những con số đáng ngại, trong bối cảnh biểu tình phản đối cảnh sát và chống phân biệt chủng tộc nổ ra ở hàng chục thành phố Mỹ, khiến việc thực thi giãn cách xã hội để ngăn chặn sự lây lan của virus sụp đổ hoàn toàn.
Trong khi đó, Brazil vượt qua Italia trở thành nước có số bệnh nhân Covid-19 tử vong cao thứ 3 thế giới. Với thêm 915 người chết vì bệnh này trong 24 giờ qua, Brazil đến nay ghi nhận tổng cộng gần 35.000 nạn nhân Covid-19 xấu số. Số trường hợp dương tính tăng thêm hơn 27.000 người, nâng danh sách tổng lên quá 643.000 người.
Cảnh báo đáng sợ của WHO
Hans Kluge, Giám đốc phụ trách châu Âu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), cảnh báo Covid-19 có nguy cơ tái diễn nếu những nước đang thoát khỏi làn sóng dịch bệnh đầu tiên không thận trọng khi nới lỏng các hạn chế.
Quan chức này nhắc lại thông điệp chính của WHO: kể cả đại dịch Covid-19 dường như đã được kiểm soát thì mối đe dọa của nó vẫn tồn tại.
Ông chỉ ra nguy cơ làn sóng dịch bệnh lần 2 sẽ "vô cùng hủy diệt" nếu các ổ dịch không được khoanh vùng và cô lập tốt.
Các tỷ phú Mỹ giàu thêm
Theo báo cáo mới của Viện Nghiên cứu chính sách Mỹ, bất chấp đại dịch Covid-19 hoành hành khắp nơi, tài sản của các tỉ phú nước này vẫn tăng thêm 565 tỉ USD tính từ ngày 18/3 đến nay.
Báo cáo nêu tổng tài sản của các tỉ phú ở mức 3,5 nghìn tỉ USD, tăng 19% so với thời điểm bắt đầu đại dịch.
Chỉ riêng Jeff Bezos, ông chủ Amazon, đã thu về thêm 36,2 tỉ USD từ mốc tài sản tính đến 18/3 - ngày gắn liền với cuộc khảo sát Tỉ phú Toàn cầu năm 2020 của Forbes, cũng là thời điểm các tiểu bang của Mỹ bắt đầu triển khai các biện pháp phong tỏa để ngăn chặn dịch bệnh.
Lý do chính là dù đại dịch lây lan khắp nơi nhưng thị trường chứng khoán vẫn tăng do các công ty lớn "ra tay" kịp thời như cắt giảm lãi suất và cam kết số lượng trái phiếu không giới hạn. Một số hãng thậm chí còn phát triển mạnh, điển hình là Amazon với giá cổ phiếu tăng 47% so với mức thấp nhất giữa tháng 3.
Thanh Hảo