Trong các kiến nghị của cử tri được tập hợp gửi lên Chính phủ, một số cử tri cho biết, căng thẳng và xung đột thương mại giữa các nền kinh tế lớn vẫn gay gắt, nhất là giữa Mỹ - Trung được đẩy lên một cấp độ mới; căng thẳng thương mại giữa Mỹ - EU và Canada cũng chưa hạ nhiệt. Kịch bản xấu nhất mà IMF dự báo là xảy ra “chiến tranh thương mại toàn diện”.

Phản hồi về nội dung này, Bộ Công Thương cho biết, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung kể từ khi diễn ra vào đầu tháng 7/2018 với quy mô áp thuế 68 tỷ USD tổng giá trị hàng hóa xuất khẩu sang nhau của hai bên, tới nay đã leo thang lên quy mô 260 tỷ USD. Phạm vi cuộc chiến cũng không chỉ gia tăng ở diện hàng hóa bị áp thuế của mỗi bên, mà còn lan sang cả các lĩnh vực khác như đầu tư, khoa học công nghệ, sở hữu trí tuệ, tài chính - tiền tệ...

{keywords}
Chiến tranh thương mại đã gây ra những hướng tác động nhất định với Việt Nam.

Theo Bộ Công Thương, trước những diễn biến phức tạp của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung nói riêng và của tình hình khu vực, thế giới nói chung, trong thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng đã có những chỉ đạo rất sát sao, điều hành linh hoạt, kịp thời, đặc biệt là đối với các vấn đề về điều hành tỷ giá, lãi suất, xử lý các vấn đề về thương mại, thị trường, phòng vệ thương mại...

Qua đó về cơ bản, Việt Nam đã vượt qua những khó khăn, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, thực hiện đạt và vượt 12/12 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của nước ta năm 2018 so với mục tiêu kế hoạch đề ra.

Dù vậy, Bộ Công Thương cũng thừa nhận, chiến tranh thương mại đã gây ra những hướng tác động nhất định với Việt Nam, có thể kể đến việc Mỹ và Trung Quốc tăng cường điều tra chống lẩn tránh thuế đối với hàng hóa mượn địa bàn Việt Nam để xuất khẩu sang Trung Quốc và Mỹ.

Bên cạnh đó, các nước khác, ngoài Trung Quốc và Mỹ, có thể sẽ áp dụng các biện pháp tự vệ đối với tất cả các mặt hàng từ tất cả các nước (trong đó có Việt Nam) mà họ thấy có rủi ro bị nhập khẩu tràn vào. Xuất khẩu của Việt Nam cũng có thể bị ảnh hưởng tiêu cực bởi Trung Quốc và Mỹ tăng cường thực hiện các biện pháp chống lẩn tránh đối với hàng hóa mượn địa bàn Việt Nam để xuất khẩu sang Mỹ và Trung Quốc.

Nhập khẩu vào Việt Nam gia tăng do Mỹ và Trung Quốc chuyển hướng xuất khẩu sang các thị trường thay thế như Việt Nam thay vì xuất khẩu sang nhau trong khi xuất khẩu có thể bị ảnh hưởng tiêu cực do giảm nhập khẩu từ Việt Nam các hàng hóa đầu vào phục vụ sản xuất.

Đáng chú ý, xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc có thể gặp khó khăn hơn và nhập khẩu từ Trung Quốc có thể gia tăng do hiệu ứng của đồng Nhân dân tệ mất giá tương đối so với Việt Nam Đồng. Đầu tư vào Việt Nam có thể sẽ gia tăng từ việc các doanh nghiệp nước ngoài dịch chuyển đầu tư sang Việt Nam. Tuy nhiên, trong bối cảnh chiến tranh thương mại, môi trường đầu tư, kinh doanh bất ổn, các doanh nghiệp cũng có thể tạm ngừng hoặc giảm đầu tư (cả đầu tư trực tiếp và đầu tư gián tiếp).

Tại phiên chất vấn diễn ra tuần qua, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho hay, đối với chúng ta, một nền kinh tế độ mở rất lớn gần 200% tổng giá trị xuất nhập khẩu với tổng GDP cả nước, bất cứ một tác động, ảnh hưởng của kinh tế thế giới sẽ tác động đến kinh tế của chúng ta.

Khi cạnh tranh thương mại Mỹ - Trung xảy ra trong năm 2018, Thủ tướng Chính phủ hết sức quan tâm vấn đề này, đã thành lập ban chỉ đạo, nghiên cứu đánh giá tình hình, kiến nghị chính sách để thể hiện rõ chúng ta rất quan tâm đến sự cạnh tranh này vì sự ảnh hưởng của nó.

"Chúng ta cũng đánh giá về ngắn hạn có thể cạnh tranh hiện nay thúc đẩy một số mặt hàng xuất khẩu của chúng ta, đồng thời có thể ảnh hưởng đến nguồn cung của các sản phẩm xuất khẩu của chúng ta. Về ngắn hạn có thể tăng lên nhưng về dài hạn có thể tác động. Có những đánh giá của chúng ta cho thấy là hiện nay có thể giảm 0,2 - 0,3% điểm. Trong 5 năm tới có thể giảm GDP khoảng 6.000 tỷ đồng", ông nói.

Phó Thủ tướng cho biết, biện pháp của Việt Nam là trên cơ sở chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đã xây dựng nhiều kịch bản cũng như đề án biện pháp cần thiết để đảm bảo nền kinh tế tiếp tục phát triển. Cùng với đó, tiếp tục duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, đảm bảo linh hoạt tỷ giá bởi tác động của cạnh tranh thương mại sẽ tác động đến tỷ giá; Nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp chúng ta trong xuất, nhập khẩu, cải thiện môi trường đầu tư để đảm bảo khả năng cạnh tranh.

"Ngoài ra, rất quan trọng đó là tình hiện nay đã đang mở ra xu hướng chuyển dịch các đầu tư nước ngoài vào Việt Nam và trong 5 tháng đầu năm nay thì xu hướng đầu tư này có tăng lên. Chúng ta cũng phải hết sức cảnh giác với việc có thể các hàng hóa thông qua Việt Nam, xuất khẩu qua thị trường Việt Nam để xuất khẩu vào những thị trường đánh thuế cao để tránh thuế", ông nhấn mạnh.

(Theo Dân trí)