LTS: Phạm Vũ Thiều Quang, học sinh tú tài quốc tế từ Thụy Điển đã trở về Việt Nam để theo dõi Hội nghị thượng đỉnh Mỹ -Triều. Học chuyên sâu về chính trị quốc tế, bạn trẻ này đã chia sẻ với Tuần Việt Nam góc nhìn của mình về sự kiện lịch sử này.
Nhà báo Phạm Huyền: Bạn nhìn nhận thế nào về kết quả của Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần này?
Phạm Vũ Thiều Quang: Có thể thấy, quan hệ Mỹ-Triều đang đi lên thì với việc chưa đạt được thỏa thuận nào ở hội nghị lần này không phải là điều đáng thất vọng.
Nguyên nhân thì ai cũng biết rồi. Triều Tiên muốn cả Mỹ và Liên Hợp Quốc dỡ bỏ mọi lệnh cấm vận đối với mình, đổi lại, Triều Tiên sẽ đáp ứng điều mà Mỹ và cả thế giới mong muốn: giải giáp cơ sở hạt nhân Yongbyon. Trong khi đó, Mỹ chưa muốn vậy.
Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Kim Jong-un vẫn chưa đạt được thỏa thuận nào trong Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2 tại Hà Nội. |
Năm 2017, chúng ta nhìn thấy hai nhà lãnh đạo này nói chuyện với nhau như cựu thù, không ai thắng không ai thua. Đến tháng 6/2018, hai bên lần đầu tiên gặp nhau tại Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ nhất. Tôi nghĩ, những chuyển biến này mới trải qua một thời gian khá ngắn, cần có thêm thời gian để có thể tiến tới một kết quả hoàn hảo như chúng ta và cả thế giới đang mong muốn.
Lệnh cấm vận đã và đang kìm hãm Triều Tiên phát triển. Cho nên, tôi nghĩ mong muốn dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận của ông Kim Jong-un với cương vị đứng đầu đất nước là chính đáng?
Tất nhiên, đó là mong muốn chính đáng của ông Kim Jong-un. Dỡ bỏ mọi lệnh cấm vận sẽ là giải pháp giúp Triều Tiên phát triển, thoát khỏi vị thế là một trong những nước nghèo nhất thế giới hiện nay.
Tuy nhiên, Triều Tiên vẫn đang sản xuất nguyên liệu hạt nhân và chế tạo vũ khí hạt nhân. Họ chỉ mới dừng thử nghiệm vũ khí hạt nhân từ tháng 11/2017. Đến bây giờ, họ đã có 40-60 đầu đạn tên lửa hạt nhân. Đó là điều mà tôi cho là ông Trump và nhiều bên khá cân nhắc.
Chúng ta nhớ rằng, cuối tuần trước, ông Kim Jong-un có nói với ngoại trưởng Mỹ Pompeo khi ngoại trưởng đến thăm Bình Nhưỡng: "Tôi là một người bố, tôi có con và tôi không muốn con cái mình phải hứng chịu gánh nặng vũ khí hạt nhân trong suốt cuộc đời".
Trả lời trong cuộc họp mở rộng diễn ra sáng nay (28/2), ông Kim Jong-un cũng nói: "Nếu không muốn phi hạt nhân hóa thì tôi đã không ở đây".
Tôi nghĩ, chúng ta vẫn có thể hi vọng phi hạt nhân hóa hoàn toàn ở Triều Tiên trong một tương lai gần.
Phạm Vũ Thiều Quang, học sinh tú tài quốc tế từ Thụy điển đã trở về Việt Nam để theo dõi Hội nghị thượng đỉnh Mỹ Triều. |
Theo bạn, ông Donald Trump không muốn dỡ bỏ tất cả các lệnh cấm vấn thì ông ấy có thể nới được đến đâu?
Ví dụ, dỡ bỏ lệnh cấm vận trong lĩnh vực du lịch đối với Triều Tiên. Sau căng thẳng năm 2017, ông Donald Trump đã cấm tất cả công dân của mình đến Triều Tiên dù bất kỳ mục đích gì, loại trừ mục đích ngoại giao.
Trong khi đó,Triều Tiên đang muốn phát triển du lịch của mình. Thế giới cũng nhìn nhận Triều Tiên rất có tiềm năng ở lĩnh vực này, một đất nước kỳ bì đáng để tham quan và khám phá. Nếu dỡ bỏ cấm vận lĩnh vực này, Triều Tiên có thể phát triển mạnh hơn về kinh tế.
Hay như ngành hàng không Triều Tiên đang bị ảnh hưởng vì cấm vận, cấm bay đến nhiều nước trừ Trung Quốc. Ngành hàng không nước này được coi tệ nhất thế giới vì máy bay cũ, không đảm bảo an toàn. Nếu dỡ bỏ lệnh này, Triều Tiên có thể phát triển hàng không và điều đó sẽ còn mang lại ý nghĩa nhân văn chứ không chỉ là thúc đẩy kinh tế.
Người ta nói rằng, việc không đạt được thỏa thuận ở Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần này là vì ông Trump đã quá vội vã khi quyết định xúc tiến hội nghị này. Bạn nghĩ sao?
Tôi cũng nghĩ vậy. Dù sao, Trump công bố kế hoạch này với thế giới chỉ mới 2 tuần trước. Dường như, chưa có sự chuẩn bị kỹ lưỡng nào. Hội nghị thượng đỉnh lần 1 ở Singapore có sự chuẩn bị tới 3 tháng để hai bên xây dựng nền tảng đàm phán với nhau.
Hai vị lãnh đạo đến đây và mọi người nhìn thấy, cuộc gặp chỉ dựa trên một nền tảng khá mơ hồ từ Hội nghị ở Singapore, với thỏa thuận rất chung chung là sẽ gặp nhau để bàn thảo việc phi hạt nhân hóa hoàn toàn ở Triều Tiên.
Vì thế, chúng ta có thể nghĩ rằng, hội nghị không đạt được kết quả gì lớn ngay khi nó chưa diễn ra.
Dù không đạt được thỏa thuận nào thì Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần này vẫn có giá trị ý nghĩa nào đó cho các bên ở đây?
Nhìn theo một hướng khác, chúng ta không nên thất vọng quá về sự kiện này. Ta có thể thấy, Phó Chủ tịch Quốc hội Triều Tiên đã đến thăm vịnh Hạ Long, tìm hiểu cách mà Việt Nam phát triển du lịch, xem cả nhà máy Vinfast, tham khảo mô hình phát triển kinh tế Việt Nam.
Rõ ràng, nhân sự kiện này, Triều Tiên đã có dịp tham khảo con đường phát triển của Việt Nam và có thể đi theo mô hình phát triển kinh tế ở Việt Nam. Nói cách khác, Việt Nam cũng đã có đóng góp không nhỏ cho nước bạn.
Trước hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều, rất nhiều bài viết lạc quan về kết quả của hội nghị nhưng giờ không phải vậy. Liệu điều đó có ảnh hưởng đến cái "được" của Việt Nam, mong muốn là một trung tâm hòa giải xung đột thế giới, tham gia lớn vào tiến trình xây dựng hòa bình thế giới?
Việt Nam đã rất thành công với sự kiện này. Trong 2 tuần, Việt Nam đã chuẩn bị rất tốt và thể hiện cho cả thế giới biết đến một Việt Nam thân thiện, tham gia sâu vào các công việc chung của thế giới một cách chu đáo và chuyên nghiệp.
Singpore chi ra 17 triệu USD để tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 1 và họ đã thu được gần 800 triệu USD từ các hoạt động quảng bá hình ảnh.
Ở Việt Nam, chúng ta cũng có thể đạt được những giá trị tương tự như vậy.
Vậy dự cảm của bạn về tiến trình thượng đỉnh Mỹ-Triều trong tương lai sẽ thế nào?
Rất tiềm năng! Ông Trump và ông Kim Jong-un đã phát triển được một mối quan hệ tốt đẹp nhất chưa từng có trong lịch sử giữa hai nước. Đó là điều chưa đạt được ở thời Tổng thống Obama, Bush và Chủ tịch Kim Jong- il và Kim Nhật Thành.
Kể cả khi sau năm 2020, nếu ông Donald Trump không tiếp tục làm Tổng thống thì Mỹ sẽ vẫn tiếp tục đi theo con đường bình thường hóa với Triều Tiên như vậy. Và tôi nghĩ là có nhiều cái để hy vọng.
Phạm Huyền (thực hiện)