Động thái này đến sau khi Trung Quốc đe dọa sẽ giới hạn lượng đất hiếm được xuất khẩu sang Mỹ. Đất hiếm là một nhóm gồm 17 nguyên tố hóa học được sử dụng trong việc sản xuất rất nhiều thiết bị vũ khí và các đồ điện tử dân dụng công nghệ cao.
Tuy Trung Quốc chỉ chiếm 1/3 tổng sản lượng đất hiếm trên thế giới, nước này cung cấp tới 80% lượng đất hiếm được nhập khẩu vào Mỹ, qua việc sở hữu gần như tất cả các cơ sở xử lý chất liệu này trên thế giới, theo dữ liệu từ Khảo sát Địa chất Mỹ.
Bên trong một nhà máy xử lý đất hiếm thuộc Lynas Corp tại Gebeng, Malaysia. |
“Chúng tôi đang tìm kiếm bất cứ nguồn cung cấp nào ngoài Trung Quốc. Chúng tôi muốn có sự đa dạng. Chúng tôi không muốn phụ thuộc vào một nhà sản xuất duy nhất”, anh Jason Nie, một kĩ sư vật liệu ở Cơ quan Hậu cần Quốc phòng của Lầu Năm Góc cho biết.
Cơ quan này cũng đã nói chuyện với tập đoàn Đất hiếm Rainbow của Burundi về các nguồn cung trong tương lai, cũng như đề nghị giới thiệu nhiều dự án đất hiếm đang phát triển của Mỹ với các nhà đầu tư tiềm năng, anh Nie cho biết. “Chúng tôi có thể làm nhiệm vụ kết nối”.
Trung Quốc đã gợi ý qua truyền thông vào tháng trước rằng nước này có thể sẽ giới hạn việc bán đất hiếm cho nền kinh tế số một thế giới. Nếu quyết định này được đưa ra, đây sẽ không phải là lần đầu tiên Trung Quốc làm việc này. Năm 2010, trong một xung đột ngoại giao, Trung Quốc đã hạn chế xuất khẩu đất hiếm cho Nhật bản.
“Nếu bạn đặt mình vào vị trí của Trung Quốc, đây là vũ khí chính của họ trong cuộc chiến thương mại”, anh Mark Seddon, một nhà phân tích về kim loại cho biết.
Trung Quốc chi phối gần như toàn bộ năng suất sơ chế và xử lý đất hiếm trên toàn cầu, với công ty duy nhất ngoài nước này có năng suất đáng kể là Lynas Corp thuộc Australia.
“Việc phụ thuộc vào một nguồn cung lớn duy nhất cho bất kì vật liệu nào đều không phải ý hay”, cô Amanda Lacaze, giám đốc của Lynas cho biết. Công ty này tháng trước đã kí một biên bản ghi nhớ về việc hợp tác xây dựng một cơ sở xử lý đất hiếm tại Texas, Mỹ với tập đoàn tư nhân Blue Line Corp.
Nhiều công ty Mỹ khác cũng đang phát triển các dự án sản xuất đất hiếm. Tuy nhiên, các dự án này sẽ mất nhiều năm nữa mới có thể đi vào hoạt động. Hôm 4/6, Bộ Thương mại Mỹ đã khuyến nghị một loạt các hành động khẩn trương để thúc đẩy việc sản xuất đất hiếm nội địa.
Anh Thư