Hôm 19/11 vừa qua, Mỹ đã bỏ ngang cuộc họp với phía Hàn Quốc, sau khi các quan chức Seoul không chấp nhận những yêu cầu của Mỹ về chia sẻ chi phí quân sự. “Đề xuất của Hàn Quốc không đáp ứng được yêu cầu của chúng tôi về việc chia sẻ gánh nặng một cách công bằng”, SCMP trích lời người đứng đầu đoàn đàm phán phía Mỹ James DeHart nói.

{keywords}
Ông James DeHart phát biểu hôm 19/11. Ảnh: AP

Chính quyền Washington khăng khăng yêu cầu Hàn Quốc và Nhật Bản tăng số tiền trả cho việc quân đội Mỹ đồn trú tại 2 quốc gia này lần lượt là 5 và 8 tỷ USD. Dự kiến, Mỹ sẽ có những cuộc hội đàm với phía Nhật trong năm 2020.

Nhà đàm phán phía Hàn Quốc Jeong Eun-bo cho biết, đề nghị của Washington và Seoul đưa ra khá là “khác biệt”. Bên ngoài địa điểm đàm phán, khoảng 300 người Hàn Quốc đã tụ tập phản đối, cho rằng yêu cầu của Washington là ‘một sự trục lợi’.

Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ (JSC) Mark Milley tuần trước nói rằng, một bộ phận nhỏ người dân Mỹ đang tỏ ra hoài nghi về sự hiện diện của quân đội nước này tại Hàn Quốc và Nhật Bản. “Tại sao quân đội Mỹ cần đóng quân ở đó? Chi phí sẽ là bao nhiêu? Đây là những nước giàu có, tại sao họ không thể tự bảo vệ mình?”, ông Milley nêu ra những nghi vấn.

Sự căng thẳng tiếp tục leo thang khi chính quyền Trump đang giảm dần sự hiện diện của quân đội Mỹ trong khu vực, và điều này dấy lên sự lo ngại trong các nước đồng minh.

{keywords}
Tổng thống Trump (giữa) cùng Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Mark Esper (trái) và ông Mark Milley (phải). Ảnh: Reuters

Những sự lo ngại trên cũng xuất hiện ở châu Âu, khi ông Trump lâu nay luôn chỉ trích các đồng minh NATO về vấn đề chia sẻ chi phí quốc phòng. Ông Trump yêu cầu mỗi nước thành viên NATO đóng góp ít nhất 2% GDP. Mỹ cũng lên lịch đàm phán với Đức và NATO trong năm tới.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron gần đây nhận định NATO đang ‘chết não’, khi tổ chức này thiếu các định hướng chiến lược, cũng như sự lãnh đạo của Washington. Ông nhận định nước Mỹ dưới thời ông Trump “đang quay lưng lại với NATO”, và kêu gọi châu Âu làm nhiều hơn nữa với mục tiêu “tự chủ về chiến lược” nhằm lấp đầy khoảng trống an ninh.

Chuyên gia Kristen Lee thuộc Trung Tâm An ninh Mỹ mới (CNAS) nói rằng, chính quyền Trump đã không thành công trong việc trấn an các đồng minh và nhiều nước đối tác về những cam kết của Washington trong khu vực, và tầm quan trọng chiến lược của những quốc gia với Mỹ.

“Chủ nghĩa song phương và chủ nghĩa giao dịch chiếm ưu thế trong cách tiếp cận của Washington về việc chia sẻ gánh nặng quân sự, do vậy điều này đã không cho nước Mỹ một vị thế vững chắc để có thể cạnh tranh với Nga và Trung Quốc trên một số khu vực quan trọng”, bà Lee nói.

{keywords}
Chuyên gia Kristen Lee thuộc Trung Tâm An ninh Mỹ mới (CNAS). Ảnh: CNAS

Nhà nghiên cứu Timothy Heath thuộc Tập đoàn quân sự RAND lại dự đoán, nước Mỹ sẽ không giảm đáng kể những cam kết của nước này với các đồng minh ở châu Âu lẫn châu Á.

“Có thể hiểu được sự bất nhất trong các tuyên bố của những quan chức hàng đầu của Mỹ đã dấy lên sự lo ngại. Tuy nhiên, chúng ta cần xem xét kỹ hơn nữa về các tài liệu quốc phòng và an ninh quốc gia của Mỹ, để có thể hiểu rõ những cam kết của nước này với các đồng minh ở châu Âu lẫn châu Á. Nước Mỹ có những lợi ích về kinh tế lẫn an ninh quan trọng trong những khu vực này, và do vậy Washington khó có thể rút lại những lời cam kết”, ông Heath nói.

“Những nước này, nhất là ở châu Âu và Nhật Bản là những nguồn lực quân sự không thể thay thế của Washington, khi Mỹ cần tới những nguồn lực này để bảo vệ các tuyến đường hàng hải. Nước Mỹ sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong những khu vực đó, để đảm bảo nguồn cung cấp năng lượng và hàng hải trên toàn cầu được ổn định. Bởi những yếu tố này là điều thiết yếu với nền kinh tế Mỹ nói riêng và toàn cầu nói chung”, ông Heath kết luận.

Tuấn Trần