Trong thông cáo đăng tải ngày 10/2, Bộ Quốc phòng Mỹ cho hay: "Tính tới hôm nay, 109 lính Mỹ đã bị chẩn đoán tổn thương não nhẹ vì sang chấn (mTBI), tăng 45 trường hợp so với báo cáo trước đây". Tuy nhiên, Lầu Năm góc nói thêm, 76 trường hợp trong số này sau thời gian điều trị ngắn đã quay trở lại đơn vị tiếp tục làm nhiệm vụ.
Các binh sĩ Mỹ tại căn cứ Ain Al-Asad, Iraq sau vụ tấn công trả thù bằng tên lửa đạn đạo của Iran ngày 8/1. Ảnh: Reuters |
Theo Sputnik, suốt nhiều tháng qua, các căn cứ quân sự Mỹ tại Iraq liên tục bị dội tên lửa. Căng thẳng leo thang sau khi các lực lượng Mỹ ngày 3/1 tiến hành vụ không kích tiêu diệt Thiếu tướng Qassem Soleimani, tư lệnh lực lượng đặc nhiệm Quds thuộc Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) và nhiều thành viên cấp cao của dân quân Iraq gần sân bay quốc tế Baghdad, theo lệnh của Tổng thống Donald Trump.
Cái chết của ông Soleimani đã trầm trọng hóa khủng hoảng trong quan hệ Mỹ - Iran và khiến nhiều người lo ngại xảy ra xung đột quân sự giữa hai nước. Ngày 8/1, các lực lượng Tehran đã dùng 16 quả tên lửa bắn phá hai căn cứ có lính đồn trú ở Iraq, để trả thù vụ sát hại vị tư lệnh quân đội hàng đầu quốc gia Hồi giáo.
Ban đầu, chính quyền ông Trump khăng khăng không có trường hợp người nào bị thương vong vì vụ tấn công. Tuy nhiên, hơn một tuần sau đó, Bộ Tư lệnh Mỹ đặc trách miền Trung (CENTCOM) thừa nhận có 11 binh sĩ đang phải điều trị vì các thương tổn trong sự cố. Con số này được nâng lên hơn 100 người trong báo cáo thống kê tính đến ngày 10/2.
Sau sự cố liên quan đến ông Soleimani, Quốc hội Iraq đã bỏ phiếu phê chuẩn việc trục xuất mọi lực lượng ngoại binh khỏi nước này. Song, quyết định vẫn chưa được hiện thực hóa. Kể từ đó, Baghdad đã kích hoạt một dạng hợp tác mới với liên quân do Mỹ dẫn đầu tại nước này nhằm giảm các hoạt động của họ xuống còn tham vấn, phân phát vũ khí và huấn luyện cũng như giới hạn tự do di chuyển của họ trên đất Iraq.
Tuấn Anh