Bạn làm việc 8 tiếng một ngày và không ngớt kêu ca mình đang bị công việc vắt kiệt sức? Có thể bạn sẽ cảm thấy một chút xấu hổ nếu đem so khối lượng công việc của mình với công việc mà những con vật được trang Discovery liệt kê sau đây vẫn làm hàng ngày để “kiếm sống”.

Kiến – những công nhân chăm chỉ


Kiến là loài động vật có tổ chức xã hội chặt chẽ và sự phân công lao động rõ ràng. Mỗi thành viên trong một đàn kiến sẽ giữ một trách nhiệm riêng biệt. Kiến chúa chỉ có 1 nhiệm vụ duy nhất là sinh sản, còn kiến đực chỉ lo phần việc “hợp tác” với kiến chúa trong việc gia tăng dân số của đàn. Tuy nhiên, khác với kiến chúa có tuổi thọ đến 15-20 năm, những con kiến đực sẽ chết sau khi giao phối. Các thành viên khác trong một đàn kiến sẽ có nhiệm vụ duy trì hoạt động của cả đàn được suôn sẻ. Kiến thợ có nhiệm vụ chăm sóc và cho các ấu trùng kiến ăn cũng như lo việc dọn dẹp vệ sinh trong tổ kiến và đào thêm những đường hầm mới. Kiến kiếm ăn phụ trách việc tìm và mang thức ăn về tổ. Ngoài ra còn có những con kiến phụ trách bảo vệ an ninh khu vực quanh tổ, những con kiến lo việc trinh thám…Các đàn kiến đã trở thành một phần không thể thiếu trong một hệ sinh thái. Chúng giúp dọn dẹp xác chết của các sinh vật khác, hơn nữa, việc chúng đào những đường hầm trong lòng đất làm cho đất thoáng khí hơn.

Hải ly – thợ xây lành nghề


Hải ly là những kỹ sư xây dựng rất tinh thông và siêng năng. Chúng thường xây những con đập trên sông hoặc suối để tạo ra những cái ao nước làm chỗ sinh sống. Công việc xây dựng bắt đầu vào cuối mùa hè và diễn ra suốt mùa thu để làm tổ trú cho mùa đông. Chúng dùng những chiếc răng dài và nhọn để đốn ngã cây rồi lại tiếp tục rã thân cây ra nhiều mảnh nhỏ để dễ mang về chỗ cần xây tổ. Chúng sẽ xếp chồng những khúc cây này lên nhau cho tới khi tạo được một con đập. Nhưng công việc của chúng không dừng lại ở đó, sau đó chúng còn phải đào một cái hang làm chỗ trú và dự trữ thức ăn cho mùa đông dài. Mặc dù những công trình xây dựng của hải ly khiến nhiều nhà môi trường đau đầu vì những con đập này chặn dòng chảy tự nhiên của các dòng sông, suối, tuy nhiên công việc của chúng cũng có lợi cho một số loài động vật khác thường uống nước trên những cái ao mà chúng đã tạo ra.

 
Sư tử cái – những tay thợ săn cừ khôi


Trong vương quốc động vật, sư tử cái là điển hình cho mẫu “phụ nữ trụ cột trong gia đình”. Chúng không những mang thức ăn về cho gia đình mà còn đảm đương luôn nhiệm vụ nuôi nấng con của mình và chăm sóc luôn con của các bà mẹ khác ở trong đàn. Trong khi sư tử đực được xem là một biểu tượng của sức mạnh và niềm kiêu hãnh, có nhiệm vụ bảo vệ gia đình khỏi những kẻ săn mồi khác, thì sư tử cái lại đảm đương phần việc đi săn đầy khó khăn. Vì không có cái bờm làm vướng víu và dễ khiến cho con mồi phát hiện, nên sư tử cái có thể âm thầm theo dõi sát con mồi trước khi tấn công mà không  bị phát hiện. Những nữ hoàng hoang mạc này thường đi săn về đêm, và ở chúng thể hiện mạnh mẽ cái gọi là “nữ quyền” khi các con cái phối hợp với nhau phục kích và hạ sát con mồi.


Chó rừng châu Phi – những tên đồ tể


Những tên đồ tể trên các hoang mạc châu Phi này có một vai trò quan trọng trong hệ sinh thái bởi chúng giúp loại bỏ các con vật bị ốm hoặc bị thương, giúp duy trì sự cân bằng và cải thiện các loài bị chúng săn mồi. Khi săn mồi, chúng luôn làm việc theo nhóm; một vài con sẽ tiến lên phía trước tiếp cận con mồi trong khi những con khác yểm trợ phía sau. Khi những con phía trước đã mệt thì những con khác sẽ lên thay thế. Nhờ làm việc theo nhóm mà hiếm khi chúng để sổng con mồi. Theo quan sát của các chuyên gia tại sở thú San Diego, tỉ lệ thành công trong các cuộc đi săn của loài này là từ 70 – 90%, trong khi sư tử chỉ có 30 – 40%.

Chim bowerbird – những nhà trang trí nội thất tinh tế


Những con chim trống của loài này là những nhà trang trí nội thất đầy tài hoa. Chúng không chỉ xây tổ mà còn bỏ rất nhiều công sức để trang trí cho cái tổ hòng thu hút sự chú ý của các cô nàng. Khi thiết kế nội thất, chúng sẽ sắp xếp những viên sỏi, những vỏ sò, những cánh hoa sặc sỡ hay những thứ linh tinh khác mà chúng kiếm được để trang hoàng cho cái tổ thật bắt mắt. Theo một nghiên cứu mới đây thì các nhà khoa học còn khẳng định rằng những con chim trống không những trang trí tổ cho đẹp mà cách thiết kế và trang hoàng của chúng còn làm cho cái tổ và cả anh chàng đa tài trông lớn hơn so với kích thước thật. Vì sự cạnh tranh trên tình trường của loài này khá gay gắt, một nàng có đến vài chàng theo đuổi, nên cũng chẳng trách những anh chàng này phải tận dụng mọi “chiêu thức” mới mong có được “người đẹp”.


Cá Wrasse – bác sỹ thẩm mỹ


Nhiều loài sinh vật sống ở các rạn san hô rất biết ơn loài cá siêng năng này vì nhờ chúng mang lại cho 1 cuộc sống sạch sẽ hơn. Với thân hình nhỏ nhắn chỉ khoảng 5-7cm, loài cá này dành cả ngày trời để cọ rửa các loài ký sinh và những mảnh vảy chết cho các loài cá sống quanh nó. Nó làm việc rất tận tâm và cẩn thận,  tỉ mỉ làm sạch vây, đuôi và cả răng miệng. Nhiều khách hàng của chúng là những con cá rất to và thường là những kẻ săn mồi nguy hiểm. Tuy nhiên, lợi ích của công việc mà loài cá nhỏ bé này mang lại cho chúng quan trọng đến nỗi chúng sẵn sàng bỏ một bữa ăn nhẹ để có được dịch vụ vệ sinh đáng giá hơn nhiều. Dĩ nhiên công việc của loài cá này không phải hoàn toàn là “từ thiện vì lợi ích cộng đồng”, đổi lại những sản phẩm thu được khi dọn dẹp là thức ăn cho chúng. Một bên được vệ sinh sạch sẽ, còn 1 bên được no bụng, vậy là đôi bên cùng có lợi.


Mối – chuyên gia phá hủy


Khi nghe tới tên của loài này, bạn sẽ nghĩ ngay tới sự phá hoại. Tuy nhiên, loài côn trùng nhỏ xíu này có một vai trò rất quan trọng ngoài tự nhiên. Mối cũng là loài sống theo đàn và có tổ chức xã hội tương tự loài kiến. Trong đó, những con mối thợ (thân màu trắng) là nhóm công nhân chịu trách nhiệm tìm kiếm những nguồn gỗ mới. Chúng còn có nhiệm vụ đào hang trong những khối gỗ này và chăm sóc mối non. Mối lính là những con mối trưởng thành hơn, chúng có thân mình màu vàng nâu và cái miệng màu đen. Trách nhiệm chính của chúng là bảo vệ đàn của mình khỏi những kẻ thù khác như kiến hoặc những đàn mối cạnh tranh. Những con mối có cánh trong đàn là những con giữ trách nhiệm phân chia và bắt đầu gây dựng một đàn mối mới.
Trong khi mối là nỗi kinh hoàng của mọi gia đình, và mỗi năm người ta lại chi hàng triệu đôla chỉ để tống khứ hoặc hạn chế sự xâm lăng phá hoại của chúng trong nhà, thì ngoài tự nhiên, chúng giúp phân rã những thân cây mục làm đất tơi xốp màu mỡ và lấy chỗ trống cho những cây non mọc lên.

Giun đất – nông dân chăm chỉ


Những con giun đất trông thật đơn giản, thế nhưng Charles Darwin đã dành hàng chục năm nghiên cứu về chúng và nói rằng chúng đóng một vai trò sống còn trong lịch sử thế giới của chúng ta. Và Darwin không phải là người duy nhất trân trọng vai trò của loài này, mà những ai đã từng ủ phân trộn đều biết lợi ích của chúng. Giun đất là những nông dân tuyệt vời của tự nhiên, chúng cần mẫn ngày đêm cày tơi đất, nhờ vậy mà đất tơi xốp, thoáng khí, giúp nước luân chuyển dễ dàng. Phân giun đất còn là một nguồn dinh dưỡng cho đất bởi chúng giàu đạm, canxin và các khoáng chất khác, là một phần không thể thiếu trong một hệ sinh thái khỏe mạnh. Sự hiện diện của giun đất là dấu hiệu cho biết một vùng đất có sạch và khỏe hay không.


Chim cánh cụt hoàng đế - những ông bố bà mẹ tận tụy


Ai đã từng xem bộ phim tài liệu “March of the Penguins” – một thiên anh hùng ca bi tráng về loài chim cánh cụt hoàng đế - đều bị chinh phục hoàn toàn bởi công sức lớn lao mà loài này bỏ ra để duy trì nòi giống. Vào tháng 4 hàng năm loài chim này sẽ thực hiện một chuyến đi đầy gian lao từ bờ biển đến sâu trong đất liền cách đó khoảng 80 km chỉ để sinh nở. Sau khi chim mái đẻ 1 quả trứng duy nhất, nó sẽ chuyển sang cho con đực trông giữ và trở lại biển tìm thức ăn. Chim đực từ lúc này sẽ trở thành một ông bố tận tụy với một nhiệm vụ duy nhất là giữ quả trứng trên chân và dùng thân mình để ấp nó trong suốt 64 ngày đêm cho tới khi trứng nở. (Những ông bố nào vụng về để trứng rơi xuống mặt băng lạnh giá sẽ vĩnh viễn mất đi cơ hội làm cha của mình.) Khi chim non vừa chào đời, chim bố sẽ bón cho chúng ăn bằng chất dịch tiết ra từ thực quản của mình cho tới khi chim mẹ quay lại. Khi chim mẹ quay lại, chúng sẽ đổi phiên chăm sóc con và lúc này chim bố mới trở lại biển để kiếm thức ăn lần đầu tiên sau hơn 4 tháng ấp trứng. Đến tháng 12 – mùa hè ở Bắc Cực – băng tan để lộ mặt nước, cũng vừa lúc chim non có thể tự bơi và kiếm thức ăn cho riêng mình.


Ong mật – những nhân viên đoàn kết


Những sinh vật nhỏ bé này chịu trách nhiệm chính trong một ngành kinh doanh trị giá nhiều triệu đôla. Các sản phẩm từ loài này như sáp ong, mật ong, và việc chúng thụ phấn chéo cho các vụ mùa hàng năm đã sinh lợi nhuận hơn 100 triệu đôla chỉ tính riêng ở Mỹ. Tổ chức của một đàn ong cũng giống như trong một công ty lớn, trong đó giám đốc điều hành chính là ong chúa. Nhiệm vụ chính và quan trọng nhất của bà ta là làm tăng số lượng của đàn ong để đảm bảo rằng “công ty” của mình luôn luôn có một đội ngũ lao động đông đúc. Những con ong thợ sẽ chịu trách nhiệm việc kiếm và đem về tổ những nguồn dinh dưỡng cần thiết như mật hoa. Khi về đến tổ chúng sẽ chuyển giao những gì thu được cho một nhóm ong thợ khác chuyên nhiệm vụ sản xuất mật ong. Nhóm này chủ yếu là những con ong cái, chúng sẽ “nhai lại” nhiều lần số mật hoa thu được với mục đích loại bỏ tối đa nước có trong đó. Đây chính là cách chúng làm mật ong. Ngoài nhiệm vụ sản xuất mật, những con ong này còn chịu trách nhiệm điều hòa nhiệt độ cho tổ của mình. Chúng làm việc quần quật cả ngày mà không hề tỏ ra bất bình. Ong mật thật xứng đáng nhận danh hiệu là loài vật siêng nhất trên hành tinh của chúng ta.


  • Cao Nguyên