Các tín hiệu trên sàn giao dịch CME Group cho thấy, có 99,2% các nhà đầu tư dự đoán Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ tăng lãi suất cơ bản thêm 25 điểm cơ bản trong cuộc họp ngày 25-26/7 tới.
Trước đó, Fed đã tạm ngừng tăng lãi suất trong tháng 6, sau 10 lần tăng lãi suất liên tiếp kể từ tháng 3/2022. Tổng mức tăng là 500 điểm cơ bản, từ mức thấp kỷ lục 0-0,25%/năm lên 5-5,25%/năm.
Nếu Fed tăng lãi suất, mức lãi suất liên bang của Mỹ (fund Fed rate) sẽ lên 5,25-5,5%, cao nhất kể từ năm 2001.
Dự kiến, trong tháng 9, Fed sẽ tăng lãi suất thêm 1 lần nữa. Khi đó, fund Fed rate ở mức khoảng 5,5-5,75%. Đây là một con số mà trước và ngay sau đại dịch Covid-19, hiếm có chuyên gia nào nghĩ tới.
Kịch bản được đa số các tổ chức, chuyên gia trên thế giới dự đoán là như vậy. Nhưng cũng có khả năng Fed sẽ không tăng lãi suất lần thứ 12 trong tháng 9. Một điều đáng chú ý là những cuộc họp tăng lãi suất của Fed không còn kéo USD tăng giá. Đây là điều từng gây ra sự lo ngại trên thị trường tài chính toàn cầu.
Gần đây, USD còn giảm. Chỉ số DXY (đo lường biến động của đồng bạc xanh so với rổ 6 đồng tiền chủ chốt) rớt về mức 101 điểm, thấp hơn nhiều với mốc trên 104 điểm hồi đầu tháng 6, hay mức đỉnh cao gần 115 điểm ghi nhận hồi cuối tháng 9/2022. Trong vòng 10 tháng qua, đồng USD đã mất giá khoảng 13% so với rổ các đồng tiền chủ chốt.
Điều gì đang xảy ra trên thị trường hối đoái quốc tế? Đồng USD tại sao lại giảm khi mà Fed vẫn đang tiếp tục các chính sách thắt chặt tiền tệ với mục tiêu là đưa lạm phát trở lại mục tiêu dài hạn 2%?
Trên thực tế, sự kỳ vọng USD không còn nhiều. Nước Mỹ đã ở giai đoạn cuối của đợt thắt chặt tiền tệ kéo dài kỷ lục. Kỳ vọng trước đó đã kéo đồng USD tăng mạnh hiếm có trong lịch sử. Hiện, áp lực bán đồng tiền này khá mạnh.
Euro lên giá kỷ lục, USD vào cuối kỳ uptrend
Trong những tháng cuối năm 2022, các đồng bảng Anh và Euro lao dốc, có lúc mất 10-20% so với đồng bạc xanh. Gần đây, các đồng tiền ở châu Âu hồi phục mạnh.
Cũng như Mỹ, các nước châu Âu mạnh tay thắt chặt tiền tệ. Cùng với sự hồi phục của nền kinh tế, đồng Euro đã lên mức cao nhất 17 tháng so với USD và cao nhất 3 năm so với Nhân dân tệ.
Còn theo Bloomberg, tỷ giá danh nghĩa đa phương (NEER, so sánh giá euro với tiền tệ các đối tác thương mại của khu vực đồng Euro) đang ở mức cao nhất lịch sử.
Đầu tháng 9/2022, lần đầu tiên trong 20 năm, đồng Euro giảm xuống còn 0,99 USD sau khi Nga tuyên bố ngừng cung khí đốt cho châu Âu vô thời hạn. Tính từ đó tới nay, Euro đã tăng trở lại 18% so với USD do Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) mạnh tay thắt chặt tiền tệ.
ECB vừa cho biết sẽ tăng cường giám sát thanh khoản của các ngân hàng trong Khu vực Đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) để giảm nguy cơ xảy ra khủng hoảng tài chính trong tương lai.
Từ tháng 9, ECB yêu cầu các ngân hàng phải báo cáo thông tin thanh khoản hàng tuần (thay vì hàng tháng như trước đó) để có dữ liệu cập nhật hơn, giúp giám sát tình hình thanh khoản tốt hơn sau khi một số ngân hàng khu vực của Mỹ phá sản hồi tháng 3 và tiếp đến là vụ sụp đổ ngân hàng Credit Suisse của Thụy Sĩ.
Cũng như Fed, quan chức ECB sẽ có cuộc họp trong tuần này. Thị trường kỳ vọng ECB sẽ có quan điểm nhẹ nhàng hơn về cuộc chiến chống lạm phát. Nước Anh cũng vậy. Nếu điều này xảy ra, Euro và Bảng Anh có thể sẽ quay đầu điều chỉnh giảm trở lại và đẩy đồng USD đi lên.
Tuy nhiên, USD đang ở cuối chu kỳ tăng (uptrend) và được dự báo sẽ sớm vào một xu hướng downtrend (giảm). Đây là yếu tố có thể khiến đồng bạc xanh khó tăng giá, ngay cả trong ngắn hạn.
Ngày 12/7, Mỹ công bố lạm phát thấp hơn dự đoán và chạm đáy 2 năm. Điều này làm dấy lên niềm tin trong giới đầu tư rằng, chu kỳ tăng lãi suất của Fed sắp kết thúc. Trong tháng 6, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ đã tăng 3% so với cùng kỳ. Đây là mức thấp nhất kể từ tháng 3/2021. CPI lõi (không bao gồm giá thực phẩm và năng lượng) tăng 4,8% so với cùng kỳ.
Việc đồng USD giảm nhanh cũng giúp làm giảm áp lực lên nhiều đồng tiền tại châu Á, trong đó có đồng VND của Việt Nam. Tỷ giá USD/VND khá căng thẳng hồi đầu tháng 7 và chỉ dịu lại trong vài phiên gần đây.
Với diễn biến USD giảm gần đây, nhiều khả năng tỷ giá USD/VND sẽ tiếp tục đi xuống. Đây là cơ sở giúp các cơ quan chức năng đẩy mạnh các biện pháp hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, thông qua chính sách tài khóa và tiền tệ lỏng hơn.
Theo kế hoạch, giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 là 711.000 tỷ đồng. Điều này có nghĩa còn khoảng 495.000 tỷ đồng (tương đương gần 21 tỷ USD) nữa sẽ được giải ngân trong 6 tháng cuối năm.
Trong một dự báo mới đây, Bộ phận phân tích Ngân hàng UOB dự đoán lãi suất điều hành sẽ giảm thêm 100 điểm cơ bản trong quý III/2023 (sau khi đã giảm 4 lần kể từ tháng 3/2023) trước khi Ngân hàng Nhà nước tạm dừng để đánh giá các tác động.
Chứng khoán VNDirect kỳ vọng, lãi suất huy động và cho vay sẽ duy trì xu hướng giảm trong nửa cuối năm. Lãi suất tiền gửi bình quân kỳ hạn 12 tháng sẽ giảm xuống mức 6- 6,5%/năm vào cuối năm 2023. Lãi suất cho vay có thể giảm rõ rệt trong nửa cuối năm 2023 do chi phí vốn của các NHTM đang giảm.
Theo VNDirect, kinh tế Việt Nam sẽ quay trở lại đúng quỹ đạo và bắt đầu cho một chu kỳ tăng trưởng mới.
Với tỷ giá ổn định, lạm phát thấp và tăng trưởng vẫn ở mức cao so với thế giới và tiền đang được bơm mạnh qua kênh ngân hàng và đầu tư công…, thị trường chứng khoán Việt Nam đang tăng khá mạnh, ở hầu hết các nhóm ngành, từ ngân hàng, bất động sản, chứng khoán, xây dựng, đầu tư công, bán lẻ…