Fed quyết định tăng lãi suất lần đầu tiên thêm 0,25 điểm phần trăm trong năm 2016 cận thời điểm năm mới 2017 nhưng đánh dấu một bước quan trọng đối với thị trường tai chính nước Mỹ và thế giới. Nhìn lại cả 2016, khi hầu hết đồng tiền các nền kinh tế lớn: EU, Nhật Bản, Anh chịu nhiều áp lực; Ấn Độ khủng hoảng vì đổi tiền, Venezuela lạm phát 400%... thì USD càng chứng tỏ sự vững vàng, xứng với đồng tiền số 1 thế giới.
USD trên đỉnh cao thập kỷ
Fed đã chấm dứt thời kỳ lãi suất thấp kỷ lục, vốn là một phần trong các chính sách bất thường và gây nhiều tranh cãi mà Fed đã áp dụng để kích thích nền kinh tế Mỹ sau khủng hoảng tài chính. Fed hạ lãi suất cơ bản xuống mức gần 0 vào tháng 12/2008, 3 tháng sau khi ngân hàng Lehman Brothers sụp đổ và 10 tháng trước khi tỷ lệ thất nghiệp đạt đỉnh 10%.
Các quan chức Fed còn dự báo sẽ có 3 đợt tăng lãi suất trong năm 2017, mỗi lần tăng 0,25%. Dự báo, năm 2017 lãi suất sẽ ở mức 1,375%, đến năm 2018 lãi suất liên bang sẽ ở mức 2,125%.
Theo tính toán của Wall Street Journal, chỉ số đồng USD đã tăng 3,1% trong năm 2016 và ghi nhận năm tăng giá thứ 4 liên tiếp. Ở thời điểm cuối quý 4/2016, chỉ số tăng hơn 7% so với cuối quý 3/2016.
Những ngày cuối năm ghi nhận đồng USD tiếp tục tăng vọt trên thị trường thế giới lên gần mức cao nhất kể từ 2002 do giới đầu tư chưa ngừng đánh cược vào tương lai sáng sủa của nền kinh tế Mỹ.
Nhiều đồng tiền trong năm qua biến động |
Ở bên kia bán cầu, nước Nhật cũng trải qua một năm duy trì lãi suất ở mức âm. Ba tháng sau khi Ngân hàng Trung ương Nhật (BOJ) khiến thị trường tài chính Nhật và thế giới “choáng váng” với mức lãi suất âm, rất nhiều ngân hàng lớn của Nhật đã công bố dự báo lợi nhuận thấp nhất trong 5 năm.
Việc áp dụng chính sách lãi suất âm đã ngay lập tức tác động đến thị trường tài chính tiền tệ của Nhật Bản và thị trường trái phiếu là một trong những kênh chịu tác động mạnh nhất khi ảnh hưởng đến động lực nắm giữ trái phiếu chính phủ của các ngân hàng tại quốc gia này.
Những đồng tiền mất giá
Đồng tiền nước Anh năm 2016 cũng đã giảm sâu, thấp nhất 31 năm do lo ngại xung quanh việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (Brexit). Cách đây 2 năm, phải hơn 1,7 USD mới đổi được 1 Bảng. Trong vòng 1 năm qua, đồng Bảng mất giá 15%.
Bảng Anh biến động mạnh từ tháng 6. Ban đầu, đồng tiền trượt từ mức cao 1 bảng Anh ngang giá 1,5 USD xuống mức đáy 31 năm là 1 bảng Anh đổi được 1,32 USD, trước khi tiếp tục chịu áp lực để duy trì giá trị 1 bảng Anh ngang giá 1,22 USD hiện nay.
Nhật duy trì lãi suất thấp nhất trong cả năm qua |
Tại châu Á, Malaysia cũng là nước có đồng tiền rớt giá mạnh trong năm. Đặc biệt, chiến thắng của ông D. Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đã khiến các đồng tiền châu Á, trong đó có tiền ringgit, chao đảo mạnh.
Từng là một trong số những nền kinh tế mạnh nhất Đông Nam Á, nền kinh tế Malaysia đang chững lại. Trong nỗ lực ngăn chặn sự suy yếu của đồng tiền ringgit, Ngân hàng Trung ương Malaysia vừa công bố biện pháp mạnh bắt buộc các nhà xuất khẩu phải đổi 75% số tiền họ kiếm được ra đồng nội địa ringgit thay vì cất giữ bằng USD.
Cũng trong khu vực, đồng Tugrik của Mông Cổ là đồng tiền giảm giá tồi tệ nhất thế giới trong tháng 8 với chuỗi ngày giảm giá dài nhất trong lịch sử khi mà Chính phủ nước này đang phải tìm mọi cách để ổn định lại nền kinh tế đang rơi vào khủng hoảng.
Kinh tế Mông Cổ đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi sự giảm giá hàng hóa, kinh tế Trung Quốc giảm tốc và sự suy giảm lòng tin của các nhà đầu tư nước ngoài trước những chính sách không nhất quán của nước này.
Khốn khổ với đồng tiền nhảy múa
Nền kinh tế Venezuela đã tụt dốc không phanh trong những năm gần đây do giá dầu, nguồn thu nhập chính, giảm mạnh đã khiến cho đồng tiền nước này như giấy lộn. Trong năm qua, người dân đổ xô đi mua hàng hóa với một khối lượng lớn tiền mặt trong tay, thậm chí các chủ nhà hàng còn phải cân tiền mặt thay vì đếm, hay những tờ tiền của nước này được sử dụng như giấy gói bánh ngọt.
Một USD đổi được một bó tiền ở Venezuela |
Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro ngày 11/12 đã thông báo sẽ loại bỏ việc lưu hành đồng 100 bolivar (tương đương 4 cent tiền Mỹ trên thị trường chợ đen), đồng tiền mệnh giá lớn nhất tại Venezuela hiện nay, kể từ ngày 15/12 để đưa vào sử dụng đồng tiền có mệnh giá lớn hơn.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo lạm phát Venezuela tăng lên 470% năm nay và 1.660% năm sau. Chỉ trong tháng 11, đồng bolivar đã mất 55% giá trị. Mệnh giá giấy bạc lớn nhất là 100 bolivar giờ chỉ đổi được 2 cent Mỹ.
Khủng hoảng đổi tiền ở Ấn Độ |
Ấn Độ cũng là nước gặp khủng hoảng trong việc đôi tiền. Cơn ác mộng bắt đầu kể từ lúc Thủ tướng Narendra Modi ra lệnh cho các ngân hàng Ấn Độ thu hồi tất cả tờ tiền giấy mệnh giá 500 rupee (khoảng 7,4 USD) và 1.000 rupee, thay vào đó phát hành tiền giấy mệnh giá 500 rupee và 2.000 rupee mới. Đây được xem là một trong những nỗ lực truy quét nạn trốn thuế và tham nhũng sau khi chính phủ phát hiện hàng tỉ USD tiền thuế bị thất thoát.
Nhiều ngày liên tiếp, hàng trăm ngàn người dân Ấn Độ phải đứng chầu chực bên ngoài các ngân hàng để đổi tiền. Trong khi đó, những tờ bạc có mệnh giá lớn này chiếm tới hơn 80% lượng tiền lưu thông tại Ấn Độ. Sự thay đổi bất ngờ đã khiến hàng triệu người rơi vào cảnh thiếu tiền mặt. Gần một nửa số cây ATM ở Ấn Độ đã dừng hoạt động.
Một câu chuyện khá thú vị về đồng tiền năm 2016, người dân Thụy Sĩ không phải làm gì vẫn được hưởng 2.500 USD/tháng.Tuy nhiên, 77% cử tri Thụy Sỹ phản đối kế hoạch thu nhập cơ bản đảm bảo nói trên. Những người phản đối ý tưởng thu nhập đảm bảo cho rằng làm như vậy sẽ phá vỡ mối liên kết giữa lao động và tiền lương, tạo ra những ảnh hưởng không tốt cho xã hội.
Nam Hải