Báo cáo sắp công bố của Ủy ban xem xét an ninh và kinh tế Mỹ-Trung thuộc Quốc
hội Mỹ đã hé lộ những chi tiết mới về chương trình vũ khí không gian của Trung
Quốc, Washington Times đưa tin.
Washington cho rằng chương trình được mệnh danh là vũ khí phản không của Trung Quốc là nhằm phá hủy hoặc gây nhiễu vệ tinh cũng như giới hạn các chiến dịch của Mỹ trên khắp thế giới.
"Trung Quốc đang cố trang bị cho mình năng lực phản không mạnh mẽ và trên diện rộng, gồm cả các tên lửa chống vệ tinh, các hệ thống chống vệ tinh quỹ đạo, các chiến dịch trên mạng máy tính, vũ khí năng lượng và bộ gây nhiễu vệ tinh đặt trên mặt đất", dự thảo mới nhất của báo cáo hàng năm của ủy ban trên viết. "Các kho vũ khí hạt nhân của Trung Quốc cũng có khả năng chống vệ tinh".
Trong trường hợp xung đột nổ ra, các chuyên gia quân sự Trung Quốc sẽ triển khai các cuộc tấn công phối hợp giữa điện tử và mạng để chống các vệ tinh hoặc các máy móc hỗ trợ mặt đất.
Trung Quốc hiện đang phát triển tên lửa có khả năng diệt vệ tinh ở cả tầng cao và thấp của quỹ đạo. Các cuộc thử nghiệm tên lửa chống vệ tinh được Trung Quốc tiến hành gần đây nhất là vào năm ngoái.
Với những vũ khí đặt trong không gian, Trung Quốc được cho là đang phát triển các vũ khí chống vệ tinh ở quỹ đạo. Theo đó, hệ thống này sẽ tiến gần tới vệ tinh mục tiêu rồi sau đó triển khai vũ khí để vô hiệu hóa hoặc phá hủy chúng
Báo cáo của ủy ban Quốc hội Mỹ cho hay, Trung Quốc đã mô phỏng một vụ tấn công như vậy vào năm 2008 khi nước này đưa một vệ tinh hình ảnh lên một điểm gần Trạm vũ trụ quốc tế mà không thông báo. Bắc Kinh tin rằng việc thể hiện khả năng gây hại hoặc phá hủy vệ tinh sẽ làm các đối thủ của nước này nhụt chí.
Trung Quốc hiện cũng đang có kế hoạch tiến hành các cuộc tấn công quân sự trên mạng, vốn chiếm quyền kiểm soát vệ tinh thông qua việc đột nhập tín hiệu sóng ngắn.
"Nếu thực hiện thành công, các cuộc tấn công kiểu đó sẽ đe dọa vị thế thống lĩnh thông tin của Mỹ, đặc biệt là nếu Trung Quốc tiến hành các cuộc tấn công chống vệ tinh có chức năng tình báo và quân sự nhạy cảm", báo cáo cho hay.
Ủy ban trên cũng cáo buộc tin tặc Trung Quốc đứng sau một số vụ tấn công mạng chống lại các tài sản trong không gian của Mỹ, gồm cả vụ tin tặc hồi tháng 9/2014.
Năng lực hạt nhân của Bắc Kinh cũng có thể được dùng để chống lại các vệ tinh. Một vụ nổ hạt nhân ở quỹ đạo tầm thấp có thể tạo ra xung điện từ làm ảnh hưởng tới hoạt động của các vệ tinh không được bảo vệ.
- Hoài Linh