{keywords}

Các loại mỹ phẩm chống nắng được bán rộng rãi trên các sàn thương mại điện tử

Lướt một vòng trên các sàn thương mại điện tử hay các trang mạng xã hội, có thể dễ dàng tìm kiếm và chọn lựa hàng ngàn sản phẩm kem chống nắng, viên uống chống nắng, sữa rửa mặt trắng da, kem trắng da... có tác dụng tránh tia cực tím (UV), bảo vệ da...

Tuy nhiên, bên cạnh những sản phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, còn có không ít các sản phẩm được quảng cáo là hàng xách tay, hàng nội địa và có cả những sản phẩm nhái nhãn mác của các thương hiệu nổi tiếng khiến chị em như rơi vào "ma trận" khi có nhu cầu mua và sử dụng mỹ phẩm chống nắng.

Thời gian gần đây, lực lượng quản lý thị trường liên tiếp tiến hành kiểm tra cơ sở sản xuất kinh doanh mỹ phẩm và phát hiện, thu giữ nhiều sản phẩm mỹ phẩm giả, không rõ xuất xứ.

Cụ thể, giữa tháng 6/2021, Đội Quản lý thị trường số 11 phối hợp với Đội Cảnh sát kinh tế (Công an huyện Thanh Oai, Hà Nội) đã kiểm tra tại cơ sở sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm tại thôn Tảo Dương, xã Hồng Dương, huyện Thanh Oai, phát hiện và thu giữ 6.600 chai sữa tắm giả thương hiệu nổi tiếng của Pháp; gần 1.000 hộp sữa tắm xông trắng; 6.000 lọ Serum làm sáng da Vitamin C Balance; gần 1.400 chai sữa tắm hương hoa cỏ Innisfree...

Số mỹ phẩm trên đa phần không rõ nguồn gốc, không có nhãn mác hoặc có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu được bảo hộ tại Việt Nam. Ngày 22/6, Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cũng kiểm tra các kho hàng tại Hà Nội, Hưng Yên, thu giữ gần 3.200 sản phẩm là mỹ phẩm, thực phẩm do nước ngoài sản xuất không có hóa đơn chứng từ.

Những mặt hàng trên không có nhãn mác phụ, không có hóa đơn chứng minh được nguồn gốc xuất xứ và hầu hết được bán qua livestream, Facebook với hàng chục nghìn người theo dõi.

"Những loại mỹ phẩm, sản phẩm chống nắng, làm trắng da kém chất lượng, bị làm giả, làm nhái được bán tràn lan khiến người tiêu dùng như tôi luôn đặt ra câu hỏi làm thế nào để nhận biết hàng giả, hàng thật. Đặc biệt, trong mùa dịch, nhiều chị em đặt mua hàng trên các kênh mua sắm online, việc kiểm định chất lượng càng khó khăn hơn", chị Ngô Minh Huyền (Q.Hoàn Kiếm, Hà Nội) chia sẻ.

Chị em không tiếp tay cho mỹ phẩm giả

Hiện nay, các cơ quan chức năng đang tích cực vào cuộc để ngăn chặn các sản phẩm mỹ phẩm nói chung và mỹ phẩm chống nắng kém chất lượng, trôi nổi nói riêng được lưu hành và bán trên thị trường. Tuy nhiên, dưới góc độ người tiêu dùng, chị em cũng cần cẩn trọng khi lựa chọn, mua và sử dụng mỹ phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Với giá bán chỉ từ vài chục ngàn đồng, rẻ hơn nhiều so với các sản phẩm được bày bán trong các showroom, nên dù biết rõ rằng sử dụng các mỹ phẩm không rõ xuất xứ, nguồn gốc có thể hại cho da, ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng nhiều chị em vẫn ham rẻ, mua và sử dụng sản phẩm trôi nổi trên thị trường. Sự dễ dãi này của người tiêu dùng đã vô tình tiếp tay các sản phẩm kém chất lượng vẫn được lưu hành.

Để tránh tiếp tay cho các sản phẩm kém chất lượng, người tiêu dùng cũng cần thông báo đến các cơ quan chức năng nếu phát hiện nghi vấn mỹ phẩm giả, kém chất lượng bày bán bán trên thị trường. Khi mua và sử dụng mỹ phẩm chống nắng, nên lựa chọn các nhà cung cấp uy tín, sản phẩm đã được kiểm định chất lượng để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Theo Phụ nữ Việt Nam