Đó là nơi các ca sĩ phải nỗ lực hết mình để hát sống, hát thực bằng tiếng hát
của mình.
Một kỷ niệm rất đẹp trong cuộc đời làm nghệ thuật của Nhạc sĩ Anh Quân và Ca sĩ
Mỹ Linh là cả hai vợ chồng cùng được nhận Giải thưởng âm nhạc Cống hiến năm 2011
(được trao vào ngày 22/4/2012). Anh Quân với vinh danh Nhạc sĩ của năm và Mỹ
Linh với Album của năm. Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện thú vị với ca sỹ Mỹ Linh
về âm nhạc và đời sống.
-Thưa chị, chị cho biết cảm xúc của mình khi cả chị và chồng là Nhạc sĩ
Anh Quân cùng được nhận một giải thưởng Cống hiến?
Chúng tôi rất hạnh phúc. Giải thưởng Cống hiến không có giá trị về vật chất,
nhưng có giá trị tinh thần rất lớn. Đây là giải do các nhà báo bình chọn, mà nhà
báo đại diện cho công luận, công chúng. Làm nghệ thuật mà đến được với công
chúng, được công chúng thừa nhận, đó là sự động viên rất lớn, củng cố lòng tin
cho mình để tiếp tục được cống hiến. Không có hạnh phúc nào hơn thế! Nhạc sĩ Anh
Quân, chồng tôi, trong Lễ trao giải đã rất xúc động nói rằng: Trong âm nhạc, rất
nhiều tài năng đã không được biết đến, họ rất thiệt thòi. Tôi đã nghĩ, mình là
một trong số đó, cho đến hôm nay…
Tôi nghĩ, Giải thưởng còn là nguồn cổ vũ cho các thế hệ, nhất là thế hệ trẻ.
Nếu thật sự nỗ lực, nếu thật sự cống hiến thì nhất định một ngày nào đó sẽ được
công nhận. “Gái có công, chồng chẳng phụ”. Tôi mong muốn càng ngày, càng có
nhiều người được nhận giải thưởng này.
Là nghệ sĩ thì không bao giờ dừng lại. Mình làm việc trước hết vì đó là công việc của mình, vì ekip, vì khán giả. Với cá nhân, tôi đang khởi động lại Chat với Mozart. Thực hiện album này, Mỹ Linh muốn nói với khán giả, muốn cùng mọi người đóng góp một sản phẩm âm nhạc Made in Việt Nam. Là một nghệ sĩ, khi thấy nền âm nhạc Việt Nam chưa phát triển thì làm cho nó ngày một phát triển hơn. Nghĩa là phải tiếp tục cống hiến, cống hiến một cách đích thực. Đó cũng là cách để hàng chục năm sau, con cái nghe lại những sản phẩm âm nhạc của mình không hổ thẹn, chứ không muốn chúng sẽ nói: “ Các ông bà khốt ta bít này không nghe được”! Cái mà con cháu không nghe được thì giải thưởng hôm nay cũng chẳng làm gì.
Ngoài ra, Mỹ Linh còn muốn dành thời gian, tâm sức để tham gia công tác xã
hội, chia sẻ với cộng đồng.
Đúng vậy! Tôi tự thấy mình rất ham học và cũng mong muốn được góp sức mình truyền dạy cho các thế hệ mai sau. Mà muốn dạy được thì phải học…
-Vừa qua, Chị đã tham gia Chương trình Bài hát yêu thích. Chị có thể cho biết, lý do mà mình tham gia chương trình này?
Tôi thấy đây là một chương trình tốt, hướng tới sự công bằng, sự trong sạch trong âm nhạc, tôn vinh bài hát yêu thích.
Đó là nơi các ca sĩ phải nỗ lực hết mình để hát sống, hát thực bằng tiếng hát
của mình. Giống như thi hoa hậu trong màn trình diễn áo tắm, ai đẹp, ai xấu đều
lộ hết ra. Các hình thức tiêu cực, đặc biệt là “sim rác” đều được loại bỏ, bảo
đảm sự chính xác, công bằng trong kết quả bình chọn.
- Chị có nghĩ mình sẽ giành được giải Bài hát của năm - một giải thưởng lớn?
Khó lắm! Đây là sân chơi chủ yếu của lớp trẻ. Lớp trẻ có nhiều tài năng, triển vọng, có nhiều fan nồng nhiệt. Tham gia chương trình này, Mỹ Linh muốn cống hiến, muốn được gửi tình cảm của mình đến công chúng và cũng muốn được nhận tình cảm của công chúng. Giải thưởng thì tính theo số lượng, còn “phần thưởng” quý giá là tình cảm của người hâm mộ thì Mỹ Linh nghĩ rằng, tất cả các ca sĩ tham gia đều có.
Mỹ Linh tham gia chương trình này cũng để gửi một thông điệp: Âm nhạc không
có tuổi. Tuổi tác chỉ là cái bên ngoài. Quan trọng là sự thanh xuân trong tâm
hồn.
- Là người thành đạt sớm (16 tuổi đã có Huy chương vàng “Giọng hát hay PTTH”
toàn quốc, 18 tuổi giành vị trí thủ khoa khi thi vào khoa thanh nhạc Nhạc viện
Hà Nội và giải “Ca sĩ trẻ gây ấn tượng nhất” tại Liên hoan các ban nhạc nhẹ toàn
quốc...), chị có cho rằng, con đường ca hát chuyên nghiệp là con đường “duy nhất
đúng” để làm nên một Mỹ Linh hôm nay? Có hay không một “Mỹ Linh khác”, nếu…?
Tôi không nghĩ rằng lại có con đường nào duy nhất đúng như thế. Nếu như ngày
ấy tôi gặp những người khác ở những khúc quanh nào đó quan trọng của đời mình
thì có thể số phận của tôi đã khác. Tuy nhiên, tôi tin rằng cuộc sống luôn có
duyên phận, việc tôi được sinh ra, được thử thách, được có những cuộc gặp gỡ
định mệnh, được làm mẹ của các con tôi… để đi theo hướng cuộc đời tôi bây giờ,
có lẽ đều do duyên phận .
- Nhiều người cho rằng mối nhân duyên Mỹ Linh- Anh Quân không chỉ đưa Mỹ Linh bước vào một trang mới trong cuộc sống riêng mà còn làm nên những thay đổi quan trọng trong sự nghiệp ca hát của chị. Bằng chứng là đã xuất hiện một Mỹ Linh “Tóc ngắn”không là bản sao của bất cứ ai !
Tôi cũng nghĩ như vậy. Tôi luôn biết mình đã may mắn như thế nào khi gặp và trở thành vợ Anh Quân, làm mẹ của các con của anh ấy. Tôi luôn nghĩ rằng sẽ không bao giờ tôi là một người phụ nữ như ngày hôm nay nếu không sống cùng Anh Quân. Chính sự khó tính, hay đòi hỏi cao của anh ấy khiến tôi có thể hoàn thiện mình hơn.
- Chị từng nói: “ Tôi là vợ, là góc bếp, là cái giường…”, từ bao giờ chị đã nghĩ như thế? Có lúc nào chị tự phản biện mình vì đã nghĩ vậy?
Tôi tự nhận thấy mình nhỏ bé, không thể là cả một cái trụ nhà hay cái mái nhà nên tôi chỉ thích được làm cái góc bếp gọn gàng hay cái giường ấm cúng để chồng con tôi muốn trở về, thế thôi.
- Gia đình, khái niệm ấy đi liền với yêu thương và bổn phận. Theo chị, để nơi đó thực sự là “tổ ấm”, người phụ nữ vừa phải “giữ lửa” vừa phải “giữ hòa khí” trong nhà như thế nào?
Thì các cụ vẫn dạy “cơm sôi nhỏ lửa” rồi mà!
- Chị có ý kiến gì về 3 tính từ tiêu biểu người ta thường nói về người phụ nữ:
xinh đẹp, dịu dàng, đảm đang?
Theo tôi, đó là 3 tính từ hay nhất để tả người phụ nữ nói chung. Nhưng tôi lại có ý kiến khác: Phải đúng lúc, nếu không xinh đẹp, dịu dàng hay đảm đang mà không đúng lúc đều rất dở. Lúc nào thì thế ấy. Vì xinh đẹp mà chỉ biết xinh đẹp, móng chân, móng tay và quần áo thì không ổn. Đảm đang mà không biết chăm sóc về hình thức thì rất chán. Dịu dàng thì hay rồi, nhất là người phụ nữ nào khi bên con chẳng dịu dàng, nhưng vẫn cần những lúc phải thể hiện bản lĩnh!
- Ai đó đã ví giọng hát của người ca sĩ với nhan sắc của người phụ nữ: đều là “trời cho” và “có thì”?
Về lâu dài, tôi đã xác định: khi con cái bắt đầu có sự nghiệp, mình cũng đã
có chút thành tựu, tôi sẽ rút lui khỏi nghề. Thay vì lên sân khấu, tôi sẽ làm
giáo viên dạy hát, làm công tác cộng đồng và… chăm cháu nội, cháu ngoại! Tôi nhớ,
cô Diệu Thúy từng bảo: “Linh có kinh nghiệm, có kỹ thuật và trái tim nhân hậu,
nên đi theo nghề giáo”. Hiện giờ thì chưa phải lúc vì tôi chưa sẵn sàng hy sinh
thời gian của con để làm gì khác. Mỗi người chỉ có một quỹ thời gian nhất định
nên chẳng thể ôm đồm. Vì đã theo nghề giáo thì phải đúng với cam kết, dạy ra dạy
và theo sát học trò.
- Một ký ức tuổi thơ của Mỹ Linh?
Hồi nhỏ Linh rất khổ. Bố mẹ làm công nhân, vất vả, vật lộn, quăng quật mưu sinh để nuôi ba anh em Linh. Nhiều lúc Linh cứ nghĩ cuộc đời bố mẹ giá có thể viết thành tiểu thuyết được! Nhất là mẹ, mẹ cơ cực từ bé, chẳng ai cho mẹ được gì. Thương con nhưng mẹ nghiêm lắm, mẹ thường nói: “Ông bà ngoại là nhà giáo, thà chết đói chứ không chịu nhục. Mẹ không có gì cho các con, chỉ biết đi làm sáng tối cho các con ăn học, nếu không vươn lên được thì ráng mà chịu!”. Khu tập thể mà nhà Linh sống hồi đó nằm ngay ở giữa Chợ Trời, vô cùng phức tạp: trộm cắp, gian lận, cờ bạc, nghiện hút… không thiếu thứ gì. Thế mà cả ba anh em không ai hư hỏng, như hoa sen gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn, đều có ý chí vươn lên, đều may mắn và thành đạt.
Có thể nói, mấy anh em Linh được tôi luyện từ bé, cho nên lớn lên không thấy
việc gì là vất vả, không ngại bất cứ việc gì, kể cả những việc chân tay lấm lem,
bẩn thỉu, không xa lạ với cuộc sống lao động. Chính nhờ cuộc sống khó khăn đã
tạo nên con người như vậy. Bởi thế, bây giờ nếu ai đến nhà Linh, nếu không biết
trước sẽ rất ngạc nhiên, vì sẽ tưởng đó là một chị nông dân đang làm vườn chứ
không phải ca sĩ Mỹ Linh đang tưới tắm, bón phân cho cây, cùng với cuốc xẻng bùn
đất …
- Mỹ Linh có một vườn đẹp và chị là người làm vườn thật sự?
Một chị ở báo Sài Gòn tiếp thị đã viết về vườn nhà Linh là “Ngôi vườn ướp hương hoa suốt bốn mùa”.
Điều mà Linh thích nhất là không gian, là đời sống chung của vườn tược. Ban đầu chỉ có cây cau ta, cây mộc hương. Một đêm đang ngủ, Linh bỗng choàng tỉnh bởi mùi dạ lan hương ngào ngạt đã đánh thức Linh. Vén rèm nhìn xuống vườn, Linh bỗng thấy đêm thật đẹp, khu vườn chìm trong sương đêm nhưng mùi hương thanh tao của dạ lan vẫn cứ tỏa bay vấn vít… Nhan sắc trong đêm của vườn là hương. Cảm nhận điều ấy một cách rõ ràng đã đưa Linh đến quyết định: tại sao không cho vườn ướp hương bốn mùa để lúc nào cũng được sống trong hương thơm? Để mỗi khi có gió là phòng ngủ như được ướp toàn hương hoa? Thế là trồng hàng loạt, nào ngâu, nào hồng thơm… Vườn có cả cây có hương không sắc, lại có cả cây vừa có hương vừa có sắc. Có những cây hương rất đặc biệt mà sắc lại rất đỗi bình thường. Một thế giới của cây và hương. Linh nhận thấy rõ mình đang cảm nhận về mùa không bằng những tờ lịch đánh dấu mỗi ngày, mà bằng màu sắc của vườn: tím bằng lăng là tháng 4 đã về, đỏ hoa phượng là tháng 6, bàng rụng lá là khi đông tới và nẩy chồi lúc đất trời lắc rắc mưa xuân… Rồi màu nắng cũng vậy: gay gắt là nắng hè, vàng trong là nắng thu… Cứ thế, Linh dạy các con cách cảm nhận về mùa, từ chính vườn nhà, từ những làn hương, sắc lá quen thuộc…
- Một gửi gắm của chị, nếu có thể?
Mỗi người được sống một lần, hãy gắng học hỏi những người đi trước, để cảm nhận cuộc sống từng giây, từng phút… Linh muốn được cảm nhận niềm vui mỗi ngày theo cách mà thiên nhiên đã ban tặng!
(Theo DTV)