Theo Reuters, Palestine trên thực tế đã được công nhận là quốc gia có chủ quyền sau khi Liên Hợp Quốc trao cho họ tư cách nước quan sát viên không trực thuộc tổ chức vào năm 2012.
Tuy nhiên, để trở thành nước thành viên chính thức của Liên Hợp Quốc (LHQ), đơn xin kết nạp của Palestine cần được Hội đồng Bảo an LHQ, nơi Mỹ là thành viên thường trực có quyền phủ quyết, và ít nhất 2/3 trong tổng số 193 quốc gia thành viên Đại hội đồng LHQ phê chuẩn.
Hôm 3/4, khi được hỏi liệu Mỹ có sử dụng quyền phủ quyết tại Hội đồng Bảo an LHQ để ngăn chặn nỗ lực của Palestine hay không, phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller nói ông sẽ không suy đoán về những gì có thể xảy ra sau này.
Tuy nhiên, ông Miller lưu ý: “Việc thành lập một nhà nước Palestine độc lập với những đảm bảo an ninh cho Israel là điều cần được thực hiện thông qua đàm phán trực tiếp giữa các bên, chứ không phải tại Liên Hợp Quốc. Đó là điều chúng tôi đang theo đuổi vào thời điểm này".
Theo giới quan sát, quan điểm của Mỹ, đồng minh quan trọng nhất của Israel đã phản ánh lập trường của Tel Aviv về vấn đề này.
Việc Palestine thúc đẩy nỗ lực trở thành thành viên chính thức của Liên Hợp Quốc diễn ra trong bối cảnh chiến dịch tấn công quân sự chống Phong trào Hồi giáo Hamas của Tel Aviv ở Dải Gaza sắp bước sang tháng thứ 6 và Israel đang mở rộng các khu định cư của người Do Thái ở khu vực Bờ Tây bị chiếm đóng.
Phái viên Palestine tại LHQ Riyad Mansour hôm 1/4 tiết lộ, mục tiêu của PA là thuyết phục Hội đồng Bảo an đưa ra quyết định tại cuộc họp cấp bộ trưởng về Trung Đông vào ngày 18/4. Song, Hội đồng Bảo an hiện chưa lên lịch về một cuộc bỏ phiếu về tư cách thành viên LHQ của Palestine.
>> Đọc tin tức quốc tế trên báo VietNamNet