Reuters trích dẫn khuyến cáo đi lại ngày 22/10 của Bộ Ngoại giao Mỹ viết: “Đừng đến Iraq vì khủng bố, bắt cóc, xung đột vũ trang, bất ổn dân sự và năng lực hạn chế của phái đoàn NATO trong việc hỗ trợ các công dân Mỹ”.
Số vụ tấn công nhằm vào các lực lượng Mỹ ở Iraq và Syria đã tăng đột biến kể từ khi xung đột giữa quân đội Israel và Phong trào vũ trang Hồi giáo Hamas ở Dải Gaza nổ ra ngày 7/10. Tuần trước, một tàu chiến của Mỹ đã bắn hạ hơn chục máy bay không người lái và 4 tên lửa hành trình do lực lượng Houthi được Iran hậu thuẫn phóng từ Yemen.
Cảnh báo mới được đưa ra sau khi Washington chỉ thị cho các nhân viên làm nhiệm vụ không thiết yếu tại Đại sứ quán Mỹ ở thủ đô Baghdad và Tổng lãnh sự quán Mỹ ở thành phố Erbil, Iraq cùng thân nhân của họ rời khỏi quốc gia Trung Đông “do mối đe dọa an ninh gia tăng”.
“Vì các quan ngại an ninh, các nhân viên Mỹ ở Baghdad được yêu cầu không sử dụng sân bay quốc tế Baghdad”, nhà chức trách Mỹ nói thêm. Tuyên bố lưu ý, các nhóm vũ trang chống Washington “đang đe dọa các công dân Mỹ và những công ty quốc tế” khắp Iraq.
Trước đó trong ngày 22/10, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin cùng bày tỏ lo ngại về nguy cơ leo thang đáng kể các vụ tập kích vào quân đội Mỹ ở Trung Đông và khả năng Iran đang tìm cách mở rộng xung đột Israel - Hamas.
Washington đã tăng cường đáng kể sự hiện diện của hải quân Mỹ ở Trung Đông trong những tuần gần đây, bao gồm cả việc điều động 2 tàu sân bay, các tàu hỗ trợ và khoảng 2.000 lính thủy đánh bộ đến khu vực. Lầu Năm Góc hôm 21/10 thông báo sẽ gửi hệ thống Phòng thủ khu vực tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) và các hệ thống tên lửa phòng không Patriot bổ sung tới đây.
Sứ quán Mỹ ở Iraq bị tấn công rocket
Hiện chưa rõ hai trường hợp bị thương trên có phải là người thân của nhân viên Đại sứ quán Mỹ ở Iraq hay không.