Cơ quan an ninh nội địa Ba Lan hôm 11/1 thông tin đã buộc tội gián điệp đối với Giám đốc Huawei tại Ba Lan là Weijing W (còn gọi là Stanislaw Wang) và Piotr D, cựu quan chức cấp cao thuộc cơ quan an ninh nội địa Ba Lan (ISA).

Hai người này đã bị bắt vào ngày 8/1 và bị nghi "làm việc cho cơ quan an ninh Trung Quốc và gây tổn hại cho Ba Lan".

Đài truyền hình Ba Lan TVP cho biết, các quan chức ISA đã lục soát nơi ở của 2 nghi phạm vào sáng ngày 8/11. Họ đã thu giữ các tài liệu và dữ liệu điện tử từ trụ sở Huawei và từ hãng viễn thông Orange Polska, nơi Piotr D làm việc gần đây.

Truyền thông địa phương cho hay nghi phạm người Ba Lan được cho là cựu điệp viên của cơ quan phản gián ABW Ba Lan, hiện là tư vấn an ninh mạng cho chi nhánh của Orange, nhà cung cấp điện thoại di động của Pháp ở Ba Lan.

{keywords}
Truyền hình Ba Lan đưa tin vụ bắt giữ một công dân Trung Quốc và một công dân Ba Lan của ISA.

Wojciech Jabczynski, phát ngôn viên của Orange Polska cho hay các quan chức ABW đã "đến lấy các vật dụng của một nhân viên hôm 8/1".

Trong một thông báo ngay sau vụ việc, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết "rất quan ngại" về vụ bắt giữ công dân nước này.

Huawei cũng thông tin rằng, công ty "biết tình hình" và "đang xem xét".

Nguồn tin ngoại giao nói với SCMP rằng, một quan chức của sứ quán Trung Quốc tại Ba Lan đã liên lạc với quan chức ngoại giao Warsaw về vụ việc nghi phạm Trung Quốc bị bắt.

Tuy nhiên, do Weijing W không có quyền miễn trừ ngoại giao nên đối tượng sẽ bị giam tối thiểu 3 tháng.

Theo LinkedIn, Weijing Wang từng học ngành tiếng Ba Lan tại đại học Ngoại ngữ Bắc Kinh. Từ năm 2006, Wang làm việc tại lãnh sự quán Trung Quốc ở Gdansk trước khi gia nhập Huawei năm 2011 và đảm nhận vai trò quan hệ công chúng của hãng viễn thông tại Ba Lan. Năm 2017, Wang được bổ nhiệm lên làm Giám đốc kinh doanh tại Ba Lan.

Ba Lan là nơi đặt trụ sở chính của Huawei cho khu vực Đông Âu và Bắc Âu. Tại đây, hãng viễn thông Trung Quốc có một trung tâm nghiên cứu quy mô lớn.

Thời gian gần đây, Washington đã gửi đi nhiều thông điệp cảnh báo tới các chuyên gia châu Âu về các rủi ro bảo mật, đặc biệt là các sản phẩm công nghệ của Huawei còn có "cửa hậu" cho phép thu thập dữ liệu cá nhân, tổ chức để tập trung vào một cổng do Chính phủ Trung Quốc kiểm soát.

Huawei đã bác bỏ các cáo buộc, một số quốc gia như Đức chưa hề có phản ứng ủng hộ cảnh báo của chuyên gia Mỹ. Ba Lan có lý do để tin tưởng những cảnh báo nguy hiểm từ phía Washington đối với Huawei.

Đối với Warsaw, Washington đang có tầm ảnh hưởng sâu sắc: từ quan điểm chung về tình hình Ukraine, mối quan ngại về sức mạnh quân sự Nga dến sự phản đối dự án đường ống dẫn khí đốt chạy dưới biển Baltic Nord Stream-2 và các hợp đồng khí thiên nhiên hóa lỏng.

Tháng trước, EU đã cảnh báo các nước thành viên về mối đe dọa an ninh từ Huawei. Tuần qua, cả Na Uy và Thụy Điển tuyên bố họ sẽ xem xét việc cho phép Huawei xây dựng mạng lưới 5G tại 2 nước hay không. Cộng hòa Séc được cho là cũng đang điều tra các sản phẩm của Huawei với quan ngại có thể bị tấn công mạng.

Giám đốc kinh doanh Huawei tại Ba Lan là nhân vật cấp cao thứ 2 của Huawei bị bắt ở nước ngoài sau khi Giám đốc Tài chính Tập đoàn này bị Canada bắt giữ và xét xử theo yêu cầu của Mỹ.

Bà Mạnh Vãn Châu bị cáo buộc “lừa đảo các tổ chức tài chính” Mỹ và lách lệnh trừng phạt của Washington lên Iran.

Vụ việc mới nhất đối với Huawei được dự đoán sẽ kéo theo các phản ứng giận giữ từ phía Trung Quốc. Bắc Kinh luôn bác bỏ các cáo buộc gây sức ép lên các công ty công nghệ, viễn thông, buộc họ phải cung cấp các dữ liệu bảo mật cho Chính phủ.

(Theo Báo Đất Việt)